Thị trường chứng khoán mở cửa phiên 12/1 với tâm điểm tiếp tục chú ý vào nhóm cổ phiếu thuộc họ FLC Group (ROS, FLC, HAI, KLF, AMD, ART, GAB) và nhóm cổ phiếu bất động sản sau chuỗi tăng nóng.
Ngay từ đầu phiên giao dịch, nhóm FLC group tiếp tục bị bán tháo phiên thứ 3 liên tiếp sau những thông tin tiêu cực vẫn được đưa ra. Ngoại trừ mã GAB chưa có giao dịch thì các mã còn lại đều giảm hết biên độ với lượng dư bán sàn từ vài triệu đến vài chục triệu cổ phiếu.
Tạm dừng phiên giao dịch sáng 12/1, đà bán đã lan rộng ra toàn thị trường khiến các chỉ số đảo chiều giảm sâu. VN-Index có thời điểm đã mất đến 27 điểm nhưng rồi hồi phục nhẹ khi chỉ còn giảm 16,58 điểm (1,11%) trong phiên sáng xuống 1.475,73 điểm.
Đà bán lan rộng trong phiên sáng. Ảnh: Trading View. |
Diễn biến bán mạnh cũng diễn ra tương tự trên sàn chứng khoán tại Hà Nội. HNX-Index tạm dừng giữa ngày giảm 13,31 điểm (2,76%) chỉ còn 468,3 điểm. UPCoM-Index cũng giảm 1,48% xuống 112,85 điểm. Toàn thị trường chìm trong sắc đỏ khi số mã giảm giá chiếm áp đảo.
Nhóm cổ phiếu bất động sản vẫn tiếp tục bị bán mạnh nhất khi hàng loạt mã nằm sàn với lượng dư bán sàn hàng triệu cổ phiếu tại các mã CII, HAR, LDG, QCG, PVL, DIG, PTL, DXG, HQC… sau thông tin về Tập đoàn Tân Hoàng Minh bỏ cọc.
Tương tự nhóm cổ phiếu FLC Group cũng liên tiếp nằm sàn, nhưng hôm nay đã mất thanh khoản khi có đến hàng chục triệu cổ phiếu FLC, ROS, KLF, HAI, AMD đang tranh nhau bán sàn nhưng vẫn chưa khớp lệnh.
Điểm sáng của thị trường hôm nay đến từ nhóm cổ phiếu dầu khí nhờ một số mã có thời điểm tăng trần như PVD, PSH và nhiều mã lớn khác có mức tăng khá 1-6%. Ngoài ra một số cổ phiếu hưởng lợi từ đầu tư công như KSB, DHA, FCN, VLB cũng bứt phá.
Áp lực bán mạnh toàn thị trường khiến thanh khoản thị trường cũng được đẩy lên các mức mới. Tổng giá trị khớp lệnh tăng 35% so với hôm trước đạt 28.065 tỷ đồng, trong đó giá trị khớp lệnh riêng sàn HoSE tăng 31% lên mức 23.107 tỷ đồng. Khối ngoại mua ròng khoảng 150 tỷ đồng ở sàn HoSE trong phiên sáng.
Trước đó, các cơ quan quản lý đang đưa ra các hình thức xử phạt nặng tay hơn đối với hành vi bán chui 74,8 triệu cổ phiếu FLC của chủ tịch FLC Trịnh Văn Quyết trong phiên 10/1, đây là hành vi tái diễn sai phạm của cá nhân này sau đợt bán chui năm 2017.
Tối hôm qua, Sở giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HoSE) có thông báo mới về việc sẽ thực hiện hủy bỏ toàn bộ giao dịch bán 74,8 triệu cổ phiếu FLC này, do vi phạm khoản 1 Điều 33 Thông tư số 96/2020 của Bộ Tài chính hướng dẫn về công bố thông tin trên thị trường chứng khoán.
Đồng thời Ủy ban Chứng khoán cũng ra quyết định yêu cầu Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam (VSD) phong tỏa toàn bộ tài khoản chứng khoán đứng tên ông Quyết từ 11/1. Yêu cầu VSD thông báo cho các công ty chứng khoán nơi ông Quyết mở tài khoản thực hiện phong tỏa các tài khoản giao dịch này.
Nhóm FLC mở cửa phiên sáng giảm sàn ngay lập tức. Bảng giá SSI. |
Một sự kiện độc lập khác cũng chiếm ánh nhìn của giới đầu tư là việc Tân Hoàng Minh xác nhận thông tin đơn phương chấm dứt Hợp đồng mua bán đấu giá tài sản ô đất 3-12 khu chức năng số 3 trong Khu đô thị mới Thủ Thiêm.
