Theo South China Morning Post, cổ phiếu của các gã khổng lồ công nghệ Trung Quốc tiếp tục ghi nhận đà giảm trong ngày giao dịch 12/5 trước thời hạn công bố báo cáo thu nhập quý I.
Bên cạnh đó, tình trạng siết chặt giám sát chống độc quyền của chính quyền Bắc Kinh nhắm vào các công ty công nghệ lớn càng làm tăng mối lo ngại của nhà đầu tư về việc cổ phiếu những công ty này đang được định giá cao.
Những gã khổng lồ niêm yết trên sàn Hong Kong như Meituan, Tencent Holdings và Alibaba chịu tổn thất nặng nề giữa cơn bão tụt dốc của các mã cổ phiếu công nghệ gần đây.
Meituan là nhà điều hành hệ thống giao thức ăn theo yêu cầu lớn nhất đất nước 1,4 tỷ dân. Cổ phiếu Meituan dẫn đầu đà giảm với 10 ngày lao dốc liên tiếp, đóng cửa ở mốc 249 đôla Hong Kong (32,06 USD)/cổ phiếu trong hôm nay. Chỉ hai tháng trước, giá cổ phiếu của hãng này đạt 460 HKD (59,22 USD)/cổ phiếu.
Gần đây, ông Vương Hưng - nhà đồng sáng lập và CEO của công ty - đã mất hơn 2,5 tỷ USD vì giá cổ phiếu giảm mạnh do đăng một bài thơ cổ thời Đường có dụng ý chỉ trích chính quyền Trung Quốc.
Trước đó, Meituan cũng rơi vào tầm ngắm trong chiến dịch điều tra chống độc quyền của chính quyền Bắc Kinh. Các nguồn tin cho biết công ty có thể bị phạt đến 700 triệu USD nếu bị phát hiện sai phạm.
Cổ phiếu Tencent Holdings lao dốc mạnh sau khi đạt đỉnh hồi tháng 2. Ảnh: AP. |
Trong khi đó, cổ phiếu của Tencent - công ty video game có doanh thu lớn nhất thế giới - giảm 1,76%, đóng cửa ở mức 584,5 HKD (75,25 USD)/cổ phiếu. Mức giảm khá sâu so với đỉnh hồi tháng Hai năm nay khi giá cổ phiếu Tencent ở mức 99,77 USD, giúp nâng giá trị vốn hóa thị trường của công ty lần đầu tiên vượt 1.000 tỷ USD. Tencent cũng bị điều tra vi phạm chống độc quyền gần đây.
Sau nhiều trắc trở vì đối chọi với chính quyền Trung Quốc, cổ phiếu của Alibaba giảm mạnh so với mức đỉnh 39,87 USD/cổ phiếu hồi tháng 10 năm ngoái. Hiện, cổ phiếu Alibaba đang giao dịch ở mức 28,26 USD/cổ phiếu.
Tháng trước, Cơ quan Quản lý Nhà nước về Quy chế Thị trường (SAMR) đã phạt Alibaba 18,2 tỷ nhân dân tệ (2,8 tỷ USD) trong cuộc điều tra vi phạm chống độc quyền kéo dài từ Giáng sinh năm ngoái.
Cổ phiếu của Pinduoduo giảm hơn 11% so với tháng trước, trong khi gã khổng lồ điện thoại thông minh Xiaomi và hãng xe điện Trung Quốc Nio giảm lần lượt 5% và 7%.
Theo ông Hao Hong, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu tại Bocom International, việc giá cổ phiếu của giới công nghệ Trung Quốc giảm mạnh khiến nhiều nhà đầu tư ngạc nhiên.
"Vấn đề chính là định giá của những cổ phiếu này đang quá cao. Những tác động tiêu cực, chẳng hạn như các cuộc điều tra chống độc quyền, khiến biểu hiện của những mã cổ phiếu này gặp hạn chế", ông nói.
Trong khi đó, các công ty công nghệ nhỏ hơn như Zhihu và Waterdrop cũng chứng kiến đà giảm sau màn IPO tại Mỹ. Điều này cho thấy các nhà đầu tư quốc tế đang dần nhận thấy rủi ro khi đầu tư vào cổ phiếu công nghệ Trung Quốc.
Mối đe dọa về việc các công ty Trung Quốc sẽ bị loại khỏi sàn giao dịch của Mỹ ngày càng tăng khi Ủy ban Chứng khoán và Giao dịch Mỹ bắt đầu thực hiện Đạo luật về trách nhiệm giải trình các công ty nước ngoài khiến những công ty quốc tế buộc phải nộp báo cáo kiểm toán nếu không muốn bị xóa sổ khỏi sàn.
"Các nhà đầu tư quốc tế cảm thấy rủi ro trong mối quan hệ Mỹ - Trung và các chính sách nhắm vào Trung Quốc của Tổng thống Joe Biden", ông Jerric Wu, giám đốc dự án cấp cao của Kotler Marketing Group cho biết.
Ông Bruce Pang, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu chiến lược vĩ mô tại China Renaissance Securities, cho biết: "Cổ phiếu công nghệ Trung Quốc tăng mạnh nhờ kết quả hoạt động mạnh mẽ của năm ngoái. Tuy nhiên, những bất ổn này sẽ ngăn cản chúng tiếp tục tăng, ít nhất là trong ngắn hạn".
Bên cạnh đó, những bất ổn vĩ mô như tăng lợi suất trái phiếu kho bạc và lạm phát cũng tạo ra gánh nặng cho các mã cổ phiếu này, ông Pang nói thêm.