Hiện tại, chưa trường đại học nào ở Việt Nam có ngành học nào mang tên phát triển sản phẩm. Do đó, những người có xuất phát điểm từ số 0 cần một môi trường vừa để học hỏi, vừa trực tiếp làm việc trong dự án có người dùng thực tế.
Chương trình Zalo Product Management Trainee (PMT) đáp ứng được những điều kiện đó và là “vùng đất cơ hội" cho bất kỳ ai đam mê phát triển sản phẩm công nghệ. Gặp gỡ cựu thành viên trưởng thành từ chương trình này để hiểu hơn về hành trình họ trở thành những “nhà sáng chế" tạo nên nhiều sản phẩm có giá trị thực cho hàng triệu người dùng.
Theo đuổi nghề làm sản phẩm từ con số 0
Giống như nhiều “tay ngang" khác khi chuyển sang nghề làm sản phẩm, Phạm Quốc Đạt (Senior Product Owner - Phụ trách sản phẩm) có xuất phát điểm là một sinh viên chuyên ngành kinh tế và định hướng trở thành một Brand Manager (người chịu trách nhiệm xây dựng hình ảnh thương hiệu cho sản phẩm hoặc dịch vụ của doanh nghiệp).
Ở thời điểm tìm “vùng đất" để bắt đầu một hành trình mới, Đạt biết đến chương trình Zalo Product Management Trainee (Zalo PMT). Đạt chia sẻ Zalo PMT mở ra cơ hội để một người chưa biết gì về nghề phát triển sản phẩm được đào tạo bài bản trong môi trường thực tế, để thử sức với nghề.
“Mình được tham gia vào các dự án thực, phục vụ hàng chục triệu người dùng. Điều này giúp rèn luyện được kỹ năng tư duy và kinh nghiệm làm sản phẩm từ cách dạy thực chiến của chương trình chứ không phải từ sách vở”, Đạt nói.
Phạm Quốc Đạt, cựu thành viên Zalo PMT 2019. Ảnh: Zalo. |
Chia sẻ về bài học đầu tiên tại Zalo PMT, Đạt kể về kỷ niệm với bài thuyết trình: “Mentor nhận xét rằng phần thiết kế tốn nhiều công sức nhưng lại chưa đi vào trọng tâm vấn đề. Mình nhận ra rằng: phải tập trung vào những giá trị thực nếu muốn giải quyết vấn đề. Từ đó mình đã áp dụng điều này trong công việc và cả cuộc sống”.
Đạt cho biết bản thân đã thay đổi rất nhiều trong cách suy nghĩ sau khi 'tốt nghiệp’ Zalo PMT: “Trước đây mình thường suy nghĩ mọi thứ theo cảm tính và bề nổi, nhưng công việc làm sản phẩm dạy cho mình rằng cần nhìn nhận mọi thứ theo bản chất, đặt câu hỏi tại sao liên tục và tìm ra các giải pháp đơn giản nhất”.
Giờ đây, ở vị trí của một Senior Product Owner, khi tìm kiếm các thế hệ tiếp nối của chương trình Zalo PMT, Đạt kỳ vọng các ứng viên có được đủ đam mê và sự nhạy bén. “Đam mê là tố chất khiến bạn có thể thành công ở bất cứ công việc gì. Tư duy nhạy bén giúp bạn phát triển tốt trong nghề này, dù bạn tốt nghiệp trường kỹ thuật, kinh tế hay bất cứ nơi nào khác”, Đạt nói.
Có nền tảng kiến thức công nghệ là lợi thế
Tốt nghiệp chuyên ngành công nghệ thông tin (IT), nhưng Ngô Minh Kiên (Zalo Senior Product Owner) không đi trên con đường trở thành lập trình viên mà lựa chọn hướng đi khác: theo đuổi nghề phát triển sản phẩm công nghệ.
