Ngày 23/5, nhóm nhạc nam GOT7 quay trở lại đường đua âm nhạc với album mới GOT7. Trong ngày phát hành album, trưởng nhóm Jay B (trước đây là JB) phát biểu: "Chúng tôi muốn trở lại dưới tên GOT7 sau những năm tháng ở JYP Entertainment, và chúng tôi nghĩ mình cần đổi mới thương hiệu nhóm".
Album GOT7 đánh dấu khởi đầu mới của nhóm nam sau khi 7 thành viên chấm dứt hợp đồng với công ty chủ quản ban đầu là JYP Entertainment. Theo SCMP, câu nói "đổi mới thương hiệu" của Jay B không chỉ là lời chót lưỡi đầu môi.
GOT7 là sự ra mắt của một GOT7 hoàn toàn mới, đồng thời cho thấy lối đi mới đối với nghệ sĩ Kpop. Hiện tại, GOT7 nắm bản quyền tên nhóm, và nhóm có toàn quyền quyết định mọi hoạt động quảng bá của họ.
Điều này minh chứng cho sự đổi mới trong ngành công nghiệp Kpop, khi việc giữ tên nhóm dù đã rời công ty ban đầu đang trở nên dễ dàng hơn với các nghệ sĩ.
Nhóm nhạc nam GOT7 phát hành album sau khi rời công ty quản lý JYP Entertainment. Ảnh: Naver. |
Rời đi trong êm đẹp
Năm 2014, 7 thành viên GOT7 là Jay B, Jackson, Bambam, Mark, Yu Gyeom, Young Jae và Jin Young ra mắt dưới trướng JYP Entertainment. Sau 7 năm ra mắt, cả 7 thành viên rời công ty. Họ hứa với người hâm mộ rằng nhóm "sẽ không tan rã".
Kể từ đó, các thành viên GOT7 tập trung phát triển sự nghiệp cá nhân. Họ ký hợp đồng với nhiều công ty giải trí khác nhau, thậm chí hoạt động ở một số quốc gia khác nhau. Tuy nhiên, nhóm liên tục trấn an người hâm mộ rằng họ luôn cố gắng đồng hành cùng nhau dù có xa cách.
"Chúng tôi hứa với người hâm mộ rằng chúng tôi sẽ không đi đâu cả. Chúng tôi muốn chứng minh là chúng tôi chưa tan rã", thành viên BamBam chia sẻ vào ngày ra mắt của GOT7.
Đây không phải lần đầu tiên một nhóm nhạc Kpop tiếp tục hoạt động sau khi chấm dứt hợp đồng với công ty quản lý cũ. Tuy nhiên, SCMP cho rằng trường hợp của GOT7 chưa từng có tiền lệ.
Cuộc chia tay giữa nhóm và JYP dường như diễn ra trong êm đẹp. Dù rời JYP, họ vẫn nắm giữ bản quyền tên nhóm và tiếp tục hoạt động cùng nhau. JYP không đưa ra hành động pháp lý nào chống lại họ.
GOT7 không phải trải qua cuộc chiến pháp lý kéo dài trong nhiều năm trời như H.O.T, Shinhwa, T-Ara. Nhóm không phải đổi sang tên mới, như sự kiện Beast tái ra mắt dưới tên Highlight, hay buộc dừng hoạt động cùng nhau, như cách bộ ba JYJ tách khỏi nhóm nhạc DBSK.
Nếu so sánh với cuộc chiến pháp lý thông thường giữa nghệ sĩ và công ty chủ quản, trường hợp của GOT7 được xem là điều "rất mới mẻ và đáng mong chờ".
GOT7 nắm giữ bản quyền tên nhóm và tiếp tục hoạt động. Ảnh: The Korea Herald. |
Thay đổi mới trong ngành công nghiệp Kpop
Trong nhiều thập kỷ, Kpop bị thống trị bởi các công ty giải trí. Kể từ những năm 1990, khi các nhóm nhạc Kpop hiện đại được thành lập, tại nền âm nhạc Hàn Quốc đã có sự tác động lẫn nhau gắt gao giữa nghệ sĩ và công ty quản lý.
