Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Có nên hạ chuẩn xét công nhận chức danh GS, PGS?

Tiêu chuẩn xét duyệt chức danh giáo sư, phó giáo sư yêu cầu phải có bài báo quốc tế. Nhiều ý kiến cho rằng yêu cầu này chưa phù hợp và thực tế.

Có ý kiến cho rằng nên hạ chuẩn xét công nhận chức danh giáo sư, phó giáo sư. Ảnh: Tiền Phong.

Theo thống kê từ Hội Đồng Giáo sư Nhà nước, tỷ lệ ứng viên giáo sư, phó giáo sư được Hội đồng Giáo sư ngành/liên ngành (sau đây gọi là Hội đồng Giáo sư ngành) xét duyệt đạt 82% so với số lượng ứng viên Hội đồng Giáo sư cơ sở đề xuất. Trong đó, 85 ứng viên bị loại và 11 ứng viên xin rút hồ sơ trước khi Hội đồng Giáo sư cơ sở trình danh sách lên Hội đồng Giáo sư ngành.

Năm nay, có 10/28 ngành “trắng” ứng viên giáo sư; 9/28 ngành chỉ có 1 ứng viên giáo sư. Đặc biệt, ngành Tâm lý chỉ có 1 ứng viên được Hội đồng Giáo sư cơ sở đề xuất lên Hội đồng Giáo sư ngành. Thế nhưng, sau khi xét duyệt, ứng viên này đã bị Hội đồng Giáo sư ngành loại.

Như vậy, năm nay, ngành Tâm lý học không có ứng viên đủ tiêu chuẩn xét công nhận chức danh giáo sư, phó giáo sư.

Ngoài ra, ngành Công nghệ Thông tin đang giữ kỷ lục khi có số ứng viên bị Hội đồng Giáo sư ngành loại nhiều nhất, loại hơn một nửa. Năm 2021, có thể coi là kỷ lục trong lịch sử xét công nhận giáo sư, phó giáo sư ngành Toán khi đứng đầu bảng về số lượng ứng viên bị loại ở vòng xét duyệt của Hội đồng Giáo sư ngành, chỉ 11/25 ứng viên đạt yêu cầu.

Điều kiện bài báo quốc tế

Việc giảm số lượng ứng viên nói chung khiến một số nhà khoa học băn khoăn. Hiện nay, quy định về tiêu chuẩn xét duyệt chức danh giáo sư, phó giáo sư yêu cầu phải có bài báo quốc tế. Đây là một trong những điều kiện tiên quyết đối với các ứng viên.

Mục đích của yêu cầu này nhằm đáp ứng trình độ theo chuẩn quốc tế, để nâng cao chất lượng đội ngũ và nâng tầm hoạt động nghiên cứu khoa học của Việt Nam. Và tiêu chuẩn này áp dụng đối với 26/28 ngành (trừ ngành Khoa học An ninh và ngành Khoa học Quân sự). Có không ít ý kiến cho rằng, yêu cầu này chưa thực tế, không thấy hết được tính đa dạng của các loại hình khoa học.

Các công trình nghiên cứu thuộc những lĩnh vực như An ninh, Quốc phòng, Khoa học Xã hội và Nhân văn trước hết phải phục vụ yêu cầu phát triển của đất nước.

Nếu chạy theo việc đăng bài trên các tạp chí thuộc danh mục ISI/SCOPUS thì chắc chắn các tác giả phải lấy yêu cầu của các tạp chí này là ưu tiên hàng đầu, chưa kể phần lớn các nhà khoa học trong nước thuộc lĩnh vực Khoa học Xã hội và Nhân văn đều nghiên cứu về Việt Nam.

Còn các tạp chí thuộc danh mục ISI/SCOPUS của các lĩnh vực này đều ở nước ngoài. Các nhà khoa học Việt Nam rất khó tìm được tạp chí phù hợp để công bố.

Tuyệt đối hóa, coi đây là chuẩn mực quốc tế duy nhất để đánh giá chất lượng công trình nghiên cứu của tất cả các ngành, các lĩnh vực là chưa thực sự phù hợp.

Việc này còn dẫn tới tình trạng có ứng viên tìm cách để có bài đăng trên tạp chí quốc tế, có ứng viên đã buộc lòng phải rút hồ sơ, không tiếp tục tham gia xét duyệt.

Cũng có ý kiến cho rằng không nên coi bài báo quốc tế là tiêu chuẩn cứng, chỉ nên khuyến khích và ghi nhận bằng cách được cộng thêm điểm. Chỉ nên dùng bài báo đăng trên các tạp chí trong nước có uy tín, có chất lượng làm tiêu chuẩn cứng.

