Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

TL;DR

Có một Phi Nhung khác

Không chỉ là giọng ca vàng trong lĩnh vực tân nhạc, Phi Nhung để lại nhiều ấn tượng khi lấn sân sang sân khấu cải lương, nổi bật là vai Lan trong "Chuyện tình Lan và Điệp".

Phi Nhung qua doi anh 1

“Chiều về chầm chậm trong hiu quạnh

Trên cành bao tơ liễu kéo nhau chạy xuống hồ

Mây xám bay bay làm tôi thấy

Quanh tôi và tất cả một trời chít khăn xô

Sáng nay vô số lá vàng rơi

Người trinh nữ ấy đã xa lìa cõi đời”

Ca khúc Hồn trinh nữ vang lên ở cuối vở cải lương Chuyện tình Lan và Điệp của soạn giả Quế Chi khi Lan (Phi Nhung) trút hơi thở cuối cùng trên tay Điệp (Mạnh Quỳnh). Nữ ca sĩ lấy nước mắt khán giả khi thể hiện bi kịch của cô gái quê ôm trong người tình yêu đẹp.

Sau 21 năm kể từ ngày ghi hình vở cải lương kinh điển, “Lan” đã ra đi vĩnh viễn sau thời gian chống chọi với Covid-19. Phi Nhung trút hơi thở cuối cùng tại Bệnh viện Chợ Rẫy vào trưa 28/9, hưởng dương 52 tuổi. Cô để lại nhiều tiếc thương cho đồng nghiệp, khán giả yêu mến giọng ca trữ tình, sâu lắng.

Phi Nhung bắt đầu sự nghiệp bằng những ca khúc quê hương trữ tình. Nhưng là người mến mộ nữ ca sĩ, không ai có thể quên một Phi Nhung ghi dấu ấn ở sân khấu cải lương. Với chất giọng ngọt ngào, âm vực cao mà dân trong nghề gọi là giọng kim, pha chút chất thổ trầm, Phi Nhung để lại dấu ấn với giới mộ điệu qua những vai diễn chân chất, gặp nhiều bi kịch.

Phi Nhung và những vai diễn chân chất

Trước khi về Việt Nam hoạt động, Phi Nhung lấy lòng khán giả hải ngoại với vai diễn Đen trong tác phẩm hài Vợ thằng đậu. Cô đóng cùng Mạnh Quỳnh (Đậu) và Bảo Chung (cha chồng). Sau khi về nước, soạn giả Tô Thiên Kiều chuyển thể tiểu phẩm hài thành tác phẩm cải lương. Trong đó, vai Đen được “đo ni đóng giày” cho Phi Nhung, NSƯT Kim Tử Long vai Đậu, NSƯT Hoài Linh vai Đường (cha Đậu). Tác phẩm cũng có mặt cố danh hài Chí Tài.

Tác phẩm Vợ thằng Đậu kể về vợ chồng Đậu - Đen. Sau khi chán ngán tính hậu đậu của vợ, Đậu quyết định lên TP.HCM làm ăn, trở thành giám đốc nhà hàng. Thực tế, đây là tụ điểm mại dâm trá hình với tú bà (NSƯT Kim Phương đóng) và tay bảo kê Sáng (Khánh Tuấn) cầm đầu. Sáng chuyên dụ dỗ gái nhà lành, dẫn họ vào con đường phi pháp, nạn nhân ở đây là Lily (nghệ sĩ Trinh Trinh đóng). Đậu cũng là nạn nhân, sau khi bị lừa hết tiền, anh bị giam lỏng. Đen và cha chồng biết chuyện, lập kế hoạch giải cứu con trai, trong đó có sự giúp sức của Lily.

Phi Nhung là nhân vật trung tâm trong vở cải lương hài. Điều này khiến Phi Nhung gặp nhiều áp lực, khi bạn diễn của cô là những nghệ sĩ gạo cội của sân khấu miền Nam như Kim Tử Long, Kim Phương, Khánh Tuấn, Trinh Trinh, Hoài Linh…

Song, Phi Nhung đã làm được. Lần đầu diễn trọn vẹn một vở cải lương chuyên nghiệp trên sân khấu nước nhà, Phi Nhung chinh phục khán giả với lối hài duyên, mảng miếng tự nhiên bên cạnh Kim Tử Long, Hoài Linh.

Đầu tác phẩm, Phi Nhung thể hiện tính cách hời hợt khiến chồng, cha và hàng xóm cười chê. Trong phân đoạn đối thoại với NSƯT Hoài Linh, cô có màn “quăng miếng” gây cười với câu hát: “Nói chuyện cho vui chứ gây với tía làm gì, bộ tía là đàn bà hay sao?”. Cách vào bài bản tự nhiên, đi kèm lối ca hài mang lại tiếng cười cho khán giả.

Lúc đối thoại cùng Kim Tử Long, Phi Nhung kết hợp cải lương và nhạc trữ tình. Sau khi hát một đoạn trong Còn thương rau đắng mọc sau hè, cô tấu hài với nam nghệ sĩ thông qua bài bản vắn của đờn ca tài tử. Nữ ca sĩ mang lại tiếng cười khi đối đáp hài hước với Kim Tử Long.

