Năm 2017, tăng trưởng kinh tế đạt 6,81%, cao nhất trong nhiều năm trở lại đây. Nhiều chỉ số kinh tế khác được Tổng cục Thống kê công bố đạt kỷ lục trong nhiều năm. Nhân sự kiện này, Zing.vn đã có cuộc phỏng vấn ông Nguyễn Bích Lâm, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê.
Công nghiệp tăng ngoài sức tưởng tượng
- Theo dõi và thống kê kinh tế năm qua, ông ấn tượng với con số nào nhất?
- Tôi ấn tượng nhất với con số của ngành công nghiệp, đặc biệt ngành công nghiệp chế biến - chế tạo.
Hết quý I, GDP chỉ tăng 5,15%. Ngay sau đó, Tổng cục Thống kê đã làm kịch bản tăng trưởng kinh tế tham mưu cho Chính phủ điều hành. Trong kịch bản đó, nông nghiệp dự báo tăng trưởng 3,05%, Khu vực công nghiệp chế biến - chế tạo phấn đấu cả năm đạt khoảng 13%. Khu vực dịch vụ cũng tăng trên 7%.
Lúc ấy, dựa vào 23 ngành sản phẩm để đánh giá tăng trưởng, Tổng cục Thống kê cho rằng không thể đạt được mục tiêu 13%. Khi đó, Tổng cục Thống kê còn kiến nghị với Thủ tướng khai thác thêm dầu thô để cứu ngành này.
Điều đó để thấy rằng con số 14,4% đạt được là ngoài sức tưởng tượng. Anh em không thể nghĩ rằng nó tăng mạnh như vậy.
Ông Nguyễn Bích Lâm. Ảnh: Hiếu Công. |
Con số ấn tượng thứ 2 là xuất khẩu khi đạt 213 tỷ USD để xuất siêu được 2,7 tỷ USD. Đây cũng là một thành tích rất lớn của Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn (NN&PTNT) và Bộ Công Thương trong việc mở rộng thị trường, đặc biệt là nông sản.
Trong bối cảnh hiện nay, xuất khẩu nông sản rất khó khăn khi bà con vẫn chưa nhận thức được hết vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm. Tôi đánh giá rất cao Bộ NN&PTNT, đặc biệt là cá nhân Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường đã chỉ đạo rất sát sao.
Con số thứ 3 là đăng ký thành lập doanh nghiệp tăng nhanh. Chúng tôi không nhìn vào số lượng doanh nghiệp mà thống kê bản chất vốn bỏ vào nền kinh tế được bao nhiêu, nói cách khác là vốn thực hiện.
Một điểm sáng của nền kinh tế năm nay là đầu tư trực tiếp nước ngoài lên tới 35,8 tỷ USD và giải ngân là 17,5 tỷ USD. Vốn giải ngân đó mới thực sự đi vào nền kinh tế, mới đóng góp cho tăng trưởng.
- Nếu chúng ta chạy đà nhanh hơn vào quý I và quý II thì tăng trưởng năm nay sẽ còn tốt hơn nhiều?
- Nhiều năm chúng ta vẫn thấp ở các quý đầu như thế. Một là tháng Tết, đặc biệt trong ngành xây dựng vốn đầu tư của Nhà nước, đầu năm mới bắt đầu phân giao kế hoạch, làm quy trình, thủ tục… thành ra giải ngân rất chậm. Tổng số trái phiếu Chính phủ trên 50.000 tỷ đồng chưa giải ngân được bao nhiêu.
Trong quý I có tháng Tết nên số hoạt động sản xuất kinh doanh cũng ít đi. Ngành xây dựng cũng vậy. Trước kia xây dựng tập trung vào những tháng mùa khô, bây giờ công nghệ tốt nhưng đầu năm vốn chưa có nhiều nên xây dựng chưa nhiều. Đấy là mang yếu tố mùa vụ.
Kể cả tiêu dùng, quý I cao nhưng sản xuất lại thấp.
'IMF từng hoài nghi kết quả thống kê'
- Kết quả tăng trưởng GDP năm qua được nhiều người miêu tả bằng những từ như “thần kỳ”, “khó tin”, thậm chí là “hoài nghi”. Ông có thể nói rõ hơn về độ tin cậy của phương pháp thống kê?
- Phương pháp thu thập và biên soạn chỉ tiêu GDP của Tổng cục Thống kê hoàn toàn theo đúng thông lệ quốc tế. Thống kê Việt Nam đã áp dụng phương pháp này từ năm 1993 đến nay.
Trong giai đoạn 1993-1998, đặc biệt là giai đoạn khủng hoảng kinh tế tài chính tại khu vực Đông Nam Á, năm nào WB, IMF cũng cử những đoàn giám sát kỹ thuật vào Việt Nam để xem xét trên tất cả các lĩnh vực như tài chính, ngân hàng, thống kê. Họ xem xét nguồn thông tin thu thập như thế nào, cách tính toán biên soạn.
IMF từng hoài nghi về kết quả thống kê GDP của Việt Nam. |
Tôi nhớ vào năm 1998, khi khu vực ASEAN bị khủng hoảng tài chính, tăng trưởng GDP bị ảnh hưởng rất mạnh. Khi đó, Việt Nam không bị ảnh hưởng nhiều do chưa hội nhập sâu rộng nên tăng trưởng vẫn ở mức khoảng trên 5%.
