"Chúng tôi chưa biết năm nay sẽ sản xuất và phân phối bánh như thế nào, phải đợi đến khi TP.HCM cho phép giao hàng liên quận trở lại", đại diện một xưởng bánh trung thu handmade ở quận 1 nói với Zing.
Trước đó, đơn vị này nhận đặt hàng từ ngày 1/8 và dự kiến giao bánh từ ngày 2/9. Tuy nhiên, từ khi TP.HCM siết chặt giãn cách xã hội, kế hoạch này đã được lùi lại sau ngày 15/9.
"Khi đó, xưởng mới bắt đầu sản xuất vì hạn sử dụng chỉ 3-5 ngày. Tôi không dám chắc lúc đó sẽ kịp hoàn thành tất cả đơn hàng, nhưng hiện nhu cầu của khách vẫn còn nhiều, chúng tôi đang tiếp tục nhận đơn", người này chia sẻ.
Bà Đoàn Thư, CEO Vua Cua, cũng cho biết hiện chỉ có thể giao hàng trong khu vực quận Tân Bình nơi đặt bếp trung tâm, do đó số lượng bán ra chưa nhiều. "Tuy nhiên, chúng tôi bán tới đâu sản xuất tới đó nên không sao. Hiện tại, chúng tôi bán lai rai nội quận, chờ được giao liên quận trở lại", bà nói.
Các cơ sở sản xuất bánh trung thu đang chờ chỉ thị mới về giao hàng liên quận. Ảnh minh họa: Việt Hùng. |
Trong khi đó, hãng bánh Givral đưa ra thông báo thời gian giao hàng có thể bị ảnh hưởng "do những diễn biến khó lường và kéo dài của dịch bệnh, cũng như các chỉ thị giãn cách liên tiếp nằm ngoài dự kiến của công ty".
Theo ghi nhận của Zing, các doanh nghiệp còn duy trì kế hoạch kinh doanh bánh trung thu năm nay, đơn cử như Givral hay Mondelez Kinh Đô Việt Nam, đều tiến hành giao hàng dựa trên dịch vụ của bên thứ ba như sàn thương mại điện tử hay ứng dụng giao hàng.
Trao đổi với Zing, đại diện khách sạn Sheraton Saigon (quận 1) thừa nhận dịch vụ vận chuyển đang là thử thách.
"Tùy theo quy định của TP về các địa điểm vận chuyển, chúng tôi hợp tác với các đơn vị vận chuyển được cho phép từ chính quyền để đảm bảo khách hàng có thể nhận được bánh trung thu", vị này nói.
Nhìn nhận Trung thu là một dịp lễ đặc biệt, Sheraton Saigon đã lên kế hoạch kinh doanh bánh từ một năm trước. Tuy nhiên, khi TP áp dụng các biện pháp hạn chế, khách sạn buộc phải ứng phó bằng việc xử lý linh hoạt công tác quản lý chuỗi cung ứng và phân phối sản phẩm.
Cụ thể, nhờ nguồn nguyên vật liệu đã được nhập về từ trước, cùng việc thực hiện "3 tại chỗ", "1 cung đường - 2 điểm đến" với đội ngũ đầu bếp, Sheraton Saigon có thể duy trì sản xuất bánh trong điều kiện ngặt nghèo.
Đầu bếp của Sheraton Saigon ở lại khách sạn để duy trì sản xuất bánh. Ảnh: Sheraton Saigon. |
"Số lượng đơn hàng của năm nay không thể so sánh với các năm trước, nhưng chúng tôi giữ số lượng ở một mức vừa phải để vừa có thể phục vụ khách hàng vừa có thể đóng góp cho cộng đồng qua việc chia sẻ với đội ngũ nhân viên y tế, bác sĩ, y tá...", đại diện khách sạn chia sẻ.
Trước đó, nhiều xưởng bánh và doanh nghiệp như Kido, ABC Bakery... đã quyết định dừng sản xuất trong mùa Trung thu năm nay, do dự báo sức mua giảm, kênh phân phối gặp khó, trong khi chi phí sản xuất bị đẩy lên cao.