Như vậy, sẽ tạo điều kiện cho nhiều người có cơ hội trở thành giáo sư, phó giáo sư và đúng với thực tế, không gây khó khăn cho các ứng viên các ngành Khoa học Xã hội và Nhân văn

Ha chuan anh 1

TS Doãn Minh Đăng không đồng tình với quan điểm “hạ chuẩn” xét công nhận giáo sư, phó giáo sư bằng cách bỏ tiêu chuẩn bài báo quốc tế. Ảnh: iStock.

Sao phải tốn tiền trả lương cho nhân sự làng nhàng?

TS Doãn Minh Đăng, đang làm việc tại Đức, cho biết những lĩnh vực chuyên ngành của nhóm ngành Khoa học Xã hội và nhân văn như Triết học, Tôn giáo, Lịch sử, Tâm lý học đều có tạp chí quốc tế uy tín.

Việc không đăng được bài nghiên cứu trên các tạp chí này là do năng lực của nhà khoa học, không có phạm trù giới hạn do địa lý, điều kiện kinh tế xã hội hay lịch sử văn hoá… còn những đề tài nghiên cứu mang tính chất nhạy cảm, nếu biết là khó công bố, vậy thì không nên làm nếu nhà nghiên cứu cần điểm bài báo.

Ông Đăng cũng cho rằng không cần phải chạy theo “số lượng” giáo sư, phó giáo sư.

“Thêm nhiều người thành giáo sư, phó giáo sư, Nhà nước được gì thêm không? Có lẽ chỉ tốn thêm tiền lương cho họ. Còn nếu họ ở viện, ở trường dù không có chức danh này, vẫn giảng dạy, nghiên cứu theo quy định. Do đó, Nhà nước cần đặt tiêu chí cao để chỉ trả thêm lương cho người có năng lực tốt, tại sao phải hạ chuẩn để tốn thêm lương cho nhân sự làng nhàng?”, TS Doãn Minh Đăng thẳng thắn nêu quan điểm.

Đấy là lý do TS Doãn Minh Đăng không đồng tình với quan điểm “hạ chuẩn” xét công nhận giáo sư, phó giáo sư bằng cách bỏ tiêu chuẩn bài báo khoa học đăng trên các tạp chí quốc tế.

“Chuẩn về bài báo quốc tế trong quy định xét công nhận chức danh giáo sư, phó giáo sư của Việt Nam vốn đã không cao, nếu hạ chuẩn lại thì coi như công sức mấy năm nay nâng chuẩn lại đổ sông đổ bể”, TS Đăng nhận xét.

TS Dương Tú, Trường ĐH Purdue (Mỹ) cho hay, một trong những nhiệm vụ của giáo sư, phó giáo sư là “rèn luyện đạo đức, tác phong khoa học, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ và định hướng nghiên cứu khoa học, công nghệ cho đồng nghiệp trong tổ, nhóm chuyên môn”.

Chuẩn giáo sư, phó giáo sư hiện nay của Việt Nam đã khá thấp so với khu vực và thế giới. Nếu hạ chuẩn thêm nữa, làm sao giáo sư, phó giáo sư của Việt Nam có thể hoàn thành nhiệm vụ?

TS Dương Tú thông tin thêm, hệ thống các trường ĐH của Mỹ không tuyển giảng viên chung chung như Việt Nam. Trường chỉ tuyển giáo sư, sau đó giáo sư tuyển PostDoc (sau tiến sĩ), nghiên cứu sinh để hỗ trợ họ giảng dạy.

Đồng thời chỉ tuyển giáo sư mới khi có giáo sư về hưu, hoặc họ có đủ tiền để tài trợ cho một nhóm nghiên cứu mới. Giáo sư mới được tuyển sẽ được trường cấp một khoản tài trợ ban đầu khá lớn để làm nghiên cứu trong vài năm đầu.

Sau đó, các giáo sư phải cạnh tranh tìm kiếm tiền tài trợ nghiên cứu từ bên ngoài, chủ yếu từ các quỹ của chính phủ, hoặc hợp tác với doanh nghiệp. Không phải ai được tuyển làm giáo sư cũng trở thành giáo sư. Nhiều người không tìm được tài trợ để nghiên cứu trong vài năm đầu tiên sẽ bị đào thải.

3 ứng viên sinh năm 1989 được đề nghị xét công nhận là phó giáo sư

Trong số 365 ứng viên được công bố trong danh sách ngày 17/10, 198 người sinh từ năm 1980 trở về sau.

https://tienphong.vn/co-nen-ha-chuan-xet-cong-nhan-chuc-danh-gs-pgs-post1480580.tpo

Nghiêm Huê / Tiền Phong

Bạn có thể quan tâm