IMF khi đó họ nghi ngờ và đưa ra con số chỉ 3%. Sau đó, Tổng cục thống kê cùng chuyên gia thống kê của Liên Hợp Quốc làm việc ở New York chứng minh rằng con số đưa ra của IMF là không chính xác. Số liệu Việt Nam đưa ra mới là chính thống.
Về thông tin thì phải nói rằng Tổng cục thống kê có nguồn tốt nhất, đứng vào hàng tốt nhất so với thế giới. Tôi nói vậy vì chúng ta có chương trình điều tra kinh tế quốc gia, có rất nhiều cuộc điều tra để đảm bảo thu thập được thông tin tốt chứ các nước không có chuyện như vậy.
Do đó, cả về phương pháp luận, về nguồn thông tin thì thống kê Việt Nam đều đảm bảo theo đúng phương pháp quốc tế, đúng khoa học.
Thứ hai, bên cạnh việc tính toán ra thì có nhiều chỉ tiêu khác để kiểm chứng. Giả sử đưa ra tăng trưởng 6,81% nhưng thu ngân sách, hay các chỉ tiêu khác lệch, không phù hợp thì người ta sẽ chỉ ra những bất cập ngay.
Tôi khẳng định Chính phủ không bao giờ đặt câu chuyện ép xuống. Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư càng không bao giờ.
Chỉ tiêu kinh tế tạo sức ép cho chỉ đạo điều hành
- Chúng ta hiện không có con số nào tính toán được tiềm năng tăng trưởng thực tế là bao nhiêu?
- Nhiều nước người ta không đặt ra chỉ tiêu tăng trưởng như Việt Nam. Họ chỉ chỉ đạo điều hành nền kinh tế, tăng trưởng năm đó bao nhiêu người ta thống kê xong phản ánh thôi. Việt Nam đặt ra mức tăng trưởng như thế để phấn đấu, nâng cao mức thu nhập, nâng cao đời sống của người dân. Đó cũng là một nét khá hay của nền kinh tế kế hoạch ngày xưa.
Tuy nhiên, điều này cũng có những bất cập khi tạo ra sức ép cho chỉ đạo quản lý điều hành. Ví như năm nay đặt ra mục tiêu 6,7%, trong 6 tháng đầu năm sức ép rất kinh khủng. Do đó, Thủ tướng yêu cầu phải làm kế hoạch cho sát không chỉ đạo rất khổ.
Lãnh đạo Tổng cục Thống kê cho rằng Việt Nam cần đẩy mạnh tăng năng suất lao động. Ảnh: Hoàng Hà. |
- Nhiều người cho rằng năm qua giải ngân vốn đầu tư công là một điểm nghẽn kìm hãm tăng trưởng?
- Tất nhiên mức đầu tư công mà giải ngân được toàn bộ kế hoạch đặt ra thì sẽ có hơn mức 6,81%. Giải ngân đầu tư công sẽ đi vào tích lũy tạo ra tăng trưởng của năm nay và tạo đà cho tăng trưởng trong những năm sau.
Đầu tư công thường dồn vào cơ sở hạ tầng nên tạo đà tăng trưởng cho những năm sau rất tốt.
Những năm sau tỷ lệ vốn đầu tư công tác động lên GDP không cao nữa, bởi vì nó sử dụng được những hiệu quả đầu tư của những năm trước. Hay nói cách khác, đầu tư có độ trễ của nó, chứ không phải phát huy nhanh trong năm nay.
- Nói về động lực tăng trưởng cho năm 2018 và về lâu dài, nhiều chuyên gia cho rằng cần phải đẩy mạnh nâng cao năng suất lao động. Hiện năng suất lao động của chúng ta còn thua Lào. Ông nghĩ sao?
- Đúng vậy. Giải pháp quan trọng bậc nhất với Việt Nam hiện nay để tăng trưởng là nâng cao năng suất lao động. Đây không phải là năm đầu tiên Tổng cục Thống kê đề cập đến mà ngay từ năm 2015-2016, chúng tôi từng đề xuất Chính phủ thành lập một ủy ban năng suất quốc gia để chỉ đạo điều hành.
Hiện nay, tháng nào chúng tôi cũng có báo cáo cho trợ lý của Thủ tướng về tình hình kinh tế và cũng liên tục kiến nghị. Báo cáo của chúng tôi có chỉ ra các tồn tại của nền kinh tế, trong đó có năng suất lao động. Chúng ta cũng cần học hỏi kinh nghiệm tăng năng suất lao động của các quốc gia như Singapore, Hàn Quốc, Nhật Bản…
- Thời kỳ dân số vàng của Việt Nam đang qua rất nhanh. Nếu không nhanh chúng ta sẽ “chưa giàu mà đã già”?
- Chúng ta cần tận dụng thời kỳ dân số vàng bằng các giải pháp căn cơ. Một trong các giải pháp mà quốc tế đề xuất với Việt Nam là cải cách giáo dục. Giáo dục liên quan đến con người, năng suất lao động.
Việt Nam cũng đã xác định được điều này và đang triển khai 3 đột phá lớn là cơ sở hạ tầng, nguồn nhân lực và thể chế. Chúng ta cũng đã có các chính sách về các vấn đề này.
- Cảm ơn ông!