Ngành cảng biển đang ghi nhận những tín hiệu khởi sắc khi thương mại toàn cầu hồi phục nhanh, hoạt động xuất nhập khẩu tại Việt Nam dần đang giúp nhiều doanh nghiệp đạt được kết quả khả quan. Động lực từ kinh doanh đang giúp cổ phiếu nhóm cảng biển thu hút được dòng tiền và tăng giá mạnh dù thị trường chung dao động lớn.
Trong phiên giao dịch 10/8, cổ phiếu cảng biển tiếp tục được chú ý khi hàng loạt mã chứng khoán dư mua trần như MVN, HAH, DXP, DVP, PHP, CCR, VOS... Các cổ phiếu khác cũng ghi nhân mức tăng cao khoảng 2-9%.
Nổi bật nhất gần đây chính là chuỗi tăng trần 8 phiên liên tiếp của MVN, ghi nhận mức đỉnh lịch sử 45.100 đồng/cổ phiếu. Đà tăng này giúp giá trị vốn hóa của Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (VIMC) tăng lên 54.147 tỷ đồng, tương đương với quy mô tăng thêm 35.400 tỷ đồng.
Lợi nhuận tăng trưởng cao
Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (trước đây là Vinalines) từng ngụp lặn trong khó khăn khi thị trường vận tải biển đi xuống. Tuy nhiên hoạt động của doanh nghiệp Nhà nước này được hưởng lợi khi thị trường vận tải biển và hoạt động giao thương bất ngờ sôi động trở lại.
Báo cáo sơ kết nửa đầu năm, VIMC ghi nhận ghi nhận doanh thu hợp nhất đạt 6.040 tỷ đồng, tăng 23% so với cùng kỳ. Lợi nhuận sau thuế hợp nhất cao đột biến 1.066 tỷ đồng, gấp 8 lần so với con số 134 tỷ đồng của cùng kỳ năm ngoái.
Trong đó hoạt động dịch vụ cảng biển và hàng hải đóng góp chủ yếu với doanh thu hơn 4.000 tỷ đồng nhờ sản lượng hàng hóa qua các cảng biển đạt 67 triệu tấn hàng, tăng hơn 15% so với cùng kỳ. Đây cũng là mảng mang về lợi nhuận gộp lớn nhất chiếm 77% lợi nhuận doanh nghiệp.
Tổng công ty này đang quản lý hầu hết cảng biển quan trọng trên cả nước như Cảng Sài Gòn, Cảng Hải Phòng, Cam Ranh, Quy Nhơn, Đà Nẵng... Ngoài ra các nhóm cảng liên doanh ở phía nam cũng đạt lợi nhuận cao, chiếm 35% thị phần container khu vực cảng Cái Mép Thị Vải.
Mảng vận tải biển bắt đầu có lợi nhuận khi nhiều tàu đã ký được hợp đồng cho thuê với giá tốt, sản lượng vận tải biển ghi nhận mức tăng 17% lên hơn 12 triệu tấn. Doanh thu hợp nhất tăng 65% lên 1.629 tỷ đồng và lợi nhuận gộp chuyển sang có lãi 253 tỷ đồng (cùng kỳ lỗ 94 tỷ).
Một loạt cổ phiếu cảng biển tiếp tục tăng trần ngày 10/8. Bảng giá: SSI |
Cổ phiếu VNA của Vận tải Biển Vinaship càng ghi nhận sự đột biến hơn khi tăng giá hơn 755% so với đầu năm lên khoảng 33.400 đồng/cổ phiếu, đưa giá trị vốn hóa lên gần 670 tỷ đồng. Đây là công ty con do VIMC sở hữu 51% vốn.
Cổ phiếu VNA của Vận tải Biển Vinaship càng ghi nhận sự đột biến hơn khi tăng giá hơn 655% so với đầu năm lên khoảng 33.000 đồng/cổ phiếu, đưa giá trị vốn hóa lên 660 tỷ đồng. Đây là công ty con do VIMC sở hữu 51% vốn.
