Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Cơ hội tiềm ẩn khi Myanmar mở cửa

Việc Myanmar mở cửa có là một cơ hội kinh doanh cho doanh nghiệp Việt Nam, hay là một mối đe dọa? Câu trả lời có thể là cả hai.

Cơ hội tiềm ẩn khi Myanmar mở cửa

Việc Myanmar mở cửa có là một cơ hội kinh doanh cho doanh nghiệp Việt Nam, hay là một mối đe dọa? Câu trả lời có thể là cả hai.

Tự các con số đã nói lên tất cả. Myanmar là một đất nước với khoảng 61 triệu dân và chỉ riêng thành phố Yangon đã có 4,5 triệu dân. Đất nước này rất giàu về tài nguyên thiên nhiên. Sau khi gần như là “bế quan tỏa cảng” kể từ thập niên 1960, bây giờ Myanmar quyết định tăng tốc để bắt kịp các nước Đông Nam Á. Và khá giống với hoàn cảnh của Việt Nam vào cuối thập niên 1980, quyết định cải cách đã được các nhà làm chính sách Myanmar đưa ra để thu hút đầu tư nước ngoài. Các bộ luật đã được thông qua để tạo điều kiện cho điều này. Các chuyến bay đến Yangon giờ đã chở đầy các doanh nhân đi tìm hiểu thị trường và đánh giá cơ hội kinh doanh.

Myanmar là một đất nước rất giàu tài nguyên thiên nhiên.

Giới doanh nghiệp Việt Nam đã sớm nhận thấy những cơ hội do Myanmar mang lại. Các tên tuổi như Hoàng Anh Gia Lai, ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), Viettel... đã có mặt tại đất nước này và chắc chắn sẽ có thêm nhiều doanh nghiệp khác nối gót. Một nét hấp dẫn của Myanmar là thị trường này chưa bị cạnh tranh nhiều và đây là một cơ hội để các nhà đầu tư thiết lập chỗ đứng, cho dù quy mô thị trường vẫn còn nhỏ.

Nhiều tập đoàn đa quốc gia của Mỹ và châu Âu vẫn xem Myanmar là nơi tiềm ẩn các rủi ro. Vì thế, họ có thể sẽ rất thận trọng trong chiến lược tiếp cận thị trường này. Điều đó sẽ là cơ hội cho những doanh nghiệp sẵn sàng chấp nhận rủi ro.

Vậy doanh nghiệp Việt nên nhảy vào mảng nào ở thị trường này? Dịch vụ tài chính, đặc biệt là các dịch vụ liên quan đến thương mại, có thể sẽ là lĩnh vực có nhiều tiềm năng tăng trưởng một khi Chính phủ Myanmar cho phép các ngân hàng nước ngoài được mở chi nhánh 100% vốn. Xây dựng và các hoạt động liên quan đến bất động sản cũng là một lĩnh vực đáng quan tâm khi nhu cầu đối với các tòa nhà mới đang cao. Và khi những tổ chức từ thiện quốc tế tăng chi tiêu vào quốc gia này, nhu cầu phát triển cơ sở hạ tầng như cầu đường, cảng… cũng sẽ tăng mạnh. Gần đây, Nhật đã tuyên bố sẽ tài trợ hơn 1 tỷ USD hỗ trợ phát triển cho Myanmar.

Làn sóng đầu tư đầu tư nước ngoài đầu tiên vào Myanmar có thể sẽ gồm nhiều hình thức. Hoạt động đầu tư liên quan đến tài nguyên thường là hình thức đầu tư đầu tiên xuất hiện tại một đất nước mới mở cửa. Chính phủ nước sở tại thường ưa chuộng loại hình đầu tư này vì có thể tạo ra doanh thu ổn định cho ngân sách quốc gia.

Hình thức thứ hai trong làn sóng đầu tư đầu tiên vào Myanmar có thể là loại đầu tư tận dụng được các lợi thế cạnh tranh của một thị trường mới mở cửa như chi phí nhân công rẻ. Một ví dụ thường thấy của loại đầu tư này là ngành sản xuất áo quần và da giày.

Hình thức cuối cùng của làn sóng này có thể do chính phủ nước Myanmar phát động để thúc đẩy vốn nước ngoài vào các dự án được ưu tiên. Chẳng hạn, đầu năm nay, Chính phủ Myanmar công bố đấu thầu để cấp phép cho 2 nhà cung cấp dịch vụ viễn thông di động. Với chưa tới 10% dân số sở hữu điện thoại di động, tiềm năng tăng trưởng của thị trường này là rất lớn. Và điều này cũng được phản ánh qua việc có gần 20 nhà mạng đã nộp hồ sơ đấu thầu.

Sau nhiều năm bị cô lập, kỳ vọng ở cả hai phía thường là rất cao. Đối với nước sở tại, họ kỳ vọng dòng vốn sẽ chảy vào ngay với số lượng lớn. Nhưng như bài học Việt Nam, phải mất một khoảng thời gian để tạo đà cho dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài. Và Myanmar sẽ không phải là ngoại lệ. Cộng đồng quốc tế thường đánh giá thấp rào cản về hành chính và những rào cản khác. Kết quả của những điều này sẽ là một giai đoạn “hạ nhiệt” sau những hào hứng ban đầu. Giai đoạn đó có thể là một vài năm.

Nhưng bây giờ, Myanmar vẫn còn say sưa trong niềm hưng phấn khi mọi sự chú ý đều đổ về phía mình. Các nhà đầu tư đang bắt đầu tìm cách thâm nhập thị trường này, chẳng hạn bằng cách đầu tư vào các công ty niêm yết tại Bangkok hoặc Singapore (hoặc nơi khác) có cơ sở hoạt động tại Myanmar. Và những quỹ đầu tiên chuyên đầu tư vào thị trường Myanmar dự kiến sẽ ra mắt trong năm tới. Một số quỹ như Asia Frontier Fund của Leopard Capital, chẳng hạn, giờ đã đưa Myanmar vào danh mục đầu tư của mình. Trong khi đó, một ngân hàng đầu tư Nhật đã ký thỏa thuận phát triển thị trường chứng khoán Myanmar, vốn hiện mới chỉ có 2 công ty niêm yết.

Liệu nền kinh tế Myanmar có phát triển nhanh và mạnh như Việt Nam của 20 năm qua hay không? Sẽ chẳng ai dám chắc điều này. Nhưng theo dõi kỹ tiến triển của thị trường này là điều không hề thừa chút nào, để có thể nhanh chóng nắm bắt cơ hội khi nó xuất hiện.

Theo Doanh nhân Sài Gòn

Theo Doanh nhân Sài Gòn

Bạn có thể quan tâm