Lãnh đạo Công ty TNHH một thành viên Công viên Thống Nhất cho biết, hiện công ty có trên 300 cán bộ công nhân viên, được thành phố giao quản lý hoạt động Công viên Thống Nhất, hồ Ba Mẫu và duy trì chăm sóc một số thảm cỏ, vườn hoa theo cơ chế đặt hàng hàng năm của thành phố.
Theo lãnh đạo Công ty TNHH một thành viên Công viên Thống Nhất (gọi tắt Cty Công viên Thống Nhất), năm 2016 doanh thu của đơn vị đạt 41 tỷ đồng, trong đó số tiền thực hiện theo đặt hàng của thành phố là 29 tỷ đồng để duy tu, duy trì các hạng mục về cây xanh, trang trí, sơn sửa các hạng mục trong công viên. Với tổng doanh thu này, đơn vị được trích khoảng 45-50% cho quỹ lương hàng năm.
Vòng quay Công viên Tuổi trẻ gỉ sét, bỏ hoang lâu năm. |
Trả lời câu hỏi của phóng viên, với thực tế hiện nay của doanh nghiệp thì việc thành phố tiến hành cổ phần có tốt hơn không? Vị lãnh đạo công ty này cho rằng, việc cổ phần hoá, sắp xếp lại các đơn vị công ích là chủ trương chung cần phải thực hiện.
“Cổ phần hoá sẽ giúp cho doanh nghiệp tự chủ hơn, chủ động hơn, nâng cao hiệu quả quản lý hoạt động của doanh nghiệp. Còn nếu vẫn giữ mô hình như hiện nay thì nhà nước phải chú trọng đầu tư hơn”, vị đại diện này nói.
Theo vị này cho biết hiện các trang thiết bị vui chơi giải trí được đặt trong Công viên Thống Nhất đã lỗi thời, cũ kỹ không thu hút được người dân vào vui chơi.
Tuy nhiên, lãnh đạo công ty này cho rằng vấn đề mấu chốt của việc cổ phần hoá khi mời gọi các nhà đầu tư vào là việc cần phải có cơ chế sử dụng đất, phương thức kinh doanh tại Công viên Thống Nhất với diện tích trên 50 ha mà đơn vị này đang được giao quản lý.
“Theo tôi phương án sử dụng đất Công viên Thống Nhất theo hướng phục vụ mục đích công cộng hay kinh doanh thì phải rõ ràng khi đấy mới mời gọi được nhà đầu tư vào.
Tuy nhiên, do Công viên Thống Nhất lâu nay là công viên công ích, công viên cộng đồng nên việc cổ phần hoá cũng phải giữ mục đích của công viên công ích phục vụ đông đảo người dân Thủ đô.
Đấy cũng là bài toán rất khó cho các nhà đầu tư, nên một số ý kiến cho rằng, trong phương án sử dụng đất ở Công viên Thống Nhất phải dành phần lớn diện tích để phục vụ công ích, phải quy hoạch rõ khu vực được kinh doanh của nhà đầu tư”, vị này phân tích.
Nhiều nơi bỏ hoang, vắng khách
Chiều 15/2, Công viên Tuổi trẻ thủ đô khá vắng lặng. Chỉ có một vài người dân quanh đó đi tập thể dục và một vài bạn trẻ đi dạo. Ngay cổng vào, theo quan sát của phóng viên, vòng xoay của công viên dường như bỏ hoang đã lâu và xuống cấp trầm trọng.
Cầu thang lên phủ tấm vải bạt đã sờn rách. Nhiều cabin vòng xoay đã han gỉ, bong tróc. Hệ thống cột chống lâu ngày không được bảo dưỡng, trải qua mưa nắng đã han gỉ. Do lâu ngày không được sử dụng, cửa vào đều bị khóa chặt.
Khu vực công viên nước khá rộng nhưng cũng cửa đóng then cài, nhiều hạng mục đã hư hỏng. Còn nơi là công viên nước trước đây cũng bỏ hoang khá lâu, thi thoảng có người trèo vào đại, tiểu tiện bừa bãi. Tại công viên Thống Nhất, nhiều hạng mục cũng đã xuống cấp trầm trọng. Khu nhà bóng bụi bẩn đóng cửa im ỉm…