Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) mới đây đã có văn bản gửi Bộ Công Thương để xin lùi việc thoái vốn tại Tổng công ty Khí Việt Nam - PV Gas (mã chứng khoán GAS). Tập đoàn sẽ cân nhắc lựa chọn thời điểm thoái vốn để đảm bảo hiệu quả tối ưu nhất và có thể kéo dài sau năm 2020.
Thay vào đó, PVN sẽ giảm tỷ lệ sở hữu vốn Nhà nước tại các đơn vị thành viên khác như Tổng công ty cổ phần Khoan và Dịch vụ khoan dầu khí (PVD), Tổng công ty cổ phần Dịch vụ Tổng hợp dầu khí Petrosetco (PET), Tổng công ty cổ phần Tư vấn thiết kế dầu khí (PVE), Tổng công ty Dung dịch khoan và hóa phẩm dầu khí (PV-DMC)...
Trước đó, theo phê duyệt danh mục doanh nghiệp thuộc PVN thực hiện sắp xếp, cổ phần hóa, thoái vốn giai đoạn 2017-2020, PVN kế hoạch sẽ giảm tỷ lệ nắm giữ tại PV Gas từ 95,76% xuống 65% vốn điều lệ trong giai đoạn 2018-2019.
Một dàn khoan thăm dò và khai thác dầu khí của PV Gas. Ảnh: PV Gas. |
PV Gas là một trong những doanh nghiệp đầu ngành dầu khí với quy mô hoạt động và kết quả kinh doanh nhóm đầu thị trường niêm yết hiện nay. Tổng công ty này cũng là thành viên quan trọng đóng góp hàng nghìn tỷ đồng lợi nhuận về tập đoàn mẹ hàng năm.
Trong giai đoạn giá dầu đi xuống giai đoạn 2015-2017, dù lợi nhuận sụt giảm nhưng PV Gas luôn duy trì mức cổ tức tiền mặt khoảng 40% vốn điều lệ, tương đương số tiền chi ra trên 7.500 tỷ đồng.
Hôm nay (27/8) cũng là ngày giao dịch không hưởng quyền để PV Gas chốt danh sách cổ đông chi tạm ứng cổ tức đợt 1 năm nay bằng tiền mặt tỷ lệ 20%. Theo tính toán, tổng công ty này sẽ chi khoảng 3.828 tỷ chi trả cổ tức lần này cho cổ đông dự kiến vào ngày 25/10 tới. Với 95,76% vốn nắm giữ, PVN cũng sẽ thu về khoản tiền mặt khoảng 3.665 tỷ đồng đợt này.
Với việc thoái vốn từ 95,76% xuống 65%, tương đương Nhà nước sẽ thoái khoảng 587 triệu cổ phiếu GAS. Với mức thị giá trên 100.000 đồng/cổ phiếu hiện nay, giá trị đợt thoái vốn này có thể đạt gần 58.700 tỷ đồng. Với 65% vốn giữ lại, sau thoái vốn PVN vẫn là cổ đông chi phối hoạt động tại PV Gas.
Tại cuộc họp ĐHĐCĐ diễn ra cuối tháng 4 vừa qua, ông Lê Như Linh, Chủ tịch HĐQT PV Gas cũng cho biết kế hoạch PVN thoái vốn xuống 65% tại đơn vị này chưa thể thực hiện ngay trong năm 2018.
PV Gas mới đây cũng công bố báo cáo tài chính quý II và nửa năm 2018 với khoản doanh thu thuần nửa năm tăng gần 18% so với cùng kỳ đạt 38.188 tỷ đồng. Giá vốn tăng nhẹ hơn giúp biên lãi gộp tăng từ 20% lên 22,8%, tương ứng đạt 8.776 tỷ đồng, tăng 34% cùng kỳ. Sau khi trừ các khoản chi phí và thuế liên quan, PV Gas ghi nhận 5.817 tỷ đồng lãi ròng sau nửa năm kinh doanh, tăng gần 42%.
So với kế hoạch năm, GAS đã thực hiện được 90% kế hoạch lợi nhuận năm do kế hoạch kinh doanh 2018 được đề ra theo phương án giá dầu Brent 50 USD/thùng với lãi sau thuế 6.429 tỷ đồng.
Lý giải nguyên nhân kết quả kinh doanh tăng mạnh trong nửa năm 2018, ban lãnh đạo công ty cho biết giá dầu bình quân 6 tháng đầu năm vừa qua đạt tới 70,57 USD/thùng, tăng 18,8 USD/thùng (36%) so với cùng kỳ năm trước đã đẩy giá bán các sản phẩm tăng tương ứng, nhờ đó lợi nhuận cũng tăng mạnh.
Hiện tại, giá dầu brent thế giới đã đạt khoảng 75 USD/thùng, tăng 50% so với năm trước; giá dầu WTI đạt 68 USD/thùng, cũng tăng 48%. Nếu duy trì mức giá này kết quả kinh doanh của PV Gas có thể sẽ còn tăng mạnh trong kỳ 6 tháng cuối năm nay.
Diễn biến giá cổ phiếu GAS 3 tháng gần đây. Nguồn: VNDirect. |