Khép lại đầy cảm xúc, ASIAD 2018 trở thành một trong những kỳ Á vận hội đáng nhớ nhất của Đoàn Thể thao Việt Nam từ trước đến nay, không chỉ bởi những thành tích xuất sắc của các vận động viên mà còn đến từ sự cổ vũ hết mình, niềm tin yêu, ủng hộ vô điều kiện của người hâm mộ.
ASIAD 2018 với cổ động viên Việt là những tấm huy chương danh giá trong các bộ môn rowing, bơi lội, pencat silat… và là hành trình mang đại kỳ 150 m2 của người hâm mộ Việt, do nhãn hàng nước tăng lực Sting tài trợ, vượt hàng nghìn cây số đến Indonesia để cổ vũ cho Đoàn Thể thao Việt Nam tự tin thi đấu, giành kết quả tốt nhất.
Giữa tháng 8, Đoàn Thể thao Việt Nam xuất quân tham dự ASIAD 2018 với lòng quyết tâm mang về vinh quang cho Tổ quốc. Số lượng thành viên tham gia Á vận hội lần này đông nhất từ trước đến nay - 523 thành viên. Trong đó có 1 trưởng đoàn, 2 phó trưởng đoàn, 20 cán bộ, 12 bác sĩ, 25 lãnh đội, 24 chuyên gia, 81 huấn luyện viên, 6 phiên dịch và 352 vận động viên (177 nữ, 175 nam). Tham dự 32 môn và phân môn thi đấu tại ASIAD 2018, đoàn đề ra mục tiêu giành 3 huy chương vàng - con số tưởng chừng khiêm tốn nhưng lại phản ánh độ khó của sân chơi mang tầm châu lục với sự tham dự của 45 quốc gia.
Tiếp đó, hai tuần cuối tháng 8 là hai tuần sục sôi tinh thần thi đấu vì màu cờ sắc áo của toàn thể vận động viên Việt Nam. Dù tham gia môn thi nào, ở nội dung cá nhân hay đồng đội, tất cả đều chung một lòng quyết tâm mang những tấm huy chương danh giá của sân chơi thể thao lớn nhất châu Á về với dải đất hình chữ S bên bờ biển Đông.
Hai tuần cuối tháng 8 cũng là hai tuần những thành viên còn lại của Đoàn Thể thao Việt Nam, dù không trực tiếp thi đấu, đã hoạt động hết tốc lực trên nước bạn Indonesia. Đó là những ngày cả đoàn di chuyển giữa 2 thành phố đăng cai tổ chức là thủ đô Jakarta và thành phố Palembang để đảm bảo các vận động viên Việt Nam ở tất cả môn thi được hỗ trợ tốt nhất về khâu tổ chức, y tế…
Đáp lại sự nỗ lực không ngừng nghỉ trong suốt hai tuần lễ của hơn 500 thành viên, Đoàn Thể thao Việt Nam đã hoàn thành mục tiêu huy chương đề ra ban đầu ở ASIAD 2018. Kết thúc kỳ Á vận hội, Việt Nam xếp thứ 17 trên tổng số 37 đoàn có huy chương khi giành được 4 huy chương vàng, 16 huy chương bạc và 18 huy chương đồng.
Dù bỏ lỡ huy chương ở một vài bộ môn được kỳ vọng, ASIAD 2018 vẫn để lại cho tất cả vận động viên Việt Nam nhiều kỷ niệm đáng nhớ. Đó có thể là vinh quang khi bước lên bục nhận chiếc huy chương danh giá, hay sự tiếc nuối khi vuột mất cơ hội ghi tên mình lên bảng tổng sắp huy chương của giải đấu thể thao lớn nhất châu lục. Nhưng khó quên nhất có lẽ là trong những khoảnh khắc thi đấu quan trọng nhất, các vận động viên nhìn thấy lá cờ đỏ sao vàng hiện diện trên khán đài, thay cho sự có mặt của hàng chục triệu cổ động viên Việt không thể trực tiếp đến sân cổ vũ.
Để có được kết quả tốt trên đấu trường châu lục, không nhiều người biết đến lịch tập luyện dày đặc của các vận động viên Việt. Đó là những ngày tháng huấn luyện tập trung, tạm biệt mái ấm gia đình để “ăn cơm tuyển”. Đó còn là những chấn thương bất ngờ ập đến không chừa một ai, bởi như vận động viên thể dục dụng cụ Lê Thanh Tùng từng nói: “Là vận động viên, gặp chấn thương nặng là điều rất bình thường”.
