Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Cơ sở sửa chữa muốn kiểm định ôtô, phải đảm bảo điều kiện gì?

Cơ sở sửa chữa muốn làm đăng kiểm phải có diện tích mặt bằng tối thiểu 1.250 m2, hệ thống nhà xưởng có kích thước tối thiểu với chiều dài 30 m, rộng 4 m và cao 3,5 m.

Sáng 16/6, Cục Đăng kiểm Việt Nam tổ chức Hội nghị phổ biến Nghị định 30 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 139 về kinh doanh dịch vụ kiểm định xe cơ giới.

Tại hội nghị, ông Nguyễn Văn Phương, Trưởng phòng Kiểm định (Cục Đăng kiểm Việt Nam), cho biết có nhiều điểm mới với 5 nguyên tắc “5 siết, 5 mở” tại Nghị định 30.

Theo đó, Nghị định 30 thiết kế theo hướng mở cho phép các cơ sở bảo hành, bảo dưỡng ô tô, các đơn vị vận tải, đơn vị đăng kiểm của công an, quận đội có thể tham gia cung cấp dịch vụ kiểm định. Thực tế, các lực lượng công an, quân đội đã tham gia hỗ trợ hoạt động kiểm định xe cơ giới dân sự trong trường hợp cấp bách.

Ông Phương nhấn mạnh những cơ sở tham gia dịch vụ bảo dưỡng phải cam kết làm việc 5 ngày/tuần. Ngoài ra, các cơ sở muốn tham gia dịch vụ đăng kiểm phải đảm bảo điều kiện về cơ sở vật chất, nhân lực.

kiem dinh xe anh 1

Cơ sở sửa chữa, bảo dưỡng ôtô phải đảm bảo diện tích mặt bằng 1.250 m2 đối với đơn vị đăng kiểm có một dây chuyền kiểm định loại I.

Cụ thể, phải đảm bảo diện tích mặt bằng 1.250 m2 đối với đơn vị đăng kiểm có một dây chuyền kiểm định loại I; 1.500 m2 đối với đơn vị đăng kiểm có một dây chuyền kiểm định loại II và 2.500 m2 đối với đơn vị đăng kiểm có hai dây chuyền kiểm định.

Đồng thời, phải đáp ứng quy định về xưởng kiểm định với kích thước chiều dài 30 m, rộng 4 m và cao 3,5 m (với xưởng chỉ có một dây chuyền kiểm định loại I); tương tự, với xưởng kiểm định chỉ có một dây chuyền kiểm định loại II phải có nhà xưởng với chiều dài 36 m, rộng 5 m và cao 4 m…

Về nhân lực, đơn vị đăng kiểm gồm lãnh đạo đơn vị, phụ trách dây chuyền kiểm định, đăng kiểm viên xe cơ giới bậc cao, đăng kiểm viên và nhân viên nghiệp vụ. Trong đó, có tối thiểu một lãnh đạo đơn vị đủ điều kiện ký giấy chứng nhận kiểm định; tối thiểu 1 đăng kiểm viên xe cơ giới bậc cao phụ trách dây chuyền kiểm định. Mỗi dây chuyền kiểm định phải có tối thiểu 2 đăng kiểm viên đảm bảo thực hiện đủ các công đoạn kiểm định.

Bên cạnh những điểm mở, ông Phương cũng cho biết Nghị định 30 cũng có nhiều điểm siết chặt. Trong đó quy định quản lý chặt chẽ hơn việc cấp phép cho các đơn vị đăng kiểm.

Theo đó, văn bản chấp thuận chủ trương đầu tư sẽ do cơ quan thẩm quyền của địa phương cấp thay vì Cục Đăng kiểm cấp như trước đây.

Nghị định 30 cũng phân cấp rõ ràng, minh bạch về trách nhiệm quản lý Nhà nước ở Trung ương và địa phương trong việc cấp phép, quản lý hoạt động các đơn vị đăng kiểm, đăng kiểm viên.

Nhằm tăng cường công tác quản lý cho địa phương, Cục sẽ tiến hành lắp đặt, kết nối hệ thống camera giám sát từ các Trung tâm đăng kiểm tới các Sở GTVT.

Đồng thời, Cục cũng đang phát triển hệ thống quản trị riêng, cung cấp tới từng sở GTVT để có thể liên tục kiểm tra, theo dõi số lượng trung tâm đăng kiểm đang hoạt động trên địa bàn.

Đặc biệt, Nghị định 30 cũng tăng chế tài xử lý vi phạm của đơn vị đăng kiểm và đăng kiểm viên để tăng tính răn đe. Tăng trách nhiệm của đơn vị đăng kiểm và ràng buộc trách nhiệm của tổ chức thành lập đơn vị đăng kiểm nếu để xảy ra sai phạm.

Tủ sách Xã hội giới thiệu những cuốn sách hay và mới về các chủ đề từ thời sự, chính trị, đến giao thông, hạ tầng... Tủ sách đồng thời cung cấp nhiều kiến thức, dữ liệu để độc giả hiểu nhiều lĩnh vực khác nhau của đời sống xã hội.

https://vietnamnet.vn/co-so-sua-chua-muon-lam-dang-kiem-phai-dam-bao-dieu-kien-gi-2155279.html

N. Huyền/VietNamNet

Bạn có thể quan tâm