Hai nhà thiên văn học Tom Westby và Christopher Conselice tại Đại học Nottingham (Anh) đã công bố kết quả ước tính số nền văn minh bên ngoài Trái Đất trên Tạp chí Vật lý thiên văn xuất bản ngày 15/6.
Các nhà khoa học luôn muốn gửi thông điệp từ Trái Đất ra ngoài vũ trụ. Ảnh: Getty Images. |
Bằng việc sửa đổi phương trình Drake – công thức tính số nền văn minh ngoài vũ trụ được nhà thiên văn học Frank Drake đề xuất năm 1962, Westby và Conselice đã đưa ra con số ước tính cụ thể.
Phương trình Drake phụ thuộc vào nhiều yếu tố như tần suất các ngôi sao có trong Hệ Mặt trời, số ngôi sao quay quanh các hành tinh và tần suất sự sống phát triển và tiến bộ để chúng ta phát hiện ra chúng.
Nhưng về cơ bản, phương trình Drake không thể giải quyết vì chứa một biến số lớn liên quan đến thời gian trung bình phát hiện một nền văn minh bên ngoài Trái Đất.
“Phương pháp cổ điển ước tính số nền văn minh ngoài hành tinh phụ thuộc vào việc dự đoán các giá trị liên quan đến sự sống. Nghiên cứu mới của chúng tôi giúp đơn giản hóa công thức Drake này thông qua việc sử dụng số liệu mới, từ đó ước tính chính xác số nền văn minh có trong Thiên hà”, Westby cho biết qua thông cáo báo chí.
Westby và Conselice đã tiến hành chỉnh sửa phương trình Drake theo một hướng đi khác để tìm nền văn minh “Giao tiếp sự sống ngoài Trái Đất” (Communicating Extra-Terrestrial Intelligent – CETI).
Họ đã đặt ra giả thuyết rằng sự sống trên một hành tinh khác có thể sinh sôi và phát triển theo cách tương tự Trái Đất. Nhờ đó, giả thuyết này dẫn đến ý tưởng một hành tinh phải tồn tại hơn 5 tỷ năm và có các ngôi sao xoay quanh thì mới phát triển sự sống tiến bộ.
Bộ đôi nhà thiên văn học đã đề ra ba giới hạn khác nhau cho các “hành tinh thích hợp” để sinh sôi sự sống, từ yếu, trung bình đến mạnh với nhiều khung thời gian khác nhau.
Cấp độ yếu nhất cho phép dự đoán khung thời gian trong hơn 5 tỷ năm. Mặt khác, cấp độ mạnh nhất chỉ cho phép tìm kiếm sự sống trong khoảng từ 4,5 đến 5,5 tỷ năm.
Bức ảnh "xương người" trên Hỏa tinh dậy sóng thời gian gần đây. Ảnh: NASA. |
Sau khi cho các giới hạn thời gian vừa tìm được vào công thức mới, bộ đôi nhà thiên văn đặt tên nó là phương trình CETI. Từ đây, họ dự đoán có tối thiểu 8 nền văn minh trong Dải Ngân hà.
Ước tính này gần đúng với con số 10 nền văn minh mà nhà thiên văn học lừng danh Carl Sagan đưa ra khi thảo luận về phương trình Drake trong một chương trình khoa học vào những năm 1980.
Có một nhược điểm tồn tại là các thế giới đó cách xa chúng ta ít nhất 7.000 năm ánh sáng.
Nhưng bù lại, việc sử dụng các giới hạn yếu đã giúp bộ đôi nhà thiên văn tin rằng có thể có đến 2.900 sự sống ngoài Trái Đất và cơ hội tìm ra chúng là rất cao.
“Tính toán này đã cho thấy độ đa dạng của sự sống ngoài hành tinh mà lâu nay chúng ta tìm kiếm”, nhà thiên văn học Daniel Price tại Đại học Swinburne (Úc) không tham gia nghiên cứu cho biết.
Thực chất, việc tìm kiếm sự sống ngoài hành tinh như một trò chơi trốn tìm, loài người chỉ đứng yên và hét lên: “Sẵn sàng chưa, tôi đến đây”. Nếu thắng cuộc và tìm thấy người ngoài hành tinh, nền văn minh của chúng ta sẽ cần kéo dài hơn để khám phá hết những bí ẩn về sự sống.
Nhưng nếu ngược lại khi không tìm thấy bất kỳ dấu hiện sống nào ngoài Trái Đất, đó sẽ là điềm báo xấu cho sự tồn tại lâu đời của chúng ta.
Mặc dù đã tìm ra phương thức mới để giải đáp câu hỏi này, quá trình tìm kiếm sự sống ngoài Trái Đất vẫn cần dựa trên nhiều giả thuyết. Các tác giả nêu rõ nhân loại chính là điểm dữ liệu duy nhất mà họ có thể dựa vào.
Việc lấy chính bản thân làm nền tảng cho sự sống khác trong vũ trụ có thể là một thiếu sót bởi chúng ta thực sự không biết được liệu có tồn tại các nền văn minh tiến bộ ngoài kia hay không.
Tuy nhiên, cũng như phương trình Drake, CETI đưa ra một khuôn khổ chung cho việc tìm kiếm khả năng tồn tại của người ngoài hành tinh.
“Bằng cách tìm kiếm sự sống ngoài Trái Đất – ngay cả khi không tìm thấy gì, chúng tôi đã và đang đang khám phá tương lai của chính mình”, Conselice tuyên bố.