Hàn Quốc vô cùng nghiêm khắc trong vấn đề nghĩa vụ quân sự. Thời gian tham gia nghĩa vụ của họ cũng dài thứ 4 thế giới, chỉ sau Israel, Singapore và người anh em Bắc Triều Tiên.
Hy vọng ngoại lệ nghĩa vụ quân sự cho Son Heung Min chỉ vì anh ta đang chơi ấn tượng tại Premier League là quá ngây thơ. Theo pháp luật Hàn Quốc, miễn nhập ngũ chỉ áp dụng với một số trường hợp hãn hữu và có thành tích đặc biệt.
Như nào gọi là “thành tích đặc biệt”? Điều luật ban hành năm 1981 và sửa đổi vào các năm 1984, 1990 nói rằng, nó chỉ được áp dụng với vận động viên giành huy chương ở Olympic hoặc xếp hạng cao nhất trong một cuộc thi quốc tế với tối thiểu 15 nước tham gia.
Son Heung Min không phải đối tượng được miễn giảm. |
Quy định được sửa đổi một lần nữa vào năm 2002, sau sự kiện ĐT Hàn Quốc vào bán kết World Cup. Chỉ cần vào vòng knock-out ngày hội bóng đá lớn nhất hành tinh, cả đội sẽ được miễn đi quân sự. Tuy nhiên, những tranh cãi lại nổ ra và kể từ năm 2008, ưu tiên này bị loại bỏ. Muốn được miễn, phải có huy chương Olympic hoặc về nhất tại Asian Games (nhưng vẫn phải trải qua khóa huấn luyện 4 tuần).
Chủ đề cấm kỵ
Trong nhiều năm, nghĩa vụ quân sự là chủ đề nhạy cảm - thậm chí là cấm kỵ - trong bóng đá. Kim Bo Kyung, người từng chơi cho Cardiff và Wigan, trong cuộc phỏng vấn của WorldSoccer năm 2013, khi được hỏi về sự nới lỏng nghĩa vụ quân sự để phát triển bóng đá, đã từ chối trả lời và nhanh chóng kết thúc cuộc trao đổi. Là một cầu thủ, họ dĩ nhiên không muốn sự nghiệp bị gián đoạn. Tuy nhiên, nói ra điều đó, sẽ bị quy chụp là thiếu tinh thần yêu nước và vô trách nhiệm với quốc gia.
Trên thực tế, cũng có một vài người trốn thoát khỏi nghĩa vụ quân sự. Seol Ki Hyeon, cựu cầu thủ Fulham, từng bị loại trừ vì hình xăm trên cơ thể. Pháp luật Hàn Quốc cho rằng những người xăm mình không phù hợp vì “tạo ra sự ghê tởm cho đồng đội”. Nhưng đừng nghĩ rằng có thể lợi dụng kẽ hở này vì hiện tại, xăm kín người vẫn bị triệu tập.
Rất khó để Son Heung Min thoát nghĩa vụ quân sự. |
Park Chu Young, một cựu Pháo thủ, lại nghĩ ra cách khác. Khi còn chơi bóng tại Monaco, bằng cách nào đó anh ta kiếm được thị thực trong 10 năm, cho phép hoãn nghĩa vụ quân sự tới năm 37 tuổi (kẽ hở này cũng đã bị loại trừ bởi các điều luật sửa đổi).
Hành động lách luật của Park tạo nên làn sóng phản đối dữ dội và anh ta đã bị người hâm mộ trong nước ghẻ lạnh một thời gian dài. Khi tất cả buộc phải đi theo một hướng, kẻ di chuyển ngược lại đương nhiên bị tẩy chay.
Chơi bán thời gian
Vậy, làm thế nào để cứu rỗi sự nghiệp của Son Heung Min, vào thời điểm thăng hoa nhất? Giải pháp duy nhất là... tham gia nghĩa vụ quân sự.
Chơi cho Sangju Sangmu là giải pháp duy nhất cho Son. |
Không có gì đùa cợt ở đây cả. Sau khi khoác lên mình chiếc áo lính, Son vẫn có thể chơi bóng bằng việc gia nhập Sangju Sangmu dưới hình thức cho mượn từ Tottenham. Đây là đội bóng thuộc Lực lượng vũ trang Hàn Quốc, được thành lập năm 1984 với thành phần là những người lính nghĩa vụ.
Tin vui cho Son là Sangju Sangmu vừa chiến thắng ở K League Challenge (hạng 2) và được thăng lên K League Classic. Có nghĩa là, ngôi sao của Tottenham vẫn sẽ được chơi bóng đá chuyên nghiệp, tranh tài với những cầu thủ và CLB hàng đầu xứ Hàn.
Chỉ có một hạn chế, ngoài thời gian chơi bóng, các cầu thủ của Sangju Sangmu vẫn phải trải qua thời gian huấn luyện nghiêm ngặt. Họ giống như cầu thủ bán thời gian và không thể tránh khỏi giảm sút phong độ. Lee Keun Ho (từng được PSG để ý) đã bị biến thành cầu thủ tầm thường sau khi đi nghĩa vụ và chơi ở Sangju Sangmu.
Mặc dù vậy, có vẫn còn hơn không. Ít ra Son vẫn có thể ra sân, duy trì cảm giác bóng và nuôi hy vọng một ngày trở lại đỉnh cao.
Nhiều cầu thủ trên thế giới cũng phải đau đầu vì nghĩa vụ quân sự. Per Mertesacker thoát đi lính nhờ quá cao, Nemanja Vidic ở trại huấn luyện quân đội 2 ngày trước khi nhận được giấy miễn trừ, Yossi Benayoun và Mohamed Salah đều suýt mặc áo lính nhưng cuối cùng, hưởng đặc ân từ chính sách linh hoạt của chính phủ Israel và Ai Cập.