Hình ảnh người phụ nữ đã qua đời, cơ thể bọc chiếu, 2 chân buông thõng ra ngoài được chở trên chiếc "xe chở xác" đặc biệt, lưu thông qua phường Quyết Tâm (TP Sơn La) mới đây gây chú ý cộng đồng mạng. Nhiều độc giả không khỏi xót xa trước hoàn cảnh đặc biệt này.
Xót thương những mảnh đời khốn khó
"Thật khổ! Giữa những thái cực khác nhau của một xã hội hiện đại, người thì có nhiều tỷ đồng, người đến lúc chết mà người thân cũng không thuê nổi một chiếc xe ôtô đưa về nhà, phải bó chăn chở bằng xe máy. Thực sự nghẹn lòng với hình ảnh này...", độc giả Lan Anh than thở.
Đó cũng là ý kiến của Phạm Phương khi chứng kiến hình ảnh xác người quấn chiếu chở xe máy về nhà. "Nhìn mà thấy nao lòng. Không khỏi rơi lệ khi đọc những dòng tin về hoàn cảnh của người phụ nữ trên", thành viên này viết.
Nhiều độc giả cho rằng ở đâu đó trong xã hội hiện đại vẫn còn rất nhiều số phận bất hạnh. Đến việc thuê một chiếc xe tang bằng ôtô cho người qua đời cũng là điều không thể.
Hình ảnh người phụ nữ Sơn La trong chiếc "xe chở xác" trên thể hiện rõ số phận của những người khốn khó. "Trên đời sao có quá nhiều số phận khốn khó! Cái nghèo, cái khổ đeo bám họ suốt cả đời. Đến tận lúc chết, vẫn không có đến một lần đỡ khổ", bạn đọc Anh Thư đồng cảm.
Bức ảnh gây xôn xao trên mạng xã hội. Ảnh: Facebook Tùng Hải. |
Là một trong những người dân vùng cao, độc giả Nguyễn Anh Tuấn tâm sự: ''Mọi người phải lên Sơn La, vào bản sinh sống thì mới hiểu được đồng bào dân tộc sống nghèo và thiếu thốn đến mức nào? Chỉ có ai đã từng ở thì mới cảm nhận được. Mình cũng là người vùng cao nên mình hiểu được hoàn cảnh của họ. Nhìn bức ảnh mà nhói lòng, mong chị sớm siêu thoát”.
"Nhiều người đến khi nằm xuống vẫn khổ. Cái nghèo theo đuổi từ khi phát bệnh đến lúc chết. Tác phẩm Người cùng khổ sao mà thấm thía đến thế, ngấm sâu ăn vào da thịt người đọc", Enddy Phạm rưng rưng.
Cùng quan điểm trên, nick name Hero cũng bộc bạch: "Thật bất công khi nhìn cuộc sống của những người vùng sâu vùng xa. Các bạn thành phố ăn sung mặc sướng, còn ở những nơi hẻo lánh, quần áo 2-3 bộ mặc quanh năm suốt tháng, đến lúc lâm chung vẫn không có nổi một giây phút sung túc".
Chứng kiến số phận nghèo khổ trên, thành viên Nhật Lệ không khỏi nhớ lại câu chuyện cách đây 12 năm, khi chăm sóc người thân bị tai nạn giao thông ở khoa hồi sức cấp cứu bệnh viện Việt Tiệp, Hải Phòng.
"Tôi từng chứng kiến hình ảnh đôi vợ chồng già chăm sóc con trai bị suy thận. Nhà nghèo không có tiền mua sữa phải đi xin. Đến lúc kiệt quệ, gia đình phải xin về nhà nằm chờ chết.
Thực sự xót xa, thương cảm. Đến hôm về, ông bà cũng không có tiền thuê xe mà phải gọi xích lô chở. Tôi thấy đau lòng vô cùng nhưng bản thân bất lực. Vì gia đình tôi cũng chẳng phải giàu có gì, cũng phải vay mượn để lo cho cháu bị chấn thương sọ não. Câu chuyện của gia đình kia là tôi ám ảnh mãi”, bạn đọc này viết.
Bệnh viện có quá vô tâm?
Bên cạnh những tình cảm đau xót cho số phận của người nghèo khổ, nhiều độc giả cũng cho rằng các cơ quan chức năng, ban ngành còn vô tâm, vô cảm trước những hoàn cảnh thiếu thốn.
Bạn đọc Bi Lee thẳng thắn: “Tôi không hiểu sao bệnh viện không giúp được? Bệnh viện cứ cứu không được, chết là xong thôi sao? Chỉ việc giao cho người nhà rồi mặc kệ họ. Chẳng nhẽ vô cảm tới mức không thể giúp đỡ khi họ không có đủ tiền để đưa xác về?”.
Cùng chung suy nghĩ trên, độc giả Hồ Dương bức xúc: “Bệnh viện như này sao? Đây cũng là vấn đề liên quan tới y đức mà. Ở bệnh viện có xe công thì phải, vài đồng tiền mà cũng tính chi ly từng tý vậy như vậy? Người đã mất là bệnh viện hết trách nhiệm có phải không? Đau xót quá! Thật đáng thương cho những mảnh đời bất hạnh”.
“Chữ thập đỏ không phải làm việc chở bệnh nhân nghèo xấu số về nhà sao? Sao không có tổ chức từ thiện nào chở xác bệnh nhân thế này? Người đã mất mà di chuyển bằng xe máy thấy tội quá! Dù đã mất thì vẫn cứ khổ”, bạn Lê Lan thắc mắc.
Qua sự việc này, nhiều bạn đọc mong muốn có những tổ chức từ thiện chuyên chở người đã mất giúp đỡ những gia đình thực sự khó khăn trong xã hội.
“Tôi chỉ ước ở nước ta có những tổ chức từ thiện chuyên chở người đã mất. Nhiều gia đình thật sự khó khăn cần sự giúp đỡ. Đây là hồi chuông cảnh tỉnh về tình người trong xã hội hiện đại. Cần lắm những nhà hảo tâm, những tấm lòng nghĩa hiệp có thể đứng ra giúp đỡ những số phận bất hạnh này.
Hy vọng sẽ có tấm lòng cao cả, thấm đượm tình người đứng ra tổ chức trong thời gian sớm nhất”, là mong muốn của bạn Lê Hùng trước hình ảnh chiếc “xe chở xác” đặc biệt tại Sơn La vừa qua.