Steve Jobs được biết đến như nhà độc tài luôn đam mê sự hoàn hảo, khắt khe trong sản phẩm. Ông là sự pha trộn giữa những phẩm chất thiên tài và tính cách lập dị.
Nhiều người tự hỏi, Steve Jobs làm thế nào để khích lệ nhân viên làm việc chăm chỉ? Bằng cách gì ông có thể thuyết phục các đối tác và nhà đầu tư tin tưởng vào đường lối của Apple? Đó đều là những câu hỏi rất khó để trả lời. Steve có lượng người hâm mộ hùng hậu và không thiếu những người chỉ trích.
Một Steve rất khác qua lời kể của nhân viên Apple. |
“Tôi đã dành nhiều thời giờ suy nghĩ về vấn đề này”, Debi Coleman - người từng làm việc trong đội ngũ phát triển thế hệ Mac đầu tiên dưới thời Jobs chia sẻ. “Dù lật giở từng trang nhật ký, tôi vẫn không tài nào tìm ra câu trả lời chính xác”.
Phát biểu trong cuộc gặp mặt giữa những nữ nhân viên Apple đầu tiên làm việc cùng Steve Jobs, Coleman khẳng định rằng nếu thời gian quay trở lại, cô vẫn muốn làm theo những yêu cầu và áp lực về mặt sáng tạo mà “nhà độc tài” Steve đưa ra. Có chăng, Coleman mong muốn ông bớt “phi lý” trong cách điều hành.
Những nhân viên dưới thời Steve (từ phải sang): Andy Cunningham, Barbara Koalkin Barza, Susan Barnes, Debi Coleman và Joanna Hoffman. |
Nhưng trong bộ phim với nhất của đạo diễn Aaron Sorkin, giám đốc tiếp thị Joanna Hoffman (do Kate Winslet thủ vai) nói rằng: “Ông ấy (Steve) lúc đó còn trẻ. Chúng tôi cũng vậy. Và tất cả đều có những bất hợp lý nhất định.”
Coleman và các đồng nghiệp thừa nhận chính Steve Jobs là nguồn cảm hứng thổi hồn sáng tạo nơi mỗi người. Ông đóng vai trò hình mẫu để tất cả thấy rằng, bản thân không thể chỉ làm mỗi một việc cứng nhắc, thay vào đó phải đổi mới và sáng tạo. Những người gắn bó với thời kỳ thịnh vượng của Jobs thổ lộ họ học được cách đứng lên trước những chỉ trích của ông và không để mình sai.
Susan Barnes, người làm việc với Jobs tại Apple và NeXT nhấn mạnh rằng Jobs không chỉ đánh giá cao những người dám thách thức ông mà còn trọng dụng những ai có quan điểm khác ông, miễn là họ đúng.
Barnes nhớ lại Jobs từng nói với cô: “Điều tôi thích ở cô, Susan, là khi tôi nói phải làm cái này cái kia, thay vì nghe theo răm rắp, cô biết lựa chọn cái nào nên làm, cái nào không.” Susan mất 8 năm để học cách “sống chung” với Jobs.
Tất cả những nhân viên làm việc cùng Steve đều ca ngợi tài năng của ông. Giám đốc tiếp thị Apple Hoffman từng nói: “Tài năng của Steve là vô hạn. Dù những tranh cãi xung quanh có lớn tới đâu cũng không thể phủ nhận được sự thật này”.
Bộ phim về Steve Jobs vừa ra mắt công chúng, dù không thành công về mặt doanh thu nhưng phần nào khắc họa rõ nét hình ảnh một nhà lãnh đạo vĩ đại. Phim xoay quanh mối quan hệ giữa Steve với giám đốc marketing của Apple Joanna Hoffman, đồng sáng lập Apple Steve Wozniak, với cựu CEO Apple John Sculley và với người chị Lisa Brennan-Jobs.
Tác phẩm miêu tả hình ảnh Jobs như một người hay gây bất đồng ý kiến, cứng đầu, kiêu ngạo nhưng không kém phần dí dỏm, lôi cuốn. Ông thường rất vất vả để cân bằng giữa năng lực và thái độ ứng xử của mọi người.
Vị thuyền trưởng Apple luôn đưa ra yêu cầu rất khó cho nhân viên mỗi lần phác thảo sản phẩm mới. Nhưng trên hết, Steve luôn thành công trong việc khơi gợi niềm cảm hứng nơi mỗi người, để từ đó tất cả đều say mê, thỏa sức sáng tạo nên những thiết bị tuyệt vời.