Vận tải biển Vinaship đang quản lý 7 tàu chở hàng khô với tổng trọng tải hơn 134.000 DWT, chuyên chở các mặt hàng khô như xi măng, sắt thép, phân bón, gạo đi các nước Đông Nam Á và chở than phục vụ cho các nhà máy nhiệt điện trong nước.
Theo báo cáo nửa đầu năm, công ty ghi nhận doanh thu thuần tăng 58% lên 387 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế thuộc về cổ đông công ty mẹ cao đột biến gấp 30 lần cùng kỳ đạt 69 tỷ đồng; đồng thời công ty đã vượt 360% kế hoạch lợi nhuận trước thuế năm.
Một cổ phiếu khác là VOS của công ty Vận tải biển Việt Nam cũng tăng mạnh gấp gần 4 lần so với đầu năm, hiện đạt 11.300 đồng/cổ phiếu. Đây cũng là công ty con do VIMC sở hữu 51% vốn.
Công ty này ghi nhận mức lãi đột biến hơn 222 tỷ đồng, cải thiện nhiều so với mức lỗ trăm tỷ đồng cùng kỳ năm ngoái. Nhờ vậy, đơn vị này đã giảm lỗ lũy kế xuống còn khoảng 700 tỷ trên vốn điều lệ 1.400 tỷ đồng.
Mã chứng khoán | Thị giá cuối 2020 (đồng/cổ phiếu) | Thị giá ngày 10/8 (đồng/cổ phiếu) | Thay đổi |
VNA- | 4.000 | 33.400 | 735% |
VOS | 2.300 | 11.300 | 391% |
MVN | 10.000 | 45.100 | 351% |
HAH | 17.310 | 59.400 | 243% |
SGP | 12.000 | 35.600 | 197% |
CCR | 11.810 | 28.500 | 141% |
PHP | 15.900 | 30.300 | 91% |
STG | 15.200 | 25.550 | 68% |
TCL | 24.690 | 40.150 | 63% |
GMD | 32.600 | 50.500 | 55% |
Một công ty tư nhân là Vận tải và Xếp dỡ Hải An (HAH) cũng ghi nhận kết quả kinh doanh khả qua, qua đó thúc đẩy giá cổ phiếu tăng hơn 130% lên 57.500 đồng/cổ phiếu. Giá trị vốn hóa công ty theo đó đạt hơn 2.700 tỷ đồng.
Hải An ghi nhận lợi nhuận bán niên tăng trưởng 161% lên 183 tỷ đồng. Kết quả này là nhờ công ty đầu tư thêm 2 tàu mới là Haian East và Haian West giúp sản lượng tăng lên và việc giá cước cao cũng giúp lợi nhuận tăng trưởng. Bên cạnh đó, sản lượng hoạt động khai thác cảng và depot cũng tăng nhờ đội tàu đem lại.
Đối với doanh nghiệp chuyên về dịch vụ cảng như Gemadept cũng có kết quả khả quan. Công ty tư nhân này thu về 350 tỷ đồng lợi nhuận trong nửa đầu năm, tăng trưởng 39% so với cùng kỳ nhờ sản lượng thông qua hệ thống cảng tăng gần 30%.
Động lực tăng trưởng của Gemadept còn đến từ cảng nước sâu quy mô lớn Gemalink được cấp phép khai thác chính thức với năng lực tiếp nhận đồng thời 2 tàu mẹ có tải trọng có thể lên đến 200.000 DWT. Cảng đạt sản lượng hơn 300.000 Teus thông qua trong nửa đầu năm và dự kiến khai thác 80% công suất thiết trong năm nay.