Kiên cho rằng người làm nghề này nếu có kiến thức về công nghệ là một lợi thế. “Mình từng tham gia nhiều cuộc thi về lập trình, ứng dụng những kiến thức được học tại trường để phát triển kỹ năng chuyên môn. Vốn kiến thức công nghệ có được và kinh nghiệm từ những cuộc thi đã giúp mình tự tin hơn khi đăng ký tham gia chương trình Zalo PMT”.
Tuy vậy, Kiên bộc bạch ở thời gian đầu, anh cũng không tránh khỏi những bỡ ngỡ. Là một sinh viên IT, kiến thức nhận được từ trường đại học chủ yếu xoay quanh những dòng code lập trình. Trong khi đó, một Product Owner cần phải đa năng hơn khi công việc yêu cầu kỹ năng giao tiếp tốt và thuyết trình hiệu quả, làm việc với các bên liên quan để phát triển những tính năng cần có của sản phẩm.
“Quá trình học hỏi ở chương trình giúp mình trau dồi được kỹ năng quản lý thời gian, lên kế hoạch công việc, nghiên cứu thị trường. Đặc biệt nhất là khả năng hiểu và giải quyết đúng những painpoint (vấn đề khó khăn) của người dùng, xây dựng được tư duy lấy người dùng làm trung tâm”, cựu thành viên Zalo PMT nói.
Ngô Minh Kiên, cựu thành viên Zalo PMT 2019. Ảnh: Zalo. |
Chia sẻ về việc lựa chọn Zalo PMT để nuôi dưỡng ước mơ trở thành người làm sản phẩm, Kiên ấn tượng với chương trình PMT ở Zalo vì vào thời điểm tham gia, đây là chương trình đầu tiên ở Việt Nam đào tạo về Quản lý sản phẩm.
Ngoài ra, cơ hội làm việc tại một tổ chức công nghệ lớn cũng như được trực tiếp tham gia vào đội ngũ phát triển sản phẩm cho hàng triệu người dùng cũng là động lực thôi thúc Kiên đăng ký tham gia chương trình.
Đưa ra lời khuyên cho những bạn trẻ chưa có nền tảng về công nghệ, Kiên nói: “Chương trình sẽ giúp các bạn có đam mê về công nghệ có cái nhìn tổng quát về ngành, từng bước tiếp cận quy trình phát triển sản phẩm một cách chuyên nghiệp dưới vai trò là một Product Owner. Từ đó bạn sẽ dễ dàng khai phá tốt những khả năng của bản thân cũng như phát triển định hướng nghề nghiệp sau này”.
Với kinh nghiệm của mình, Kiên cho biết chương trình Zalo PMT chào đón hầu như tất cả các ứng viên đến từ nhiều lĩnh vực khác nhau. Anh cho rằng những tiêu chí của một ứng viên sáng giá cho vị trí phát triển sản phẩm là niềm đam mê công nghệ, tinh thần chịu khó học hỏi, khả năng làm việc và tư duy độc lập, quyết đoán.
Từ cuối năm 2019, thế giới dần thay đổi khi phải đối mặt với đại dịch Covid-19. Mọi hoạt động gần như thay đổi theo hình thức trực tuyến, công nghệ ngày càng đóng vai trò quan trọng. “Các công ty dần số hoá, để mắt tới nhiều sản phẩm công nghệ hơn và vai trò của người phát triển sản phẩm cũng được để ý tới nhiều hơn. Nghề làm sản phẩm lại càng chứng minh sức hút của mình”, Ngô Minh Kiên nói.
Ngoài ra, Zalo có hệ sinh thái sản phẩm đa dạng, tạo lợi thế cho các bạn trẻ được làm việc thực tế với nhiều dự án sản phẩm, tạo ra những tính năng thu hút người dùng. Cuối cùng, một chương trình đào tạo không thể thiếu những người hướng dẫn chất lượng và Zalo PMT đáp ứng được điều này khi có đội ngũ hướng dẫn luôn đồng hành cùng các ứng viên trong suốt quá trình học hỏi.