Chỉ số S&P 500 giảm 9,5% ngày 12/3, và so với mức cao kỷ lục đạt được vào tháng trước, chỉ số này đã giảm 26,7%, chấm dứt quãng thời gian 11 năm liên tiếp lên giá.
Chỉ số công nghiệp Dow Jones giảm 10% và là ngày rớt giá mạnh nhất kể từ mức giảm 23% của ngày 19/10/1987 - được mệnh danh là ‘thứ hai đen tối’.
Thị trường châu Âu giảm 12% trong ngày giảm điểm tồi tệ nhất lịch sử, ngay cả khi Ngân hàng Trung ương châu Âu cam kết mua vào trái phiếu và hỗ trợ các nền kinh tế.
Các chỉ số S&P 500 và Dow Jones đã giảm 27-28% kể từ giữa tháng 2 tới nay. Đồ họa: New York Times. |
Bán tháo sau lệnh cấm đi lại từ châu Âu của TT Trump
Giới đầu tư bán tháo cổ phiếu sau khi Tổng thống Trump ra lệnh hạn chế đi lại giữa Mỹ và nhiều nước châu Âu, và ngày càng có nhiều lo ngại rằng Nhà Trắng đang thiếu chuẩn bị trước dịch bệnh.
“Chúng ta đang cảm nhận rõ nền kinh tế sẽ chịu tác động trầm trọng như thế nào. Mỗi ngày, tình hình không cải thiện mà đều tệ đi, ngày càng làm xáo trộn kinh doanh”, Liz Ann Sonders, Giám đốc về chiến lược đầu tư ở Charles Schwab, nói với AP.
Ngay sau tiếng chuông mở giao dịch, Phố Wall rớt giá chóng vánh tới mức việc giao dịch phải tạm dừng 15 phút - lần thứ 2 trong tuần. Cơ chế giống như “cầu chì” này được đưa vào áp dụng kể từ ngày ‘thứ hai đen tối’ năm 1987, và lần cuối cùng được kích hoạt là năm 1997.
Một người giao dịch ở New York ôm đầu khi thị trường chứng khoán Mỹ có ngày giao dịch đen tối tối nhất kể tử 1987. Ảnh: AP. |
Chỉ số Dow Jones tăng điểm trong chốc lát vào buổi chiều sau khi Cục Dự trữ Liên bang tuyên bố sẽ can thiệp vào thị trường trái phiếu, nhưng đà tăng điểm nhanh chóng biến mất.
Tổng thống Trump thường nêu ra con số ấn tượng ở Phố Wall là thành quả trong nhiệm kỳ của mình, và từng cảnh báo cử tri tại một cuộc vận động tháng 8/2019 rằng “dù bạn ủng hộ hay ghét tôi, vẫn nên bầu cho tôi”, nếu không “401(k) (quỹ hưu trí - thường đầu tư vào cổ phiếu) của bạn sẽ xuống hố”.
Chỉ tháng trước, chỉ số Dow Jones cao "ngất ngưởng" hơn gần 50% so với ngày mà ông Trump nhậm chức 20/1/2017. Đến khi sàn đóng cửa ngày 12/3, chỉ số này chỉ còn cao hơn ngày tổng thống nhậm chức 6,9%.
Chỉ số Dow Jones chính thức chuyển thành “bear market” (thị trường xuống giá) vào ngày 11/3, tức kết thúc ngày giao dịch giảm hơn 20% so với mức cao kỷ lục trước đó.
Đối với chỉ số S&P 500, đây là đợt lao dốc nhanh nhất từ mức cao kỷ lục xuống “bear market” kể từ Thế chiến II. Đại dịch Covid-19 và cơn bán tháo cổ phiếu đang gây ra lo ngại về khả năng suy thoái kinh tế.
“Kinh tế chắc chắn sẽ rơi vào suy thoái nếu cả nước ngừng làm việc và nghỉ nhiều ngày. Giới đầu tư cổ phiếu biết rõ điều đó”, Chris Rupkey, kinh tế gia ở MUFG Union, cho biết trong một bài phân tích.
Virus corona chủng mới đã khiến 128.000 nhiễm bệnh và 4.700 người tử vong. Mỹ có 1.300 ca nhiễm và 39 ca tử vong, tính đến tối ngày 12/3. Đối với đa số bệnh nhân, virus gây ra triệu chứng nhẹ và trung bình, có thể khỏi bệnh sau vài tuần.
Xáo trộn với nước Mỹ
Đối với một số bệnh nhân cao tuổi và có bệnh nền, triệu chứng có thể nặng hơn, bao gồm viêm phổi. Dịch bệnh ngày càng gây ra nhiều xáo trộn.
Liên đoàn thể thao sinh viên Mỹ đã hủy giải bóng rổ nam và nữ, giải bóng chày nhà nghề (MLB) hoãn ngày khai mạc, trong khi công viên Disneyland tuyên bố đóng cửa. Ngay cả đỉnh Everest cũng đóng.
Ở New York, các địa điểm biểu tượng như bảo tàng Metropolitan Museum of Art, nhà hát Carnegie Hall và sân khấu Metropolitan Opera đều đóng cửa, và các nhà hát kịch ở Broadway dự kiến sẽ tắt đèn.
Trong phát biểu trên truyền hình tối 11/3 từ Nhà Trắng, Tổng thống Trump tuyên bố lệnh hạn chế đi lại Mỹ - châu Âu, cùng các biện pháp khác như tăng cường cho vay, giảm thuế lương và hỗ trợ tài chính cho cá nhân và doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh.
Nhưng bản thân lệnh hạn chế đi lại cũng là đòn giáng mạnh vào nhiều ngành công nghiệp như hàng không và du lịch vốn đã chao đảo từ đầu dịch bệnh. Các biện pháp còn lại không làm Phố Wall an lòng.
“Thị trường đang đợi các nỗ lực chống dịch thật quyết liệt, như chúng ta đã thấy ở các nước khác”, Nela Richardson, chiến lược gia đầu tư ở Edward Jones, nói với AP.
“Đánh giá của thị trường là các biện pháp trên quá ít, quá muộn”, Michael McCarthy từ công ty mua bán chứng khoán CMC Markets nói.
Trong động thái bất ngờ, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) cho biết sẽ bơm 1.500 tỷ USD để trấn an thị trường và hỗ trợ giao dịch. Giới đầu tư không còn cho rằng tác động virus sẽ chỉ giới hạn ở Trung Quốc như trước.
“Bất cứ ai tuyên bố biết trước tình hình này kéo dài bao lâu thì đều là nói dối”, Adam Taback, Giám đốc đầu tư của ngân hàng Wells Fargo Private Bank, nói. “Sự bất trắc ở đây là cố tìm cách kiểm soát virus, nhưng chưa biết được đó là chuyện của vài ngày, vài tuần, hay vài tháng”.