BÌNH LUẬN
“Đôi lúc bạn chạy nhưng không nhận được bóng, có lẽ chúng tôi đã có thể phối hợp tốt hơn”. Có thể nào một câu nói xem ra vô hại này sẽ làm chệch bánh chiến dịch của đội bóng đang được đánh giá là ứng viên số 1 cho danh hiệu vô địch Euro 2020?
Tính trẻ con của Mbappe
Có lẽ Olivier Giroud không nhấn mạnh đến ai hoặc điều gì khi nói câu này sau trận giao hữu Pháp thắng Bulgaria 3-0. Nhưng đồng đội Kylian Mbappe quá nhạy cảm khi dịch câu nói của người đồng đội ra thành ý rằng Giroud đang chỉ trích Mbappe chơi quá cá nhân và không chịu chuyền bóng.
Mbappe tổ chức một buổi họp báo để phản ứng, hoặc có thể nói nhẹ hơn là phân trần về việc này. Đầu tiên, anh thừa nhận “bị ảnh hưởng” của câu nói của Giroud. Rồi Mbappe nhận xét rằng nếu Giroud có vấn đề gì thì hãy đến gặp mình nói chứ không nên công khai như vậy.
Cái cách Mbappe họp báo để phân trần đã là không thích đáng rồi. Đội bóng phải có kỷ luật, không phải ai cũng muốn phát ngôn, phát ngôn gì, với ai, về việc gì cũng được. Thứ hai, Mbappe đang cho thấy mình rất trẻ con, kiểu hờn dỗi và làm trò hề.
Thứ ba, Mbappe mất đi tính khiêm tốn, coi mình là ngôi sao (muốn nói gì thì hãy đến gặp tôi - PV), không coi anh lớn trong đội bóng ra gì. Thứ tư, có thể Mbappe có một nỗi lo sợ bị mất vị trí chính thức khi Karim Benzema trở lại và Giroud tiếp tục có các bàn thắng cho tuyển Pháp. Giroud đã ghi 46 bàn, kém kỷ lục của Thierry Henry có 5 bàn.
Mbappe đang có một số vấn đề với Giroud. Ảnh: Reuters. |
Trong trận gặp Bulgaria, Giroud thay Benzema ở phút 41 và chơi trên hàng công cùng Mbappe đến phút 84, khi Mbappe được rút ra nghỉ. Trong ngần đó thời gian, Mbappe chuyền bóng cho Giroud 3 lần.
19 lần nỗ lực tấn công, thực hiện chạy vào chỗ tốt của Giroud bị lờ đi, với thủ phạm chính là Mbappe và Ousmane Dembele. Giroud ghi 2 bàn nhờ các đường căng ngang từ Benjamin Pavard và Wissam Ben Yedder.
Lúc Antoine Griezmann ghi bàn ở hiệp 1, Mbappe vui mừng với cầu thủ Barca này. Khi Giroud ghi bàn 2-0 ở phút 83, Mbappe quay lưng, đi bộ về phía vòng tròn giữa sân chứ không tới chúc mừng Giroud.
Bàn thắng 3-0 được ghi ở phút 90, khi Mbappe đã ra nghỉ. Giroud từ trước đến nay có tiếng không phải là cầu thủ ích kỷ. Phản ứng ban đầu ở nước Pháp là ít dễ chịu với Mbappe.
Tiền sử xung đột của Pháp
Didier Deschamps là con người chiến thắng, bởi ông biết giữ hòa khí cho một tập thể rất nhiều cái tôi lớn như Pháp, đội được xem là thành công nhất thế giới trong 25 năm trở lại đây. Đó là khi ông làm thủ quân của đội Pháp vô địch World Cup 1998 và Euro 2000 cũng như lúc trở thành HLV của "Les Bleus" vô địch World Cup 2018.
Tại World Cup 2002, đội Pháp vẫn nòng cốt là những người hùng thống trị châu Âu và thế giới, đã bị loại ngay tại vòng bảng, không ghi nổi lấy một bàn thắng. Đến Euro 2004, họ ra về ở tứ kết sau thất bại bất ngờ trước Hy Lạp.
Ở World Cup 2006, Pháp vào đến trận chung kết nhờ việc các trụ cột như Zinedine Zidane soán ngôi HLV Raymond Domenech, quyết định chiến thuật và nhân sự thi đấu. Euro 2008 và World Cup 2010, đội tuyển áo lam ra về ngay ở vòng bảng, chỉ kiếm được 1 điểm.
