Thị trường bước vào phiên chiều dần tiêu cực khi chỉ số chính bất ngờ giảm sâu. VN-Index có thời điểm lao dốc về 1.484 điểm (mất khoảng 14 điểm) khi lực bán xuất hiện trên diện rộng, hàng loạt cổ phiếu đầu cơ và bất động sản cũng lao dốc về giá sàn.
Tiếp nối những thông tin tiêu cực từ sự việc Chủ tịch HĐQT FLC Group Trịnh Văn Quyết bị bắt tối hôm qua, nhóm cổ phiếu liên quan đến nhân vật này tiếp tục bị bán tháo mạnh mẽ.
Ngay thời điểm mở cửa phiên giao dịch, tất cả các mã trong hệ sinh thái này đều lao dốc về giá sàn.
Trong đó, 2 mã chủ lực là FLC ngay lập tức rơi xuống mức giá sàn 11.800 đồng với lượng dư bán hơn 75 triệu cổ phiếu ở giá sàn. Cổ phiếu FLC Faros (ROS) rớt hết biên độ về giá 7.590 đồng với gần 60 triệu đơn vị chất sàn.
Tương tự, KLF của Đầu tư thương mại và Xuất nhập khẩu CFS rơi về 5.400 đồng với tổng cộng 12,7 triệu cổ phiếu bán tháo ở giá thấp nhất. Cổ phiếu AMD của Đầu tư và Khoáng sản FLC Stone bị bán sàn tại 5.760 đồng với hơn 12,6 triệu chất sàn.
Cổ phiếu Nông dược H.A.I (HAI) rơi tối đa về 5.470 đồng khi có hơn 6 triệu đơn vị bán sàn. Ngoài ra ART của Chứng khoán BOS giảm hết biên độ về 8.800 đồng, chỉ có GAB của Đầu tư khai khoáng và Quản lý tài sản FLC chưa có giao dịch.
Tại thời điểm 9h15, tổng khối lượng bán sàn (bao gồm lệnh ATC và lệnh chất giá sàn) của nhóm trên đạt tổng cộng khoảng 247 triệu cổ phiếu. Đây đã là lao dốc mạnh thứ 3 liên tiếp của nhóm FLC Group.
Diễn biến tiêu cực của FLC Group đã không lan rộng ra thị trường, VN-Index vẫn diễn biến khả quan khi xoay quanh mốc tham chiếu, có thời điểm tăng vượt mốc 1.500 điểm nhưng rồi chịu áp lực điều chỉnh.
Tạm dừng phiên sáng, VN-Index giảm nhẹ 2,8 điểm (-0,19%) về 1.494,96 điểm. Thị trường phủ trong sắc đỏ khi chỉ có 135 mã tăng giá và có đến 315 mã giảm điểm. Trên các sàn tại Hà Nội, chỉ số HNX-Index giảm mạnh 5,23 điểm (-1,13%) xuống mốc 456 điểm và UPCoM-Index giảm 0,29% còn 117 điểm. Hai sàn này có tổng cộng 206 mã tăng giá và 348 mã giảm giá.
Lực nâng đỡ của thị trường đến từ các cổ phiếu ngân hàng khi đóng góp 8/10 mã có tác động lớn nhất lên chỉ số. Trong đó BID bất ngờ tăng mạnh 3,8% lên 44.000 đồng là mã có đóng góp lớn nhất, tiếp đến là MBB tăng giá 3,3% và VPB tăng 2,2%.
Ngược lại cổ phiếu bất động sản tác động tiêu cực lên thị trường. Trong đó VHM có đóng góp tệ nhất khi thị giá mất 1,6% về 75.300 đồng, ngoài ra còn có NVL của Novaland giảm 1,6% về 81.200 đồng và DIG mất 3,9% xuống 97.500 đồng. Cổ phiếu nhóm FLC Group vẫn không có tín hiệu đáng kể nào. Tổng khối lượng khớp lệnh trong phiên sáng chỉ hơn 9 triệu cổ phiếu, trong khi đó khối lượng chất bán giá sàn vẫn còn đến 230 triệu cổ phiếu.
Cổ phiếu hệ sinh thái FLC Group tiếp tục bị bán tháo ngay đầu phiên 30/3. Bảng giá SSI. |
Thị giá FLC từng đạt mức cao nhất đến 22.600 đồng vào ngày 7/1 ngay trước khi diễn ra vụ bán chui kinh điển của ông Trịnh Văn Quyết. Đến sáng ngày 30/3 thì FLC đã rơi về mức giá sàn 11.800 đồng, tức giảm phân nửa kể từ vụ việc trên.
Cổ phiếu trụ cột khác là ROS của FLC Faros rớt hết biên độ về giá 7.590 đồng, cũng mất phân nửa giá trị so với thời điểm đầu năm. Cổ phiếu này từng gây chấn động khi tăng giá 17 lần lên mức kỷ lục 214.000 đồng đầu năm 2018 trước khi lao dốc.
Các cổ phiếu khác cũng lao dốc kể từ vụ bán chui như, ART giảm 51% về 8.800 đồng, KLF mất 48% giá trị về mức 5.400 đồng, HAI giảm 44% còn 5.470 đồng và AMD lao dốc 44% xuống 5.760 đồng.