Các vận động viên phải chấp nhận chúng như những điều tất yếu, đánh đổi những giây phút quý giá đoàn tụ bên gia đình để theo đuổi môn thể thao mình yêu thích. Họ đánh đổi những năm tháng tuổi trẻ để vùi mình vào tập luyện, gia tăng thành tích tính đến từng giây lẻ, nỗ lực vượt qua bản thân mỗi ngày với khát khao mang về vinh quang cho Tổ quốc.
Thế nhưng, tất cả nỗ lực, khát khao, tất cả mồ hôi, máu và nước mắt của các vận động viên sẽ khó có thể tạo nên kỳ tích nếu thiếu sự cổ vũ hết mình từ người hâm mộ. Chỉ một tiếng hô “Việt Nam vô địch”, chỉ một sắc cờ đỏ sao vàng phấp phới phía trên khán đài cũng đủ tiếp thêm sức mạnh vô song để các vận động viên vượt qua những tình thế ngặt nghèo nhất, hoàn thành xuất sắc phần thi của mình.
Chẳng thế mà, đoàn cổ động viên Việt và nhãn hàng nước tăng lực Sting đã kỳ công mang theo lá cờ Tổ quốc khổng lồ vượt hàng nghìn cây số đến Jakarta và Palembang để cổ vũ cho tinh thần của các vận động viên Việt Nam. Đại diện cho hàng triệu cổ động viên không thể trực tiếp đến Indonesia, đại kỳ mang theo tâm huyết, sự nhiệt thành và niềm tin yêu mà các cổ động viên dành cho Đoàn Thể thao Việt Nam. Để rồi lá quốc kỳ đặc biệt ấy hiện diện đầy tự hào trên khắp các khán đài có sự tham gia thi đấu của vận động viên Việt Nam, trở thành nguồn động lực to lớn góp phần tạo nên bảng thành tích tốt của đoàn tại ASIAD 18.
Đó là tinh thần cổ vũ của cổ động viên Việt trên nước bạn Indonesia, còn tại quê nhà, chúng ta có thể dễ dàng nhìn thấy những lá cờ đỏ sao vàng tung bay khắp phố mỗi khi Olympic Việt Nam thi đấu. Dù những trận đấu diễn ra ở địa điểm cách Việt Nam hàng nghìn cây số nhưng các sân vận động trong nước đều kín chỗ từ vài tiếng trước khi đội tuyển bóng đá nam vào trận.
Hàng triệu con tim, khối óc Việt như hòa cùng nhịp đập với từng đường bóng, từng khoảnh khắc ghi bàn của Olympic Việt Nam. Đó là những khóc cười, những hân hoan của chiến thắng, những tiếc nuối khi cơ hội tưởng chừng nằm trong tầm tay lại vuột mất vào phút chót.
Nhưng sau tất cả, những cổ động viên Việt vẫn dành trọn vẹn tình yêu, sự trân trọng đối với các vận động viên mang chuông đi đánh xứ người. Bởi hơn ai hết, các cổ động viên hiểu rằng, phía sau những thành công hay tiếc nuối đó, là cả một quá trình tập luyện, cố gắng không ngừng nghỉ của không phải mỗi cá nhân vận động viên, mà là công sức của cả tập thể ban huấn luyện trong suốt thời gian dài. Để có những giờ phút thi đấu thăng hoa ấy, các vận động viên phải bỏ ra hàng chục nghìn giờ tập luyện, đổ mồ hôi, nước mắt và thậm chí cả máu trên sàn tập.
Sự thấu hiểu, cảm thông và tin tưởng từ cổ động viên, chính là bàn tay vô hình trên vai các vận động viên, để họ không ngủ quên trên chiến thắng, hay buồn bã gặm nhấm thất bại, để họ lại tiếp tục hành trình cống hiến cho thể thao và người hâm mộ nước nhà những kỳ tích tự hào. Chẳng thế mà trong môn thể thao vua, người ta thường ví cổ động viên với cầu thủ thứ 12 trên sân. Bởi tuy không trực tiếp ghi bàn, không trực tiếp tham gia trận đấu, nhưng “cầu thủ thứ 12” ấy lại chính là nguồn động viên tinh thần to lớn để toàn đội bóng tiến lên phía trước, mang về vinh quang cho Tổ quốc và dân tộc.