Một số đơn vị khác cũng có kết quả kinh doanh tích cực để thúc đẩy giá cổ phiếu tăng mạnh. Chẳng hạn Tân Cảng Logistics (TCL) ghi nhận lợi nhuận cao gấp rưỡi cùng kỳ đạt gần 62 tỷ đồng. Kho vận Miền Nam (Sotrans, STG) cũng báo lãi ròng hơn 128 tỷ đồng, cải thiện so với mức lỗ 11 tỷ đồng cùng kỳ. Cảng Sài Gòn (SGP) có lợi nhuận tăng trưởng 225% lên 237 tỷ đồng…
Khu vực Lạch Huyện, Cái Mép tăng trưởng cao
Thống kê từ Cục Hàng hải Việt Nam cho thấy khối lượng hàng hóa thông qua cảng biển trong 6 tháng đầu năm đạt gần hơn 364 triệu tấn, tăng 7% so với cùng kỳ năm ngoái. Riêng hàng container đạt hơn 12,4 triệu Teus, tăng 22% so với cùng kỳ năm trước.
Cơ quan này đánh giá đây là mức tăng trưởng ổn định dù là những tháng có dịch Covid-19. Các khu vực cảng biển có khối lượng hàng hóa thông qua tăng cao như khu vực Thái Bình tăng trưởng cao nhất đến 65%, tiếp đến là khu vực Đồng Tháp, khu vực Quảng Ngãi, Kiên Giang…
Theo dự báo của SSI Research, giá trị xuất nhập khẩu của Việt Nam và tổng sản lượng hàng hóa quốc tế qua cảng biển sẽ tăng 10% trong năm nay nhờ yếu tố phục hồi toàn cầu, động lực từ các hiệp định FTA mới có hiệu lực và kỳ vọng tăng trưởng dòng vốn FDI nhờ làn sóng đa dạng hóa chuỗi sản xuất ra khỏi Trung Quốc.
Xếp dỡ hàng hóa tại Cảng Hải Phòng. Ảnh: Hoàng Hà. |
Chứng khoán KB Việt Nam cũng kỳ vọng ngành cảng biển có thể giữ được mức tăng trưởng kép 9%/năm trong 5 năm tới dựa trên tăng trưởng kim ngạch xuất nhập khẩu duy trì 10- 12%/năm, dòng vốn FDI tiếp tục chảy vào Việt Nam, ảnh hưởng các hiệp định FTA và chuyển dịch chuỗi cung ứng toàn cầu.
Tương tự, Chứng khoán BIDV (BSC) cũng dự báo sản lượng hàng hóa thông qua cảng biển Việt Nam trong hai quý cuối năm sẽ tiếp tục tăng trưởng 9% so với cùng kỳ nhờ sự hồi phục của nền kinh tế toàn cầu cùng với với các chính sách kinh tế kích thích tăng trưởng tiêu dùng và đẩy mạnh sản xuất.
Tuy nhiên BSC chỉ ra triển vọng tăng trưởng sẽ có sự phân hóa giữa các doanh nghiệp, trong đó mức tăng trưởng cao chủ yếu ở các công ty khai thác ở hai cụm cảng nước sâu là Lạch Huyện (Hải Phòng) và Cái Mép - Thị Vải ở phía Nam.
Đối với cụm cảng Hải Phòng, BSC nhận định khu vực này sẽ phát triển tích cực nhờ sản lượng thông qua cảng Lạch Huyện kỳ vọng tăng trưởng mạnh với CAGR 25% giai đoạn 2020 – 2030 một khi hệ thống giao thông logistics được đầu tư phát triển.
Đối với cụm cảng Cái Mép - Thị Vải, các chuyên gia phân tích dự đoán sản lượng hàng hóa sẽ tăng trưởng mạnh mẽ, đặc biệt đối với các doanh nghiệp chưa đạt tối đa công suất như Cảng Sài Gòn hay Gemadept.
Khu vực này cũng đang xảy ra tình trạng ùn ứ hàng hóa tại Cảng Cát Lái và đơn vị này sắp tới cũng bắt đầu thu phí hạ tầng cảng biển. Do đó các công ty có cảng nước sâu và đón được tàu cỡ lớn xung quanh khu vực này có thể được hưởng lợi.