Sáng 16/10, trả lời báo chí về dự thảo Bộ luật tố tụng hình sự, ông Trần Văn Dũng, phó Vụ trưởng Vụ Pháp luật hình sự - hành chính (Bộ Tư pháp) cho biết mặc dù không quy định trực tiếp bị can hay bị cáo có quyền im lặng nhưng Bộ luật Tố tụng hình sự (Bộ luật TTHS) quy định người bị bắt, tạm giữ tạm giam có quyền được trả lời, thông tin cho cán bộ điều tra biết hành vi nhằm gỡ tội cho mình tức là không bắt buộc có nghĩa vụ phải trả lời.
Theo ông Dũng, quyền im lặng đã được thể hiện tại Bộ luật TTHS Việt Nam nhưng không được quy định trực tiếp.
Đại diện Bộ Tư pháp phân vân dự thảo đề ra có nên quy định trực tiếp quyền im lặng hay không cần phải được xem xét dưới góc độ luật sư và trợ giúp pháp lý ở Việt Nam hiện nay.
Trong ban soạn thảo, nhiều ý kiến cho rằng hiện nay còn nhiều vấn đề bất cập như: sự phân bổ luật sư cho các vùng miền còn khác nhau; số lượng luật sư và trợ giúp pháp lý so với bị can, bị cáo hàng năm còn chênh lệnh (tùy thuộc vào từng năm)...
"Quan điểm của tôi và các nhà khoa học nếu quy định thẳng vào Bộ luật TTHS cần hết sức cân nhắc. Bởi lẽ nếu quy định thẳng thì sẽ buộc phải thực hiện trong khi đó đội ngũ luật sư và sự phân bổ luật sư như hiện tại là rất phức tạp", ông Dũng nói.
Ông Trần Văn Dũng, phó Vụ trưởng Vụ Pháp luật hình sự - hành chính. |
Một luật sư Đoàn luật sư Hà Nội phân tích nếu đưa quyền im lặng của người bị tình nghi khi chưa có luật sư tham gia lấy lời khai vào Bộ luật TTHS, sẽ dẫn đến nhiều hậu quả mà không thể lường trước được.
Luật sư lý giải nếu người bị bắt chỉ phải khai báo khi có mặt tham gia của luật sư bảo vệ quyền lợi cho họ, thì sẽ làm mất tính khẩn cấp trong công tác điều tra phá án nhanh.
Vị luật sư này dẫn chứng, với những vụ giải cứu con tin, tháo gỡ bom mìn mà bọn khủng bố và đồng phạm gây ra ... nếu chậm trễ lấy lời khai của các nghi phạm có liên quan sẽ gây ra những hậu quả nghiêm trọng.
Để khắc phục việc bắt, giam giữ hay xét xử oan sai, vị cán bộ có nhiều năm hoạt động trong ngành tố tụng cho rằng phải có việc giám sát chặt chẽ của VKS trong việc bắt người trong trường hợp khẩn cấp. Theo đó cần bổ sung Điều 81 Bộ luật TTHS theo hướng người bị bắt có quyền im lặng đến khi có kiểm sát viên giám sát lấy lời khai.