Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Cô sinh viên Dao nhận học bổng 50.000 USD

Chỉ cần chúng ta dũng cảm thêm một chút, kiên cường thêm chút nữa, cố gắng đi hết con dốc ấy, dù là bò hay lết, thì khi chạm chân đến đỉnh cao, nhất định sẽ rã rời trong hạnh phúc.

Cho đến năm ba đại học, tôi vẫn chưa biết du học là gì. Tôi có nghe qua, có biết các thầy trong trường đi du học ở các nước Mỹ, Úc, Nhật, Đức và cả Trung Quốc, nhưng bản thân tôi chưa bao giờ dám nghĩ tôi cũng có quyền được mơ đi học nước ngoài.

Dân tộc mình cũng có thể ăn cơm người Kinh

Tôi chỉ mong nhanh học xong rồi xin việc làm, để chứng minh cho những người phản đối tôi đi học rằng: “Dân tộc mình cũng có thể ‘ăn cơm’ của người Kinh”.

Cuối năm ba, đầu năm tư, chúng tôi học môn Thủy văn của thầy Lee và thầy Dũng làm trợ giảng. Tôi bắt đầu yêu Thủy văn từ đó, một phần vì nó đánh đúng vào giấc mơ “chống lũ” của tôi, nhưng một phần vì tôi quá ngưỡng mộ hai thầy.

Kết thúc môn học, khi trả bài kiểm tra cuối kỳ, thầy Lee đã ghi một dòng chữ lên trên bài kiểm tra của tôi: “Come to CSU” (Colorado State University - trường Đại học Tổng hợp Colorado).

Dòng chữ ấy cứ chạy vòng vèo mãi trong đầu tôi. Tôi đặt bài kiểm tra vào túi đựng hồ sơ và cất giữ như báu vật, cứ khi nào thấy buồn, tôi lại lôi nó ra ngắm để lấy động lực. Dòng chữ ngắn ngủi ấy đã khiến tôi dám thoát khỏi cái vỏ bọc cũ kỹ để mơ một ngày được đi học ở vùng đất mà tôi chỉ biết tên qua sách báo, tivi.

Tôi được thầy Dũng đồng ý hướng dẫn làm khóa luận tốt nghiệp. Thầy rất tận tình, thi thoảng thầy lại vẽ ra cho tôi giấc mơ du học. Thầy hay kể về nước Nhật Bản, nơi thầy từng theo học từ bậc thạc sĩ đến hết tiến sĩ.

Thầy hay kể về nền giáo dục nước ngoài, những cái hay ho ở đất nước người ta và thầy cũng hay động viên tôi tiếp tục đi học chứ đừng giới hạn bản thân.

Co gai danh hoc bong 50.000 USD anh 1

Chảo Yến. Ảnh: Fb nhân vật.

Tôi chính thức nuôi một giấc mơ xa hơn, mơ hồ hơn và đẹp hơn. Tôi lại nói với bố mẹ: “Bố mẹ ơi, con nhất định sẽ là người đầu tiên của bản mình đi du học, giống như việc con với bạn Phình là hai người đầu tiên của xã học đại học ấy”.

Bố mẹ tôi lo lắng: “Nhưng nhà mình nghèo quá rồi, làm sao mà đi được nữa con?”. Con Yến ngày xưa với tài “công tác tư tưởng thần thánh” lại xuất hiện.

Tôi giải thích: “Bố mẹ không phải lo, con sẽ xin học bổng toàn phần, thầy giáo con bảo nếu con xin được, con sẽ được cấp đủ tiền ăn, thậm chí còn dư để gửi về nữa”. Bố mẹ bắt đầu xuôi xuôi, bố nói: “Ừ con, cứ xin đi, nếu được thì mình đi”. Mẹ thì sốt sắng: “Con còn định học đến bao giờ nữa, con không sợ già à?”. Tôi rất muốn trả lời mẹ rằng: “Có chứ, con có sợ già, nhưng con sợ nghèo hơn mẹ ạ”.

Món quà trong mơ

Ngày 8/3/2016, thay vì nhận được hoa, quà và lời chúc của các bạn nam làm cùng công ty như bao bạn nữ khác, cuộc đời của tôi đã chính thức bước sang trang mới nhờ món quà đến từ học bổng Erasmus Mundus.