Nửa phần sau, vở cải lương tập trung vào chuyển biến tâm lý của Đen. Sau khi gặp lại chồng, Đen phát hiện Đậu bị giam lỏng. Là ca sĩ lấn sân sang cải lương, cô gặp một số khó khăn, đôi lúc bị lơi nhịp khi hát bài bản vắn. Song, khi thể hiện vọng cổ, Phi Nhung lấy lòng khán giả với chất giọng ngọt ngào, thể hiện hình ảnh cô gái đậm chất miền Tây Nam Bộ với câu hát:

“Đậu ơi không có Đậu, Đen buồn nhiều lắm, Đen hổng về đâu hông bỏ Đậu nơi này

Tía nói chồng vợ thương nhau như bát nước đầy”.

Trong cải lương, vọng cổ được xem là bài bản vua. Việc xuống hò một cách tròn trịa, không đứt quãng đòi hỏi cột hơi dài, chắc nhịp. Cô dứt câu vọng cổ tròn trịa, không gượng ép và giữ hơi đến cuối câu hát. Điều này giúp Phi Nhung ghi điểm khi diễn trực tiếp vở cải lương Vợ thằng Đậu trên sân khấu. Hiện tại, nhắc đến Vợ thằng Đậu, không ai thay thế được Phi Nhung.

Trước đó, Phi Nhung đóng nhiều video cải lương. Cô được khán giả yêu mến qua những vai diễn như Mỹ Thường trong Hải âu phi xứ (chuyển thể từ tiểu thuyết Quỳnh Dao), Lượm trong Sông dài (tác giả Hà Triều - Hoa Phượng), Lan trong Chuyện tình Lan và Điệp (soạn giả Quế Chi)...

Đặc điểm chung trong những vở cải lương Phi Nhung từng tham gia là cô luôn đảm nhận vai hiền lành, chân chất, gặp bi kịch, đau khổ trong tình cảm.

Chuyện tình Lan và Điệp vốn là vở cải lương bất hủ. Vai Lan được thể hiện thành công qua nhiều thế hệ nghệ sĩ như NSƯT Thanh Kim Huệ, NSND Lệ Thủy, NSND Thanh Ngân... Song, phiên bản Phi Nhung - Mạnh Quỳnh vẫn để lại ấn tượng trong lòng khán giả. Giọng hát của Phi Nhung như tiếng lòng nấc nghẹn khi đối mặt bi kịch tiễn người yêu ăn học, nhưng cuối cùng người yêu lấy vợ, sau đó cô phải đi tu, qua đời trong bạo bệnh.

Dù ở phiên bản nào đi nữa, phân đoạn lấy nước mắt người xem là cảnh Lan sắp lìa đời vì bạo bệnh.

“Lá bàng ngoài kia cũng ngập ngừng rơi trong gió, như nỗi buồn xưa chồng chất giữa tim sầu

Mỗi giọt mưa là dòng lệ nghẹn ngào

Bến sông buồn nay vắng bóng đò đưa, vì khách sang sông không bao giờ trở lại

Mái tranh xưa chắc u buồn quạnh quẽ, vì người con gái tên Lan không về nữa bao giờ”.

Câu vọng cổ với lối gieo vần đậm chất thơ của soạn giả Quế Chi được thể hiện tròn trịa qua nét diễn của Phi Nhung. Cô chọn ca theo lối chân phương, không luyến láy, phù hợp với tâm lý và tình trạng sắp lìa đời của nhân vật Lan. Gặp lại Điệp trong hoàn cảnh gần đất xa trời, Lan với gương mặt nhợt nhạt qua tiếng hát nức nở của Phi Nhung đến giờ vẫn in đậm trong lòng người yêu cải lương.

Tay ngang

Ngoài những vai diễn chân chất, Phi Nhung từng thể hiện thành công hình ảnh Võ Tắc Thiên uy quyền trên sân khấu Vân Sơn. Trong phân đoạn dạy dỗ công chúa Thái Bình, Phi Nhung tạo dấu ấn với gương mặt sắc lạnh, toát ra sự uy nghiêm của người đứng đầu đất nước.

Đóng cải lương xã hội vốn đã khó, tác phẩm hồ quảng với sự kết hợp vũ đạo, bài bản hồ quảng, vọng cổ là thử thách lớn cho nữ ca sĩ. Nghệ sĩ Bình Tinh đóng vai Thái Bình, hỗ trợ Phi Nhung trong tác phẩm nói về vị vua tranh cãi trong lịch sử Trung Quốc.

Trong trích đoạn, Phi Nhung thể hiện sự dằn vặt của Võ Tắc Thiên, đau lòng khi bắt con gái xa chồng nhưng cứng rắn khi diệt trừ tai họa, giữ vững ngôi báu.

“Một người giữ san hà, một kẻ hại hoàng gia

Hãy hỏi khắp gần xa con và ta ai ích kỷ?”.

