Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Cơ hội nào cho Tuấn Anh ở SEA Games 28?

Tuấn Anh không mất đi tố chất kỹ thuật và tư duy chơi bóng từng được HLV Wenger "chấm", nhưng anh đang thiếu cảm hứng - yếu tố quan trọng nhất với một cầu thủ thiên về sáng tạo.

Gần nửa năm qua, Tuấn Anh không cho thấy sự “sung mãn thể thao”. Tuấn Anh không yếu nhưng cũng chẳng khỏe. Các trận đấu anh tham gia đều ở mức trung bình khá, không nổi bật như năm 2014.

Điều này, có thể lý giải bằng sự quá tải? Có thể. Vì ở HAGL hiện nay và U19 Việt Nam năm trước, Tuấn Anh chơi gần như đủ các trận và trận nào cũng đạt điểm ưu. Chuỗi thi đấu của Tuấn Anh kéo dài sang năm 2015 lên đến xấp xỉ 60 trận. Cùng những cầu thủ trụ cột của HAGL khác như Công Phượng, Xuân Trường, Hồng Duy, Tuấn Anh thuộc loại bền sức. Thế nên, khó có thể nói Tuấn Anh yếu.

Tuấn Anh không còn giữ được phong độ như năm 2014.

Cầu thủ này không được đá chính ở U23 Việt Nam là do quan điểm của HLV trưởng. Và điều này thì khó ai can thiệp nổi.

Tuấn Anh không thuộc mẫu cầu thủ yêu thích của HLV Miura. Nhà cầm quân người Nhật ưa dùng những cầu thủ có vẻ ngoài vạm vỡ, tố chất thể lực bao trùm, mà điểm mạnh trước nhất là va chạm tốt chứ không phải mẫu cầu thủ bền sức, dẻo dai và bề ngoài thiếu cơ bắp như Tuấn Anh.

Trong mọi cuộc tỷ thí (không chỉ ở U23 Việt Nam), nhà cầm quân  Nhật Bản thường sử dụng các cầu thủ thể hiện được ý chí đeo bám, tranh chấp không khoan nhượng, sẵn sàng lùi về bảo vệ cầu môn nhà, trước khi tính đến khả năng tấn công.

Ở trận gặp U23 Hàn Quốc vừa rồi, ông thầy sinh năm 1963 tin dùng Hữu Dũng, Huy Toàn, Phi Sơn, Hoàng Thịnh, Ngọc Thắng - những cầu thủ tinh thần tốt, dám lăn vào chân đối thủ để tranh chấp. Trong đó, vị trí tiền vệ trung tâm thuộc về Hữu Dũng, Hoàng Thịnh - bộ đôi “sẵn sàng lùi lại phía sau”.

Tuấn Anh đương nhiên không xuất sắc trong các tiêu chí mà HLV Miura yêu cầu, nên việc anh dự bị là đương nhiên. Tuấn Anh không “bám” đối thủ như Hữu Dũng, anh cũng không thực hiện những cú phi thân như Ngô Hoàng Thịnh. Và đấy là điểm trừ cho cơ hội đá chính của tiền vệ này.

Tuấn Anh thuộc dạng cầu thủ tổ chức, ưa cầm bóng đá nhỏ, bật-nhả lên theo tuyến và giữ cự ly đội hình toàn tuyến kiểu châu Âu. Điểm nổi bật của tiền vệ gốc Thái Bình là kiểm soát bóng cực hay, làm chủ không gian hẹp ở mức hiếm của BĐVN từ trước đến nay. Nếu Tuấn Anh tuân theo các tiêu chí “fighting” (chơi quyết liệt), có thể tiền vệ số 8 chẳng còn là anh nữa. Và khi đó, ai còn nhớ những pha bóng mê hoặc của Tuấn Anh thời còn cống hiến cho U19 Việt Nam?

Điều Tuấn Anh cần lúc này là cảm hứng chơi bóng sáng tạo. Ảnh: Tùng Lê.

Nhưng xét một cách tổng thể, Tuấn Anh không thua kém các đồng nghiệp dũng mãnh đang có lợi thế hơn anh ở khả năng tranh chấp. Tuấn Anh có cách bắt bài, có cách tranh chấp và giải tỏa áp lực của riêng mình. Nhiều người thường không “nhìn thấy” sự nổi bật của Tuấn Anh trong tranh chấp, nhưng tiền vệ này chính là chiếc “mỏ neo” của U19 Việt Nam, khi anh thường tỏ ra rất khôn ngoan và hiệu quả trong việc chọn vị trí đánh chặn. Điều ấy, HLV Miura không dùng có thể là một sự phí phạm chăng?

Trong bản danh sách tiền vệ hiện có, U23 Việt Nam (ngoài Ngô Hoàng Thịnh) còn khá nhiều tiền vệ trung tâm giàu sức mạnh như Huy Hùng, Duy Mạnh, Đức Huy, Hữu Dũng. Nếu kể thêm Ngọc Hải, Thanh Hiền từng chơi vị trí này thì cơ hội đá chính của Tuấn Anh… thật chẳng đáng là bao.

Tuấn Anh - cầu thủ thứ 9 của U23 Việt Nam dính chấn thương

Cầu thủ của HAGL đã không có mặt trong buổi tập sáng 12/5 cùng thầy trò HLV Miura. Sau đó, anh chỉ có thể tập nhẹ vào buổi chiều cùng ngày.

Bảo Thắng

Bạn có thể quan tâm