Tất cả đội bóng đều có lúc thăng lúc trầm. Hà Lan không được dự 2 giải lớn gần đây. Italy không giành vé dự World Cup 2018. Đức bị loại ở vòng bảng World Cup 2018. Nhưng với Pháp, khoảng cách giữa “sáng lóa” và “tệ hại” quá xa, lúc tệ thì quá tệ. Và những lúc đó, chuyện nội bộ của họ không yên ổn chút nào.
Tại World Cup 2010, ông Domenech đuổi tiền đạo Nicolas Anelka khỏi đội tuyển, các cầu thủ đã bãi công không tập để phản đối HLV. Xử lý bài toán sắc tộc trong đội Pháp không dễ, nó khó hơn so với ở đội Anh, Đức hay bất kỳ đội châu Âu nào. Chỉ có kỳ Euro 2012 và World Cup 2014, Pháp ra về khá lặng lẽ, không có những xung đột.
Tất cả đang chờ Giroud và Mbappe sẽ phối hợp với nhau thế nào ở trận gặp Đức. Ảnh: Reuters. |
Deschamps cần phải nhanh ra tay
Pháp ở chung bảng đấu gọi là “bảng tử thần” với Đức, Bồ Đào Nha và Hungary. Gọi là “tử thần” nhưng căn cứ vào việc đội thứ ba cũng có cơ hội lọt vào vòng knock-out nên cũng không quá khó thở với các đội bóng lớn.
Tại Euro 2016, Bồ Đào Nha hòa cả 3 trận vòng bảng, được 3 điểm, xếp thứ 3 bảng đấu, vẫn được lọt vào vòng sau. Sau đó, họ thi đấu nhọc nhằn với 3 trong 4 trận knock-out phải trải qua 120 phút để giành cúp vô địch.
Nhưng Pháp cần phải khởi đầu giải đấu thật nhanh để không lỡ chuyến tàu. Họ khá ì ạch khi bước và các giải đấu trước.
Tại Euro 2016, phải đến phút cuối Dmitri Payet mới ghi bàn ấn định chiến thắng 2-1 trước Romania. Đến World Cup 2018, phải nhờ bàn phản lưới nhà ở cuối trận của cầu thủ Australia, họ mới có chiến thắng 2-1 trận đầu ra quân.
Lần này, không phải Romania hay Australia, họ mở màn giải đấu với Đức. Deschamps cần nhanh chóng vãn hồi hòa bình trong nội bộ đội tuyển.
Không nghi ngờ gì về tài năng của Mbappe. Anh là người thừa kế đích thực cho Lionel Messi và Cristiano Ronaldo trong tương lai ở các danh hiệu và sự hâm mộ của các CĐV.
Nhưng Mbappe hiện tại đã khác một Mbappe cách đây 3 năm ở Nga. Anh trở nên ích kỷ hơn ở trên sân bóng.
Số liệu cho thấy, mùa bóng 2017/18 cho PSG, Mbappe ghi trung bình 0,56 bàn và kiến tạo 0,39 bàn trong 90 phút. Mùa 2020/21, anh ghi trung bình 1,02 bàn và kiến tạo 0,26 bàn trong 90 phút.
Tức là Mbappe ít kiến tạo và tập trung ghi bàn nhiều hơn. Sự ích kỷ này cũng là tích cực, tiền đạo đôi khi cần phải như vậy.
Nhưng sự ích kỷ trên sân không nên trở thành sự ích kỷ bên ngoài sân, tự cho phép mình là ngôi sao, đứng trên người khác, chỉ trích và phán xét đồng đội. Chính lối chơi vị tha của Giroud và chiến thuật của Deschamps dùng Giroud làm tường, làm trục xoay cho các đợt tấn công đã phát huy lối chơi dùng tốc độ lẻn ra phía sau hàng thủ của Mbappe và Griezmann đạt hiệu suất cao.
Mbappe nhờ vậy mà nhanh chóng hòa nhập với đội tuyển Pháp và trở thành nhân vật quan trọng. Mbappe cần phải phối hợp với Giroud nhiều hơn mới có bóng để ghi bàn.
Mbappe trên hết vẫn là một chàng trai ngoan, chịu khó lắng nghe Deschamps bỏ bớt tính khí trẻ con, trưởng thành hơn, anh sẽ là ngôi sao của giải đấu với đội Pháp.