Vào tháng 5, nam diễn viên Jesse Williams được đề cử giải Tony Award cho vai diễn trong vở kịch “Take Me Out”. Nhưng trớ trêu thay, thứ khiến anh nổi tiếng trên mạng xã hội sau đó lại là bức ảnh khỏa thân của anh trên sân khấu kịch, trong cảnh tắm cùng bạn diễn bị một khán giả ghi lén rồi phát tán.
“Lách luật” để ghi hình trái phép
Điều đáng nói là khi vào xem vở kịch, tất cả khán giả được yêu cầu cất điện thoại và các thiết bị điện tử vào trong một chiếc túi thông minh có tên là Yondr. Chiếc túi này sẽ chỉ có thể mở ra bằng thiết bị chuyên dụng khi khán giả rời khỏi rạp. Dù vậy, vẫn có khán giả "lách luật" và lén ghi hình trong khu vực biểu diễn.
Video khoả thân của Jesse Williams trong vở kịch Take Me Out của Broadway bị phát tán. Ảnh: Whatsonstage. |
Theo New York Times, điện thoại di động thường xuyên bị cấm sử dụng trong các buổi biểu diễn trực tiếp vì chúng dễ gây ảnh hưởng đến những người xung quanh như tiếng chuông reo, thông báo tin nhắn mới, cuộc gọi đột xuất. Không những thế, nhiều người còn lo ngại smartphone sẽ được sử dụng để ghi hình trái phép các sản phẩm nghệ thuật.
Song, với sự phát triển của công nghệ hiện đại, camera của smartphone cũng ngày càng tân tiến hơn. Điều này khiến các diễn viên và người nổi tiếng trở nên ngần ngại khi khỏa thân trên sân khấu vì sợ hình ảnh bị phát tán.
“10 năm trước, tôi sẽ không thể ngờ được có ngày mình sẽ phải hỏi các diễn viên rằng liệu họ có ổn nếu bị ghi hình hoặc chụp ảnh khỏa thân để đăng tải trên mạng xã hội hay không”, Lisa Goldberg, người đại diện cho các diễn viên ở Broadway, chia sẻ.
Túi "khóa" smartphone buộc khán giả cất điện thoại trong suốt quá trình xem kịch. Dù vậy, nhiều người vẫn có thể lách luật. Ảnh: Yondr. |
Những phân đoạn khỏa thân trên sân khấu đã xuất hiện hơn 50 năm, nhưng nguy cơ bị ghi lén chỉ mới nổi cộm trong khoảng thời gian gần đây. Audra McDonald, nữ diễn viên đã giành 6 giải Tony Awards danh giá, từng cho rằng có người đã chụp ảnh khỏa thân của cô trong vở “Frankie and Johnny in the Clair de Lune” hồi năm 2019.
“Việc này không hay ho tí nào”, nữ diễn viên chia sẻ trên trang Twitter của mình.
Cấm điện thoại thôi vẫn chưa đủ
Kate Shindle, Chủ tịch Hiệp hội Công bằng của Diễn viên (Actors’ Equity Association), cho rằng việc khán giả quay chụp trái phép là hành vi xâm phạm diễn viên và các tác phẩm nghệ thuật.
Người dùng phải cất điện thoại vào một túi khóa khi vào xem kịch tại Broadway. Ảnh: New York Times. |
Đồng tình với quan điểm này, Graham Dugoni, nhà sáng lập túi Yondr, khẳng định việc chụp hình khỏa thân của diễn viên trên sân khấu rồi phát tán trên mạng xã hội không hề mang thêm tính nghệ thuật cho buổi diễn, mà chỉ khiến cư dân mạng nổi tính tò mò và soi mói chuyện nhạy cảm của diễn viên.
Vì thế, ông đã chế tạo túi khóa Yondr sử dụng công nghệ khóa định vị giúp đảm bảo an toàn và bảo mật trong các sự kiện. Đến tháng 4 năm nay, hãng đã bán ra gần 1 triệu túi khóa, gấp 5 lần so với cùng kỳ năm 2019.
Tuy nhiên, theo New York Times, khán giả thường phớt lờ những cảnh báo và luật lệ tại các nhà hát. Hồi đầu tháng 5, một buổi diễn tại nhà hát Hollywood Bowl đã cấm người xem sử dụng điện thoại. Nhưng cuối cùng mạng xã hội lại xuất hiện một đoạn video ghi lại cảnh diễn viên hài Dave Chappelle bị khán giả tấn công bất ngờ khi đang biểu diễn trên sân khấu.
Trước đó, nhà hát Wilbur Theater cũng yêu cầu khán giả cất điện thoại vào túi Yondr và chỉ được sử dụng chúng ở một vài khu vực nhất định. Kết quả là một người đàn ông đã bị nhân viên thu lại điện thoại vì nhắn tin trong buổi diễn. Sau đó, những hình ảnh của vở diễn cũng bị rò rỉ ra ngoài.
Hàng loạt biện pháp khác được đề ra để giám sát việc sử dụng điện thoại trong rạp. Ảnh: Alamy. |
Trước khi smartphone ra đời, camera cũng là một trong những điều gây khó chịu tại các nhà hát. Khi đó, nếu diễn viên phát hiện máy ảnh bên trong rạp, họ sẽ ngừng diễn và gọi bảo vệ. “Tuy nhiên, điều này dường như bất khả thi ở rạp Broadway hiện nay vì môi trường quá tối để nhìn thấy điện thoại”, Margo Sappington, thành viên của vở “Oh! Calcutta!”, cho biết.
Trước Jesse Williams, diễn viên Daniel Sunjata cũng từng gặp phải tình cảnh trên khi diễn vở “Take Me Out” vào năm 2003. Dù khi đó mạng xã hội chưa phổ biến như Facebook hay Twitter hiện nay nhưng những hình ảnh khỏa thân của ông vẫn bị phát tán. Nam diễn viên đã vướng phải nhiều vấn đề sau sự cố trên, và phải liên hệ với luật sư để giải quyết.
Với Sunjata, điểm khác biệt lớn nhất giữa việc khỏa thân trước sân khấu kịch và bị chụp ảnh trần truồng nằm ở việc người xem dường như không thể hiểu rõ bối cảnh của sự kiện. “Họ không xem kịch mà chỉ đơn giản là xem một người đàn ông khỏa thân trên sân khấu”, ông nói.
Sau sự cố của Jesse Williams, nhà hát Second Stage cho biết họ sẽ sẽ lắp đặt camera hồng ngoại để theo dõi việc khán giả sử dụng camera trong suốt vở diễn. Camera này có khả năng quay toàn cảnh, xoay và phóng to, thu nhỏ, giúp các nhân viên an ninh dễ dàng phát hiện các khán giả quay phim trái phép trong rạp.
Thậm chí, ở những phân đoạn có chứa cảnh khỏa thân, nhân viên còn được điều động đứng gác lại cuối rạp để quan sát khán đài.