Sau Những đứa con của Chúa Trời và Đợi đến lượt, Mơ Lam Kinh là tập truyện ngắn tiếp theo của tác giả trẻ Đinh Phương. Trong tác phẩm mới, anh tiếp tục cuộc hành trình khám phá nội tâm con người. Qua đó, nhà văn đi tìm câu trả lời cho hàng loạt câu hỏi dường như không bao giờ cũ: Ta là ai? Ta muốn gì? và Ta thực sự cần gì?
13 truyện ngắn trong Mơ Lam Kinh là 13 mảng ký ức chứa đầy những suy tư. Dù những yếu tố về không gian và thời gian luôn được thay đổi trong mỗi truyện ngắn, nhưng xuyên suốt 13 tác phẩm, 13 câu chuyện, người đọc sẽ cảm nhận được những dằn vặt không dứt mà Đinh Phương dành cho các nhân vật của anh.
Để khi gấp trang sách lại, ta chợt nhận ra rằng: đừng bao giờ để những điều xưa cũ ngủ yên. Bởi nền móng của cái mới luôn được gây dựng từ trầm tích của dĩ vãng.
Sự đan cài tài tình giữa quá khứ và hiện tại
Đinh Phương là một nhà văn trẻ đa dạng trong đề tài và bút pháp kể chuyện. Trong đó, các tác phẩm lấy cảm hứng từ lịch sử đã tạo nên “điểm sáng” trong văn của anh.
“Lịch sử giống như một chiếc móc áo tưởng tượng” để từ đó Đinh Phương “treo” vào câu chuyện những suy nghĩ của chính anh. Bởi thế, lịch sử trong suy nghĩ của tác giả của Nhụy khúc mang một bóng hình rất khác. Người đọc có thể thấy rõ điều này qua hai truyện ngắn Chiều ký ức phủ gai và Lau lách chiều trắng xóa.
Tập truyện ngắn Mơ Lam Kinh của Đinh Phương. |
Trước kia, khi các sáng tác liên quan đến lịch sử, các văn nhân thường vẫn đi theo một lối mòn đó là “kể” lại lịch sử. Những gì đã diễn ra cứ thế được tường thuật lại. Nếu có điều gì gọi là mới mẻ thì đó chỉ có thể là cách kể chuyện mà thôi. Điều đó, làm người đọc liên tưởng đến chiêu thức “rượu cũ bình mới” mà chúng ta vẫn thường thấy trong kinh doanh.
Gần đây, đã có nhiều nhà văn mạnh dạn cách tân và viết theo hướng “giải thiêng” lịch sử và Đinh Phương cũng đã góp mặt trong khuynh hướng mới mẻ này. Anh không nhìn lịch sử như một thực thể có sẵn, bất di bất dịch. Với Đinh Phương, lịch sử là một dòng chảy luôn biến đổi. Cái nhìn của hậu thế đã tạo nên sự biến đổi sống động không ngừng của lịch sử.
Là một nhà văn, nếu muốn làm mới các nhân vật lịch sử, đôi khi phải bỏ qua cái nhìn của các sử gia. Hãy đặt những “con người muôn năm cũ” ấy, trong cái nhìn khách quan hơn của hậu thế. Từ đó, chúng ta cùng chiêm nghiệm và suy ngẫm về những điều tưởng chừng như đã thành quá vãng.
Trong sáng tạo nghệ thuật nói chung và văn chương nói riêng, rất nhiều người luôn băn khoăn trong việc đi tìm cái mới. Sự mới mẻ, không nhất thiết phải là điều xưa nay chưa từng có, là cái xuất hiện đầu tiên. Cái mới, đôi khi được gieo mầm từ những nền móng cũ, là cái nhìn thấu triệt hơn về những điều đã qua.
Độc giả, chắc không còn xa lạ với Hồn Trương Ba, da hàng thịt. Đinh Phương đã đọc lại câu chuyện này và có những suy niệm rất mới về nó. Trong Ván cờ cuối cùng, nhà văn không kể lại cuộc giằng co sau khi "cải tử hoàn đồng" của hai nhân vật Trương Ba và anh hàng thịt.
Đinh Phương mạnh dạn khai thác xung đột trong nội tâm của nhân vật Trương Ba. Suy cho cùng, sống mà không được là chính mình còn đau khổ hơn cả cái chết.
Nói về thế sự bằng một cách rất riêng
Đinh Phương, không phải là người kể chuyện thiên về hành động, anh là người mạnh về miêu tả nội tâm. Các nhân vật của anh thường không nhiều hành động. Trong truyện ngắn của Đinh Phương bạn đọc sẽ ít gặp mô-típ tạo nút thắt để gây kịch tính. Vậy mà, khi viết về những đề tài mang tính thế sự, anh vẫn khiến người ta phải giật mình.
Trong Tự hóa, chúng ta sẽ thấy được cuộc xung đột của khoảng cách thế hệ xảy ra âm ỉ, nhưng không kém phần khốc liệt của hai cha con nhân vật chính. Người con, đại diện cho thế hệ trẻ, luôn thích thành phố ồn ào náo nhiệt. Người cha đại diện cho thế hệ trước, tự thấy bằng lòng với cuộc sống bình yên nơi quê nhà. Giữa họ có những sự đứt gãy, những khoảng cách cứ lớn dần mà khi nghĩ đến người trong cuộc bỗng nhiên thấy sợ.
Nhà văn Đinh Phương. |
Hình ảnh “xóm có hơn mười nhà giờ chỉ còn non nửa là nhà cũ từ xưa còn lại là người nơi khác” sao mà quen tới thế. Cái xóm nhỏ ấy là đại diện cho hàng trăm hàng ngàn xóm nhỏ ở nông thôn, nơi những người trẻ ra đi và cứ thế bén duyên với thành phố. Chỉ còn lớp người già ở lại, quay quắt, héo mòn rồi đợi ngày về với đất.
Đọc Mơ Lam Kinh, người đọc sẽ thấy trong lòng một nỗi buồn man mác mà day dứt. Nó giống như cơn mưa ngâu tháng bảy, chỉ lất phất vậy thôi mà mưa mãi không dừng.
Là một người mạnh về tưởng tượng và suy niệm nên Đinh Phương xây dựng cho mình một giọng văn chậm rãi mà chau chuốt để những tưởng niệm và suy tư của anh có một mảnh đất màu mỡ cứ thế thỏa sức vẫy vùng.
13 truyện ngắn trong tuyển tập Mơ Lam Kinh được kể bằng một thứ văn đẹp, giản dị mà chau chuốt. Những hình ảnh trong các truyện ngắn của Đinh Phương dù giản dị như một cọng cỏ, một giọt sương đều được miêu tả bằng những từ ngữ hợp lý, sống động, tinh tế và giàu chất thơ. Bởi thế, theo cách của riêng mình, anh đã dẫn dắt người đọc vào “cõi mộng” trong văn chương.