Công ty chủ quản kiểm soát quy trình đào tạo thực tập sinh tiềm năng, quản lý họ từ ngoại hình đến đời tư, cho họ ra mắt, quảng bá danh tiếng nhóm, sản xuất sản phẩm âm nhạc để họ biểu diễn và xây dựng hình tượng cho từng thành viên trước mắt công chúng.
Trong hầu hết trường hợp, mọi hoạt động đều do công ty thực hiện. Nghệ sĩ hiếm khi được đóng góp vào công đoạn sản xuất. Kết quả, những cá nhân theo đuổi nghệ thuật thường không có quyền kiểm soát với sản phẩm nghệ thuật họ tạo ra.
Tuy nhiên, điều này bắt đầu thay đổi trong thời gian gần đây. Vào giữa những năm 2010, sự hiện diện của ca sĩ kiêm nhạc sĩ dần trở nên phổ biến hơn trong nhóm nhạc Kpop. Các thành viên BTS, Seventeen và (g)i-dle chỉ là vài trong số rất nhiều thần tượng Hàn Quốc có cơ hội thể hiện tư duy nghệ thuật riêng trong sản phẩm âm nhạc nhóm phát hành.
Xuyên suốt thời gian hoạt động tại JYP, 7 thành viên GOT7 đã nắm được định hướng âm nhạc riêng của mình. Dù vậy, họ vẫn đối mặt với một số hạn chế. Nhóm thường xuyên lên tiếng về điều này.
Vào năm 2019, Jay B tiết lộ anh không hài lòng với đoạn cắt cuối cùng trong đĩa đơn Eclipse nhóm phát hành. Nam ca sĩ cho biết anh không đồng ý với hướng đi của JYP. Giờ đây, GOT7 có thể tự quyết định mọi thứ, và tất cả bài hát xuất hiện trong album GOT7 đều do các thành viên sản xuất.
Màn chia tay trong êm đẹp trước công chúng của GOT7 và JYP là sự kiện mới nhất giữa một loạt thay đổi diễn ra tại ngành công nghiệp Kpop suốt hai năm qua. Chẳng hạn, hầu hết 6 thành viên của nhóm nhạc nam Infinite đã rời công ty ban đầu là Woollim Entertainment, nhưng họ vẫn biểu diễn cùng nhau. Dù vậy, nhóm chưa phát hành album mới.
Gần đây, công chúng xôn xao trước tin nhóm nhạc nữ SNSD chuẩn bị tiết lộ sản phẩm âm nhạc mới vào tháng 8 nhân dịp kỷ niệm 15 năm ra mắt, tuy 3 trong số 8 thành viên không còn trực thuộc SM Entertainment.
SNSD chuẩn bị phát hành sản phẩm âm nhạc mới vào tháng 8. Ảnh: Naver. |
Tuy album vẫn có sự tham gia của SM, có một sự thật được khán giả ngầm hiểu rằng SNSD không còn chịu sự quản lý hoàn toàn từ công ty. Mới đây, thành viên Choi Sooyoung, 1 trong 3 người đã rời SM, thu hút sự chú ý từ khán giả Hàn Quốc khi cô đội chiếc mũ có dòng chữ "tôi không làm việc ở đây" bên ngoài tòa nhà công ty.
Có thể thấy, nghệ sĩ Kpop đang dần trở thành người nắm bản quyền sở hữu thương hiệu sau khi kết thúc hợp đồng với công ty quản lý ban đầu.
Trước đây, ngành công nghiệp Kpop vốn nổi tiếng với "lời nguyền 7 năm".
Hợp đồng giữa công ty quản lý và thần tượng Hàn Quốc thường kéo dài trong 7 năm. Do vậy, sau khi hợp đồng hết hạn, nếu các ngôi sao không tái ký, phần lớn nhóm nhạc rơi vào tình trạng tan rã, hoặc đánh mất một vài thành viên. SCMP cho rằng với thay đổi mới đang diễn ra này, có lẽ "lời nguyền 7 năm" tại Kpop có thể đi đến kết thúc.