Hầu hết các giả thuyết về nguồn gốc bệnh ngủ kỳ lạ tại làng Kalachi đều đề cập đến những mỏ uranium cũ. Ảnh: Siberian Times |
Cách thủ đô Astana khoảng 445 km và gần vài mỏ uranium, Kalachi là một trong những làng bình thường ở Kazakhstan. Nhưng từ mùa xuân năm 2013, người dân ở đây chứng kiến một hiện tượng kỳ lạ: Khoảng 20% trong tổng số khoảng 600 dân thường xuyên ngủ đột ngột và không ai có thể đánh thức họ. Họ có thể ngủ khi đang làm việc vào ban ngày. Giấc ngủ của nhiều người kéo dài tới 6 ngày
Nhiều người cho rằng nguồn gốc của căn bệnh tại làng Kalachi xuất phát từ các mỏ uranium từ thời Liên Xô ở gần đó. Tuy nhiên, mỏ Krasnogorskiy đã ngừng hoạt động suốt hơn hai thập kỷ qua.
Gần đây, một đoàn quay phim của RT phát hiện nồng độ phóng xạ tại một hầm mỏ cũ cao gấp 17 lần mức an toàn. Tuy nhiên, tại các hầm mỏ khác gần làng, nồng độ bức xạ lại chỉ ở mức bình thường.
Một thợ mỏ về hưu cho biết: "Chúng tôi đã làm việc trong các hầm mỏ trong nhiều năm nhưng không ai mắc chứng ngủ lâu". Astana Times dẫn lời các nhà khoa học khẳng định nồng độ phóng xạ trong khu vực không vượt mức nguy hiểm.
Tuy nhiên, theo báo cáo sơ bộ, nồng độ carbon monoxit (CO) và hydrocarbon trong không khí tại làng Kalachi hơi cao. Sergey Lukashenko, Phó tổng giám đốc Trung tâm Hạt nhân Quốc gia của Kazakhstan, cho rằng nguồn gốc căn bệnh lạ đến từ khu mỏ nhưng không phải do uranium gây ra.
"Sau khi khu mỏ bị bỏ hoang, những cột chống và vật dụng làm bằng gỗ vẫn tồn tại trong đó. Về sau, nước dâng lên và lấp dần những khoảng trống trong hầm. Gỗ và nước tiếp xúc với nhau, tạo ra khí CO. Đến một mức độ nhất định, khí bắt đầu rò rỉ ra bên ngoài", Lukashenko nói.
Giả thuyết này gần giống với giả thuyết của Leonid Rivkhanov, một giáo sư của ngành khoa học địa chất và khoáng vật tại trường Đại học Bách khoa Tomsk. Ông từng nói với Siberia Times: "Những hầm mỏ hoang vẫn còn những khoảng trống dưới lòng đất. Nước sẽ dần lấp đầy những khoảng trống và đẩy khí gas lên trên bề mặt".
TheoMoscow Times, sau khi căn bệnh xuất hiện một thời gian, chính phủ bắt đầu thực hiện kế hoạch di dời dân người dân ra khỏi làng. Nhưng một số người dân phản đối.
Viktor Kazachenko, người sống tại làng Kalachi, nói với Eurasianet: “Tôi sẽ không đi đâu hết. Tại sao tôi lại phải đi? Tôi đã sống ở làng hơn 40 năm và tôi sẽ chết ở đây”.
Hồi tháng 1, Sergey Kulagin, quan chức đứng đầu tỉnh Akmola, tuyên bố toàn bộ dân làng sẽ dọn tới chỗ ở mới trong tháng 5. Nhưng theo Astana Times, đến ngày 19/6, chỉ 176 người, bao gồm 54 trẻ em, rời khỏi làng.
Các vùng giáp ranh sẽ tiếp nhận những người dân sống từ làng Kalachi. Vào tháng 1 năm nay, giới chức của 9 thị trấn gần đó đã tới thăm ngôi làng và ngỏ ý sẵn sàng cung cấp chỗ ở và công việc mới cho người dân. Saule Agymbayeva, Phó thị trưởng thị trấn Esil cho biết, những người lớn tuổi thường lo lắng về công việc tại nơi định cư mới.
Asel Sadvokasova, trưởng làng, cho hay việc di dời diễn ra trên tinh thần tự nguyện.
Căn bệnh kỳ lạ tại làng Kalachi khiến cả thế giới tò mò. Các chuyên gia đã đặt ra hàng loạt giả thuyết để lý giải cho nguồn gốc của nó. Hầu hết các giả thuyết đều đề cập đến các mỏ uranium cũ. Các nhà khoa học cũng nghi ngờ yếu tố đất, nước trong làng hoặc một căn bệnh giống như bệnh viêm màng não nhưng chúng đều không phải là những lý do thuyết phục.