Trước thực trạng khó khăn của thị trường bất động sản (BĐS) như không có giao dịch ở nhiều loại sản phẩm bất động sản, khan hiếm nguồn cung và giá neo cao, một số chuyên gia, lãnh đạo doanh nghiệp cho rằng nhà đầu tư cần cẩn trọng trước quyết định xuống tiền ở giai đoạn này.
Nhà đầu tư F0 nên đứng ngoài quan sát
Ông Trần Khánh Quang, Tổng giám đốc đốc Công ty CP Đầu tư bất động sản Việt An Hòa, cho rằng giai đoạn này, nhiều nhà đầu tư đang rút khỏi thị trường bởi áp lực lãi vay và chấp nhận bán cắt lỗ. Chuyên gia này đánh giá một số nhà đầu tư chuyên nghiệp có thể tìm thấy các sản phẩm giá tốt ở thời điểm này để mua nhưng các nhà đầu tư F0, ít kinh nghiệm thì “dù hưng phấn đến mấy cũng nên cảnh giác với những rủi ro khi BĐS chững lại”.
Thị trường BĐS tiềm ẩn nhiều rủi ro với các nhà đầu tư mới. Ảnh: Lâm Tùng. |
Tổng giám đốc Việt An Hòa nêu quan điểm, cho rằng các nhà đầu tư nên chờ đợi và tiếp tục quan sát các diễn biến tiếp theo của thị trường. Nếu vẫn chọn mua BĐS ở thời điểm này, người mua cần cân nhắc nhiều yếu tố.
Thứ nhất, chỉ nên chọn mua các sản phẩm có hiệu quả khai thác, không mua theo số đông.
Thứ hai, nhà đầu tư không nên vay ngân hàng để mua BĐS lúc này bởi khả năng được duyệt hồ sơ không cao và lãi suất có thể tăng trong thời gian tới.
Ông Trần Khánh Quang nhìn nhận hiện nay, thị trường đang quá tải với các sản phẩm cao cấp, hạng sang và khan hiếm dòng sản phẩm bình dân, vừa túi tiền, dẫn đến sức hấp thụ kém. Đây là khó khăn nhưng cũng là cơ hội, bởi nhiều khả năng, các chủ đầu tư sẽ phải cơ cấu lại danh mục sản phẩm để có thanh khoản. Ngoài ra, các tín hiệu gần đây cho thấy sắp tới, chính sách về tín dụng có thể cởi mở hơn, cơ hội cho BĐS sẽ cao hơn. Khi có cả 2 yếu tố này, các nhà đầu tư có thể tiếp tục tham gia vào thị trường.
Ông Đinh Minh Tuấn, Giám đốc Batdongsan khu vực miền Nam, cũng cho rằng trong thời gian này, các sản phẩm BĐS có mục đích sử dụng cao để phục vụ nhu cầu ở thực của người dân và làm mặt bằng kinh doanh, phù hợp với định hướng đẩy mạnh kinh doanh, sản xuất của nhà nước, như nhà riêng, nhà phố, chung cư cho thuê, chung cư tầm giá dưới 45 triệu/m2 sẽ được quan tâm nhiều hơn, có nhiều “cửa sáng” hơn.
Bị đẩy giá quá cao, thị trường chững lại là tất yếu
Báo cáo thị trường gần đây của website Batdongsan cho thấy mức độ quan tâm đến nhiều phân khúc BĐS đã hạ nhiệt đáng kể so với trước đó. Trong tháng 4, mức độ quan tâm đến sản phẩm đất nền ghi nhận giảm 18% so với tháng liền trước và giảm 8% so với cùng kỳ năm 2021.
Bàn về hiện tượng này, ông Đinh Minh Tuấn cho rằng thời gian qua diễn ra nhiều biến số bất ngờ của thị trường, chẳng hạn những thông tin tiêu cực về vi phạm của các doanh nghiệp BĐS lớn, cơ quan quản lý nhà nước siết chặt hơn quy định về thuế, kiểm soát phân lô bán nền và ngân hàng nhà nước yêu cầu siết nguồn tín dụng vào BĐS… khiến người mua và nhà đầu tư BĐS có tâm lý thận trọng hơn.
Nhiều sản phẩm không có thanh khoản trong giai đoạn này vì giá cao, nhà đầu tư không còn cảm thấy an toàn. Ảnh: Lâm Tùng. |
Theo ông Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam, thị trường BĐS chững lại, bên cạnh các lý do liên quan đến động thái can thiệp của chính quyền, còn vì mức giá bán đang neo cao hơn giá trị thực tế.
“Mức giá giao dịch vượt xa giá trị thực khiến các nhà đầu tư không còn cảm thấy an toàn. Nhiều nhà đầu tư F0 ít kinh nghiệm bị mắc kẹt buộc phải bán tháo tài sản. Còn các nhà đầu tư chuyên nghiệp, với những biến động khó lường như hiện nay cũng sẽ cân nhắc rất kỹ và e ngại xuống tiền. Qua đó thị trường chững lại là một lẽ tất yếu”, ông Đính nói.
Chung góc nhìn với ông Đính, ông Trần Khánh Quang cũng cho rằng giá BĐS quá cao là lý do chính khiến thị trường chững lại. Ông Quang dẫn quy luật, cho hay từ năm 2014 đến nay, BĐS ghi nhận mức tăng giá trung bình khoảng 20-30% mỗi năm, qua đó đẩy giá vượt xa giá trị thực.
Cả ông Nguyễn Văn Đính và ông Trần Khánh Quang đều nhìn nhận thị trường BĐS sẽ tiếp tục chững lại cho đến hết hết quý III và nhiều khả năng sẽ phát triển ổn định hơn từ tháng 10 năm nay.