Nội dung điều chỉnh khung chương trình giáo dục do tác động của dịch Covid-19 diễn biến phức tạp được Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ báo cáo tại hội nghị giao ban trực tuyến do Ban Tuyên giáo Trung ương chủ trì phối hợp với Thường trực Ban chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch và Bộ Thông tin & Truyền thông, Bộ Y tế, tổ chức chiều 10/4.
Lùi thời gian kết thúc năm học
Với chương trình đã được điều chỉnh trước diễn biến phức tạp của dịch, Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ cho biết thời gian kết thúc năm học được điều chỉnh sang ngày 15/7. Thời gian thi THPT quốc gia dự kiến lùi lại từ ngày 8/8 đến 11/8.
Trong thời gian đó, Bộ vẫn có văn bản và các biện pháp truyền thông tới các trường về phương án chống dịch để sẵn sàng khi học sinh đi học trở lại.
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ. Ảnh: Việt Linh. |
Cũng theo ông Độ, Bộ GD&ĐT đã quyết định tinh giản chương trình, giảm nhẹ nội dung học tập của học kỳ 2, giữ lại những nền tảng, cốt lõi của chương trình học kỳ 2 để giúp học sinh tiếp tục hoàn thành chương trình, xét lên lớp theo yêu cầu của năm học.
“Những vấn đề thiếu vắng trong năm học này sẽ được bù trong năm học tới. Khi khai giảng năm học mới sẽ dành 1-2 tuần để học sinh học lại kiến thức đã được học và tinh gọn trong năm qua”, ông Độ cho hay.
Riêng học sinh lớp 12 và lớp 9, ông Độ nhấn mạnh vẫn dành thời gian ôn thi cũng như học tập, đảm bảo tiến độ 15/7 sẽ hoàn thành xét cho học sinh lên lớp, thi vào lớp 10 và thi THPT quốc gia.
Nhấn mạnh mong muốn “học sinh càng đi học sớm càng tốt”, nhưng theo ông Độ, nếu tiếp tục học trực tuyến tại nhà thì các cô giáo sẽ dành 1-2 tuần cho học sinh ôn tập rồi tiến hành kiểm tra định kỳ. Còn với học sinh lớp 12 sẽ có thêm 3 tuần ôn tập chuẩn bị cho kỳ thi THPT quốc gia.
Với khung điều chỉnh như ông Độ báo cáo, thời điểm kết thúc năm học 2019-2020 sẽ chậm một tháng rưỡi so với mọi năm.
Năm học này, 22 triệu học sinh trên cả nước sau kỳ nghỉ Tết không thể quay trở lại trường vì dịch Covid-19. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử, học sinh cả nước nghỉ học kéo dài vì dịch bệnh truyền nhiễm.
Báo cáo Quốc hội nếu học sinh đi học sau 15/6
Trong thời gian học sinh được nghỉ học, Bộ GD&ĐT quán triệt tinh thần “học sinh ngừng đến trường nhưng không dừng việc học”, vì vậy, Bộ đưa ra các biện học trực tuyến, học qua ứng dụng Internet và đặc biệt học trên truyền hình.
“Bộ đã tổ chức hướng dẫn học trực tuyến, học trên truyền hình thế nào, 63 tỉnh, thành phố đã triển khai cái này, giúp học sinh bổ trợ kiến thức. Học sinh nghỉ học nhưng chương trình vẫn đang được thực hiện, các thầy cô giáo vẫn đang dạy học”, ông Độ thông tin.
Nếu học sinh có thể đi học chậm nhất trước 15/6 thì đến 15/7 vẫn hoàn thành năm học. Ảnh: Việt Hùng. |
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT cho biết ở Hà Giang, khi ứng dụng công nghệ không đến được thì các thầy cô chia thành từng nhóm nhỏ để giao bài tập và hướng dẫn để việc học của học sinh không bị ngắt quãng. Nhưng các chương trình học đều được tinh gọn, giảm nhẹ.
Ngoài ra, ông cho biết Bộ GD&ĐT đã ban hành, công bố đề thi tham khảo theo chương trình tinh gọn.
"Học sinh yên tâm là quyền lợi sẽ được đảm bảo, theo hướng giảm khối lượng chương trình nhiều nhất có thể để giúp các em có cùng mặt bằng kiến thức, nếu có sự khác biệt cũng không lớn", ông Độ khẳng định.
Cho biết vừa qua Thủ tướng giao nhiệm vụ cho Bộ GD&ĐT chuẩn bị phương án thi THPT quốc gia, ông Độ thông tin rằng đơn vị này đã họp, sắp tới sẽ báo cáo trực tiếp Phó thủ tướng Vũ Đức Đam.
Sau khi có ý kiến của Phó thủ tướng, Bộ sẽ thống nhất phương án, quan điểm về tinh thần của kỳ thi THPT quốc gia.
“Trong trường hợp dịch được kiểm soát, học sinh có thể đi học trở lại trước ngày 30/5 và chậm nhất là 15/6, thì đến 15/7 vẫn hoàn thành năm học. Nhưng nếu đi học chậm hơn 15/6 thì phương án này phải trình Quốc hội để xem tổ chức kỳ thi THPT quốc gia phù hợp hơn”, ông Độ cho biết.
Theo Thứ trưởng Bộ GD&ĐT, nếu đi học trước ngày 15/6 thì học sinh có thể tham gia kỳ thi THPT quốc gia một cách tốt đẹp với tinh thần sẽ giảm nhẹ chương trình nhiều nhất có thể. Nếu diễn biến chậm hơn thì việc này sẽ khó khăn, phải thay đổi, điều chỉnh mà lần thay đổi, điều chỉnh này sẽ phải báo cáo Quốc hội.