Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

'Cơ hội còn trên văn bản, rủi ro đã hiện hữu'

Phó thủ tướng Vương Đình Huệ cho rằng, với các Hiệp định thương mại tự do, trong khi cơ hội đang nằm trên các văn bản hiệp định thì rủi ro, thách thức có vẻ đã hiện hữu.

Tại hội thảo “Việt Nam: Nắm bắt cơ hội của các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới” sáng 15/6, Phó thủ tướng Vương Đình Huệ cho biết Việt Nam sẽ kiên trì định hướng tích cực và chủ động hội nhập kinh tế quốc tế.

“Việc đàm phán các hiệp định thương mại tự do không chỉ nhằm mục tiêu mở cửa thị trường mà còn là các bước đi khẳng định cam kết hội nhập với nền kinh tế khu vực và thế giới của Việt Nam, là bước đi quan trọng tạo lập môi trường cạnh tranh bình đẳng và tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp (DN) phát triển”, Phó thủ tướng phát biểu.

'Nhỏ hay to đều phải đi lên bằng chân mình'

Co hoi tu TPP anh 1
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ (Ảnh: Infonet)

Cho rằng các hiệp định thương mại tự do FTAs vừa qua mang lại nhiều cơ hội, nhưng phó thủ tướng cũng thừa nhận, các FTAs đặt ra không ít thách thức cho người dân, cộng đồng DN và các cơ quan quản lý Nhà nước.

“Các FTA mở ra một con đường, thậm chí một đại lộ rất thênh thang cho Việt Nam, nhưng vấn đề là cỗ xe kinh tế của chúng ta được chuẩn bị như thế nào để đi trên con đường này, đảm bảo an toàn và tới đích mới là quan trọng”, ông Huệ trăn trở.

Phó thủ tướng cho rằng, trong khi cơ hội đang nằm trên các văn bản hiệp định thì rủi ro, thách thức có vẻ đã hiện hữu. Vì thế, "chúng ta phải chuẩn bị với một tâm thế vững chắc hơn". 

Ông cho biết, Chính phủ đã chủ động và quyết tâm hành động nhằm tạo ra những sức bật mới cho nền kinh tế mà một trong những việc đó là cải thiện hơn nữa môi trường đầu tư, kinh doanh cho các nhà đầu tư và DN trong, ngoài nước.

Việt Nam cũng đang tiến hành rà soát hệ thống văn bản pháp luật, sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới những bộ luật, thể chế chính sách để đáp ứng cam kết hội nhập và tạo điều kiện để Việt Nam hội nhập.

Cụ thể, Chính phủ đã ban hành 3 nghị quyết về cải thiện môi trường kinh doanh, triển khai thực hiện hiệu quả chỉ thị 35 về DN, phấn đấu đến năm 2020 có 1 triệu DN.

“Chính phủ quyết tâm xây dựng một chính phủ trong sạch, liêm chính, tạo điều kiện thuận lợi cho mọi DN, thuộc mọi thành phần kinh tế hoạt động ở VN có thể cạnh tranh bình đẳng. Chính phủ không phân biệt DN to, nhỏ, thành phần kinh tế nào…Ai cũng phải đi lên bằng chính đôi chân của mình trên cơ sở xây dựng văn hóa DN, liêm chính, đổi mới, sáng tạo”, Phó thủ tướng khẳng định.

Ông cũng bày tỏ mong muốn lắng nghe các phân tích, dự báo từ các chuyên gia quốc tế, các nhà quản lý, cộng đồng DN để liên tục cập nhật, hoàn thiện các vấn đề có tính chiến lược để có những quyết sách cụ thể cho từng giai đoạn.

Những cái khó khi tham gia FTA

Co hoi tu TPP anh 2
Doanh nghiệp Việt than gặp nhiều khó khăn khi tham gia 2 FTA. Ảnh: VOV

Ở góc độ pháp lý, ông Nguyễn Khánh Ngọc – Thứ trưởng Bộ Tư pháp cho rằng khó khăn lớn nhất khi Việt Nam ký kết các FTA là sẽ mất nhiều thời gian, công sức, thậm chí tiền của để tìm hiểu các quy định quốc tế.

Ông Ngọc bày tỏ quan ngại khi trình độ tiếng Anh, khả năng của cán bộ Việt trong việc hiểu đúng bản chất pháp lý, nội hàm các quy định quốc tế liên quan FTA để chuyển hóa, thiết kế lời văn điều chỉnh pháp luật Việt Nam.

Trong khi đó, bà Nguyễn Thị Thu Trang – Giám đốc Trung tâm WTO của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam VCCI đánh giá DN Việt chưa sẵn sàng cho các FTA trên.

Bà Trang thông tin, theo kết quả khảo sát mới đây của VCCI, DN Việt hầu hết đã biết về các hiệp định (83%), và một nửa trong số đó hiểu rõ.

Tuy nhiên, DN sản xuất chỉ biết về dòng thuế cắt giảm cho họ khi tham gia hội nhập. Họ lạc quan và tỉnh táo khi cho rằng gia nhập 2 FTA này thì sẽ gặp nhiều khó khăn, thách thức hơn.

Gần 90% DN dự kiến cải thiện hoạt động sản xuất để tham gia vào các hiệp định này trong vòng 3 năm tới. Các khía cạnh được tập trung cải thiện nhiều nhất là chất lượng sản phẩm, tận dụng công nghệ, tiếp cận các thị trường mới.

 Tuy nhiên, đại diện VCCI cho rằng DN chưa đủ sẵn sàng. Họ vẫn 'than" với VCCI rằng cam kết phức tạp khiến DN khó hiểu bản chất cam kết để thực hiện. DN vẫn thiếu thông tin, lại đối mặt với các bất cập trong tổ chức thực thi hiệp định của cơ quan nhà nước. 

“Năng lực cạnh tranh thấp là vấn đề của bản thân DN khi tham gia FTA. Ngoài ra, có nhiều yếu tố cản trở DN cải thiện năng lực sản xuất như chính sách thuế, tình trạng nhũng nhiễu, thủ tục hải quan, cơ sở hạ tầng, tay nghề lao động, chính sách lương…”, bà Trang nhấn mạnh.

Theo vị này, sự dũng cảm thay đổi của DN chưa đủ. “Không thể thiếu bàn tay nâng đỡ, sự hỗ trợ của cơ quan nhà nước. Các tổ chức như VCCI, WB có vai trò cầu nối giữa DN và cơ quan nhà nước”, bà Trang nói thêm.

Trong khi đó, bà Victoria Kwakwa – Phó Chủ tịch khu vực Đông Á Thái Bình Dương, nhóm Ngân hàng Thế giới (WB) lưu ý Việt Nam cần nỗ lực nhiều trong đánh giá sửa đổi quy định trong thể chế ở nhiều ngành, cả kinh tế và xã hội đồng thời cam kết WB sẽ hỗ trợ tối đa các DN khi tham gia hiệp định này. 

Phó thủ tướng: Nông dân đang có cơ hội lớn để tăng thu nhập

Phó thủ tướng đã có những chia sẻ về lợi thế của sản phẩm nông nghiệp của Việt Nam trong bối cảnh hội nhập kinh tế tại Lễ trao Giải thưởng Thần nông - cho mùa vàng bội thu 2015.



Kiều Vui

Bạn có thể quan tâm