Thị trường chứng khoán mở cửa phiên 7/7 đã ổn định trở lại sau phiên bán mạnh hôm qua. Thậm chí, chỉ số chính còn bất ngờ tăng vọt trong phiên chiều khi một số cổ phiếu vốn hóa lớn đi lên mạnh mẽ.
Đáng kể nhất chính là VCB của Vietcombank khi được nhà đầu tư mua đuổi lên mức cao nhất trong phiên tại 105.000 đồng, tức tăng giá 4,3% và là mã đem lại nhiều điểm số nhất cho thị trường chung.
Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 1 triệu đơn vị, tương đương với giá trị gần 110 tỷ đồng. Ngoài ra VCB còn có các giao dịch thỏa thuận với giá trị gần 96 tỷ đồng.
Đây là thị giá cao nhất trong lịch sử của cổ phiếu ngân hàng này, đưa giá trị vốn hóa Vietcombank nhảy vọt lên vùng đỉnh hơn 496.000 tỷ đồng (khoảng 21 tỷ USD), cao gần gấp đôi đơn vị xếp phía sau là Vinhomes và ngày càng nới rộng khoảng cách với các đơn vị khác như BIDV, Vingroup, PV Gas, Vinamilk.
Giá trị vốn hóa của ngân hàng quốc doanh hàng đầu Việt Nam thậm chí đã sánh ngang với các nhà băng lớn trên thế giới, bỏ xa Shinhan Bank (Hàn Quốc) và Sumitomo Mitsui (Nhật Bản), đủ vượt mặt ngân hàng lớn nhất nước Đức là Deutsche Bank (hơn 20 tỷ USD), hay tiệm cận Standard Chartered (Anh).
Riêng cổ phiếu VCB đã mang về hơn 5 điểm tăng cho VN-Index. Nguồn: FireAnt. |
Thị trường còn ghi nhận một số nhóm cổ phiếu khác cũng hút được dòng tiền. Nhóm bán lẻ bứt phá với DGW của Digiworld dư mua trần, MWG của Thế Giới Di Động có thêm 5,3% đạt 45.500 đồng, PET của Petrosetco đi lên 4,8% đạt 29.350 đồng.
Nhóm cổ phiếu liên quan đến đầu tư công diễn biến tích cực. Trong đó, BMP của Nhựa Bình Minh cũng nối bước cổ phiếu Vietcombank lập đỉnh lịch sử 94.000 đồng (có thời điểm còn chạm giá trần 98.700 đồng), hay NTP của Nhựa Tiền Phong đi lên 5,2%.
Nhóm xây dựng có CTD của Coteccons tăng 6,5%, VCG của Vinaconex tăng 4,2%, FCN của Fecon tăng 4,4%. Đại diện ngành xi măng có HT1 của Hà Tiên tăng 3%, ngành đá có KSB đi lên 1%. Doanh nghiệp thép còn hưởng lợi hơn khi giá cổ phiếu HSG, NLG, POM, TLH đều có thêm khoảng 5%...
Ở chiều ngược lại, cổ phiếu VND của VNDirect vẫn là tâm điểm của bên bán khi có nhiều thời điểm giảm sâu, cuối phiên còn giảm 1,9% về 17.700 đồng.
Thanh khoản VND dù không còn kỷ lục hơn trăm triệu đơn vị như hôm qua nhưng vẫn còn rất lớn với gần 50 triệu cổ phiếu được sang tay (cao nhất sàn chứng khoán), tương ứng với giá trị bán gần 870 tỷ đồng.
Mã GEX của Gelex cũng bị bán mạnh trong phiên hôm nay với hơn 25 triệu cổ phiếu (thanh khoản cao thứ 2 toàn sàn), tương đương với giá trị sang tay hơn 460 tỷ đồng. Thị giá giảm mạnh 2,4% còn 18.450 đồng.
POW của PV Power cũng là mã đáng chú ý khi bị giảm 1,1% về 13.100 đồng với thanh khoản hơn 10 triệu cổ phiếu (hơn 130 tỷ đồng), sau khi thông tin doanh nghiệp gặp khó khăn tài chính trong thu hồi công nợ từ EVN.
Thị trường chung nhờ lực kéo của các mã vốn hóa lớn, mà chủ yếu là VCB, đã ghi nhận phiên tăng mạnh 11,85 điểm (+1,05%) để tiếp tục xác lập đỉnh ngắn hạn 1.138 điểm.
Trong khi đó HNX-Index chỉ có mức tăng nhẹ 0,74 điểm (+0,33%) lên 225,82 điểm, thậm chí UPCoM-Index còn giảm 0,42 điểm (-0,5%) về 84,66 điểm.
Nhà đầu tư nước ngoài bất ngờ bán ròng mạnh trong ngày thị trường hồi phục với giá trị gần 1.400 tỷ đồng. Áp lực bán mạnh nhất xuất hiện ở cổ phiếu EIB của Eximbank với giá trị rút ròng 682 tỷ đồng. Bên cạnh đó khối ngoại còn bán ròng gần 441 tỷ đồng cổ phiếu VHM (Vinhomes) và 203 tỷ đồng mã KDC (Kido).
Chiều ngược lại nổi bật vẫn là VCB của Vietcombank khi được khối ngoại mua ròng mạnh nhất gần 154 tỷ đồng, tiếp sau đó là HPG của Hòa Phát (+74 tỷ) và GMD của Gemadept (+41 tỷ).
Độc giả Zing có thể tìm đọc thêm các cuốn sách hay về kinh tế tại Tủ sách kiến thức kinh tế. Các cuốn sách cung cấp cho độc giả nhiều kiến thức về kinh tế vĩ mô, chứng khoán, bất động sản, lạm phát, các cuộc suy thoái từng xảy ra, kinh nghiệm quản lý chi tiêu...