Tập đoàn này cho biết sẽ có văn bản chính thức gửi UBND TP.HCM để báo cáo và gửi Trung tâm Phát triển Quỹ đất, Trung tâm Dịch vụ đấu giá tài sản TP.HCM đề nghị đơn phương chấm dứt hợp đồng trên.
Sự kiện này có tác động rất lớn đến giới đầu tư bất động sản nói chung và đầu tư cổ phiếu bất động sản nói riêng. Đà tăng nóng trước đó của nhóm cổ phiếu địa ốc cũng có động lực từ thương vụ đấu giá kỷ lục này.
Mở cửa phiên sáng, nhiều cổ phiếu bất động sản cũng nhanh chóng rơi về mức giá sàn như CEO, CII, DRH, QCG, PVL... và nhiều mã khác cũng giảm sâu. Tuy nhiên vẫn có một số mã giữ được sắc xanh và đặc biệt L14 tiếp tục tăng trần lên 456.100 đồng để trở thành mã chứng khoán có thị giá đắt đỏ nhất sàn chứng khoán.
Trở lại với thị trường chung tính đến 9h30, VN-Index giảm gần 4 điểm (0,3%) xuống dưới 1.488 điểm. HNX- Index giảm gần 0,5% về 479 điểm và UPCoM cũng giảm nhẹ còn 114 điểm.
Tổng giá trị giao dịch toàn thị trường đạt hơn 5.000 tỷ đồng sau 30 phút giao dịch.
Nhóm cổ phiếu bất động sản lao dốc sau khi Tân Hoàng Minh bỏ cọc. Ảnh: Bảng giá SSI. |
Dự báo cho hôm nay, các đơn vị phân tích đang khá đối lập về quan điểm và diễn biến thị trường sau các phiên biến động mạnh vừa qua.
AseanSC dự báo tiêu cực khi VN-Index sẽ có quán tính giảm điểm trong phiên sáng để kiểm tra vùng hỗ trợ gần 1.485-1.490 điểm, và xa hơn là vùng hỗ trợ 1.475-1.480 điểm.
Sự giằng co được kỳ vọng sẽ xuất hiện ở vùng giá thấp và có thể giúp chỉ số có sự hồi phục nhất định sau đó, trước khi có sự phân định xu hướng rõ ràng hơn về cuối ngày.
Ở xu hướng trung lập, Yuanta Việt Nam cho rằng thị trường có thể sẽ xuất hiện nhịp hồi phục và VN-Index có thể biến động trong vùng 1.490-1.500 điểm.
Đồng thời, thị trường bước vào giai đoạn tích lũy ngắn hạn cho thấy thị trường có thể sẽ biến động hẹp sau hai phiên biến động mạnh trước đó.
Chứng khoán MB nhận định việc VN-Index để mất ngưỡng 1.500 điểm vẫn chưa ảnh hưởng đến đà tăng của chỉ số. Nền thanh khoản đang tiệm cận mức kỷ lục trong năm ngoái là cơ hội để dòng tiền cơ cấu lại.
Theo đó đây là cơ hội để quay lại nhóm cổ phiếu bluechip khi biến động của thị trường đang khá cao. Việc thị trường rung lắc sẽ ảnh hưởng nhiều đến nhóm cổ phiếu đã tăng mạnh trong thời gian vừa qua trong khi nhóm bluechip cũng đã tạo được nền tích lũy kéo dài và khả năng giảm cũng sẽ ít hơn.
Chứng khoán Agribank lại kỳ vọng lực cầu bắt đáy sẽ xuất hiện và giúp VN-Index hồi phục. Hai tuần cuối tháng 1 cũng là thời gian quan trọng khi các doanh nghiệp công bố báo cáo tài chính quý IV/2021, do vậy dòng tiền có thể sẽ bị hút dần từ nhóm các cổ phiếu đầu cơ đã tăng nóng và chảy sang các mã bluechip đầu ngành và có triển vọng tăng trưởng lợi nhuận rõ ràng.
Chứng khoán Rồng Việt tin rằng nhịp giảm của VN-Index đã tạm thời chững lại và có thể sẽ có nhịp hồi phục trong thời gian gần tới để kiểm tra lại cung cầu. Do vậy nhà đầu tư có thể kỳ vọng nhịp hồi phục của thị trường để cơ cấu lại danh mục.