Một e-mail đến từ thư ký của chương trình SUFONAMA (Sustainable Forest and Nature Management - Quản lý Tài nguyên Rừng bền vững). Nội dung không quá dài nhưng đủ để tôi biết rằng, ba cơ thể mệt mỏi trên đỉnh đồi kia đã được “xe cứu thương” đến chở phi ngược đường về phía trước.

Tôi nhảy cẫng lên ôm lấy cái Oanh. Hai đứa cùng hét lên sung sướng dưới sự ngỡ ngàng của mọi người xung quanh. Đó là món quà mùng 8/3 ý nghĩa nhất, tuyệt vời nhất mà tôi từng nhận được trên đời. Đó là thứ cảm xúc đong đầy và hoản hảo nhất trong tất cả các loại cảm xúc hoàn hảo.

Tôi luôn tin rằng, trên đời vốn chẳng có khó khăn nào không thể vượt qua, nếu có, họa chăng do chúng ta chưa đi hết con dốc Khó Khăn nên đã chán nản quay về mà thôi.

Chỉ cần chúng ta dũng cảm thêm một chút, kiên cường thêm chút nữa, cố gắng thêm một chút đi hết con dốc ấy, dù là bò hay lết, thì khi chạm chân đến đỉnh cao, nhất định chúng ta sẽ cảm thấy “rã rời” trong niềm hạnh phúc tột độ.

Co gai danh hoc bong 50.000 USD anh 2

Chảo Yến cùng Giáo sư và các bạn trong một chuyến thực tập tại Italy.

Có thể phía bên kia dốc không là cầu vồng, không là thiên đường, không là an yên. Nhưng chẳng phải khi đã đạt đến đỉnh cao của sự khó khăn, nghĩa là khi chúng ta đứng ở vị trí cao nhất của quả núi, thì chúng ta sẽ có thể nhìn thấy được đỉnh của thành công sao?

Tôi không dám nói tôi là người thành công, nhưng với tôi, nụ cười tít mắt của bố mẹ khoe khắp nơi rằng “Con gái tôi sắp đi Đức học thạc sĩ”, nụ cười của thầy Lee, thầy Dũng khi nói “Congratulations! Well done, I’m proud of you”, hay chỉ đơn giản là quyết tâm đi học của một vài em nhỏ ở trường cấp hai trên bản, đó chính là sự thành công.

Thành công còn là cả khi tôi dám thoát khỏi lớp vỏ bọc, dám mơ ước được bay cao, bay xa như bao người. Hay đúng hơn, tôi vốn đã thành công ngay từ giây phút tạo hóa cho tôi được làm con của bố mẹ. Dù có nghèo, có vất vả nhưng chính hoàn cảnh đó đã tôi luyện tôi thành một người kiên cường.

Ngày xuống thủ đô để bay sang Đức, tôi không còn một mình với duy nhất một cái túi sách trên vai nữa. Tôi có bố, có mẹ, có em trai và có cái Hương bạn thân cùng đồng hành.

Tiễn tôi ở sân bay, bố vẫn theo phong tục dân tộc, lấy cây ghim băng đọc thần chú rồi cài lên chiếc mũ hồng có chữ “SAD” mà tôi hay trêu mọi người rằng, do mặt tôi tươi quá nên phải đeo thêm chữ “SAD” cho cân bằng cảm xúc.

Bố dặn: “Chiếc ghim băng này sẽ luôn bảo vệ con, con nhớ phải luôn đội mũ, khi không đội cũng không được vứt xuống đất, phải cho vào ba lô nhé”.

Mẹ và bố ôm tôi lần cuối trước khi theo cái Hương ra bến xe buýt về ga Hà Nội để kịp giờ tàu về Lào Cai. Trước khi về, bố nói: “Con gái của bố, người bé tí còi cọc như kẹo, nhưng con làm được rồi”.

Tôi ngồi khóc một mình ở sân bay, không một ai bên cạnh, bơ vơ, lạc lõng. Nhưng lần này tôi khóc không phải vì tủi thân, mà tôi khóc vì sau biết bao mệt mỏi, gia đình tôi đã thực sự được nghỉ ngơi.

Chỉ cần tôi bước lên máy bay, con đường tôi đi sẽ không còn là đường ngược chiều nữa, mà nó là bầu trời.

Chảo Yến / NXB Thế giới và công ty sách Sống

SÁCH HAY