Phi Nhung thể hiện chính xác cảm xúc của Võ Tắc Thiên khi bị đặt trong tình trạng khó xử. Cô dứt khoát khi là vua một nước, nhưng nước mắt trực trào khi ở vai trò người mẹ.

Vai Võ Tắc Thiên đòi hỏi khả năng diễn xuất, vũ đạo kèm giọng hát có lực. Đây là vai diễn khó, chỉ vài nghệ sĩ như NSƯT Mỹ Châu, nghệ sĩ Phượng Liên, Tài Linh, NSƯT Thoại Mỹ dám thể hiện. Trong số những nghệ sĩ cải lương hiếm hoi thể hiện vai Võ Tắc Thiên, chỉ có Phi Nhung là “tay ngang”. Song, đây lại là phiên bản được khán giả biết đến nhiều nhất.

Trên sân khấu hải ngoại, Phi Nhung - Mạnh Quỳnh chinh phục khán giả với những bài tân cổ giao duyên như Hờn anh giận em, Lý chim quyên, Căn nhà màu tím, Phận gái thuyền quyên…

Điểm chung trong giọng hát của hai ngôi sao là đều có âm vực cao, làn hơi khỏe. Với Mạnh Quỳnh, làn hơi cao vút của nam ca sĩ làm khán giả nhớ đến cố NSƯT Minh Phụng. Trong khi đó, chất giọng “kim pha thổ”, cách xử lý bài vọng cổ của Phi Nhung đi theo trường phái NSND Lệ Thủy, chân phương và không đặt nặng vấn đề luyến láy. Điều đó tạo nên liên danh Phi Nhung - Mạnh Quỳnh ăn khách từ sân khấu hải ngoại đến trong nước suốt gần 30 năm qua.

Phi Nhung cũng để lại ấn tượng khi kết hợp cùng những giọng ca gạo cội. Tân cổ Con gái của mẹ, Kiếp cầm ca (cùng Phượng Liên), vở diễn Tấm lòng của biển (với NSND Lệ Thủy), gần đây là Đời cô Lựu (với TS - NSND Bạch Tuyết)...

Nhưng giờ đây, tất cả những gì về Phi Nhung chỉ còn là hoài niệm. Chất giọng cao vút, giọng ca ngọt ngào của một ngôi sao tài hoa chỉ còn được vang lên trên băng đĩa, Internet. Khán giả không có cơ hội gặp lại Lan đau khổ, Đen hời hợt qua nét diễn chân phương của Phi Nhung.

Hai mươi năm trước, Phi Nhung diễn tả bi kịch “xác bướm cành lan vùi chôn nơi đáy mộ, người con gái tên Lan không về nữa bao giờ”. Giờ đây, sau thời gian chống chọi Covid-19, từng có lúc khỏe lại (theo lời người nhà), đến cuối cùng cô đã không chiến thắng. Tuy “người con gái tên Nhung không còn nữa bao giờ”, tiếng hát và những tác phẩm nghệ thuật của cô vẫn sống mãi trong lòng người hâm mộ.

Vĩnh biệt Phi Nhung, nàng Lan bạc mệnh của khán giả yêu mến bộ môn cải lương.

Ca khúc gắn liền giọng hát Phi Nhung Phi Nhung là giọng hát vang danh của thể loại trữ tình, dân ca qua các sản phẩm tiêu biểu "Bông điên điển", "Nhớ mẹ lý mồ côi" hay "Trách ai vô tình".

Nguyên liệu mới trong phim về giới siêu giàu

Không còn đơn thuần là những bộ phim nói về âm mưu tranh giành quyền lực, phim về giới nhà giàu Hàn Quốc hiện nay có thêm nguyên liệu mới, đó là yếu tố giật gân, bí ẩn.


'Phi Nhung cứ vào phòng thu là khóc'

Ca sĩ Hồng Nhung nhớ lần cuối gặp Phi Nhung là tại một show diễn ở Mỹ. Ấn tượng của nữ ca sĩ về đàn chị là người phụ nữ tươi tắn, thân thiện và nhiệt tình.

Chuyện chưa kể về Phi Nhung

Giọng ca "Bông điên điển" ra đi để lại niềm thương tiếc với mọi người. Cô mất sau thời gian điều trị Covid-19.

Người thân, đồng nghiệp dự lễ tưởng nhớ Phi Nhung

Lễ cầu siêu, tưởng nhớ ca sĩ Phi Nhung được tổ chức trực tuyến, dưới sự chủ trì của thầy Thích Nhật Từ.

Phi Nhung không kịp thực hiện lời hứa với con gái

Sau hơn một tháng điều trị Covid-19, Phi Nhung trút hơi thở cuối cùng tại Bệnh viện Chợ Rẫy vào trưa 28/9. Nữ ca sĩ không kịp thực hiện lời hứa quay lại Mỹ gặp con gái Wendy.

Ca sĩ Phi Nhung qua đời

Đại diện gia đình cho biết nữ ca sĩ trút hơi thở cuối cùng vào trưa 28/9 tại Bệnh viện Chợ Rẫy. Phi Nhung nhập viện điều trị Covid-19 từ ngày 19/8.

Trọng Huy

Bạn có thể quan tâm