"Ngày xưa chữ cậu ấy tròn trịa và đẹp, giờ nét chữ lại cứng rắn, chân phương. Nhưng dù thời điểm nào, tôi cũng cho 10 điểm", cô Đặng Thị Phúc "chấm điểm" lá thư viết tay của Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng gửi tới chúc Tết Nguyên đán Kỷ Hợi hai vợ chồng vài ngày trước.
"Thói quen của nhà giáo rồi, cô khó bỏ", người giáo viên lớn tuổi cười hiền.
Vợ chồng cô giáo Đặng Thị Phúc đọc bức thư chúc Tết của Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng. Ảnh: Quang Huy. |
Thư gửi cô lúc nào cũng viết tay
Gia đình cô Đặng Thị Phúc nhận được bức thư chúc Tết vào ngày 25/1 (tức 20 tháng Chạp). Ngoài phong bì phổ thông, giản dị, bức thư ghi "Kính gửi cụ Đặng Thị Phúc", bên trong ghi "Nguyễn Phú Trọng", không kèm theo chức vụ. Ký tên "Học trò cũ của cô".
Cuối thư, người học trò cũ chia sẻ: "Em xin có mấy lời kính thăm cô và gia đình. Em vẫn giữ mãi những kỷ niệm sâu sắc, không bao giờ phai mờ trong những năm tháng được cô dạy bảo".
"Ở ngoài ghi 'Gửi cụ', nhưng bên trong lại đề 'Kính thưa cô', thế là đáng quý. Dù lá thư không ghi kèm địa chỉ là 'Văn phòng Tổng bí thư' hay 'Văn phòng Chủ tịch nước' nhưng cô vẫn nhận ra. Ngày Hiến chương Nhà giáo 20/11 hay Tết năm nào, trò Trọng cũng gửi thư tới, lúc nào thư cũng viết tay", cô Phúc xúc động.
Bức thư viết tay của Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng gửi cô giáo cũ. Ảnh: Quang Huy. |
Từ ngày nhận được lá thư, cô đã mở ra nhiều lần đọc cho con cháu nghe. Con rể cô là PGS.TS Vũ Xuân Đoàn (ĐH Quốc gia Hà Nội) có nửa đùa nửa thật hỏi: "Chú Trọng gửi thư cho mẹ thế này, mẹ cho mấy điểm?"
Cô trả lời ngay: Bức thư gửi rất cẩn thận, lời lẽ tình cảm, thái độ chân thành. Dù chỉ là cô giáo dạy một năm tiểu học, nhưng tình cảm của cậu học trò này luôn khiến cô cảm thấy tự hào và trân trọng. Cô Phúc kể thêm, có những năm không tự mang thư tới, Tổng bí thư, Chủ tịch nước cũng nhờ thư ký gửi tới đúng ngày, rồi gọi điện hỏi thăm.
"Trò Trọng dù là Chủ tịch nước, Tổng bí thư, nhưng đối với tôi vẫn chỉ là cậu học trò nhỏ. Tôi vừa mừng, vừa tự hào, vừa thầm nghĩ sao bận trăm công nghìn việc thế mà vẫn dành thời gian nghĩ tới cô giáo cũ", cô Phúc trầm ngâm.
Cậu học trò nghèo
Trong cuộc trò chuyện với Zing.vn, quãng thời gian dạy học khó quên ở xã Mai Lâm, Từ Sơn, Bắc Ninh (nay thuộc Đông Anh, Hà Nội) được người giáo viên gần 90 tuổi kể lại, kèm theo đó là cả những câu chuyện về cậu học trò "nhỏ nhất lớp nhưng học giỏi nhất, nước da trắng xanh, cả năm trời chỉ mặc độc bộ áo nâu", mà cô hay gọi là "trò Trọng".
Ngày ấy, cô nữ sinh Đặng Thị Phúc vừa tốt nghiệp, về xã Mai Lâm dạy học. Lớp cô dạy là ghép giữa xã Mai Lâm với xã Đông Hội, học sinh ở nhiều độ tuổi khác nhau. Trong đó có lớp trưởng Duy, lớn nhất, bằng tuổi cô, và học trò Trọng, ít tuổi nhất.
Những ngày khó khăn, lớp học ở nơi làng quê nghèo, không có cửa, bàn ghế không đầy đủ, mùa đông giá lạnh, mùa hè thì nóng bức.
Cậu học trò Nguyễn Phú Trọng nhà ở thôn Đông Trù, phải đi bộ quãng đường đất dài hơn 3 cây số để tới trường. Suốt bao nhiêu năm, cậu chỉ có bộ quần áo màu nâu, chân đi đất, nhưng cũng là cậu học trò xuất sắc, giỏi toàn diện nhất.
Cuối năm học đó, trò Trọng được mời lên chia sẻ phương pháp học tập.
"Nhìn trò ấy, tôi ứa nước mắt. Vẫn chiếc áo bà ba xẻ tà, quần màu nâu, chân đi đất, gương mặt ngại ngùng, chỉ có ánh mắt rất sáng và rạng rỡ.
Sau đó, trò Trọng lên cấp 2, nhà cô Phúc cũng chuyển đi nơi khác. Hai cô trò mất liên lạc từ đó.
'Cô ơi, em tìm cô mãi'
Khoảng 20 năm trước, cô Phúc được nghe tin trò Trọng "đang làm to lắm". Sau hôm đó, trở về, cô viết bài thơ với tựa đề "Người trò nhỏ năm xưa". Trong bài thơ, có đoạn: "Thơ ngây mái tóc mười hai. Áo nâu chân đất, ngô khoai đỡ lòng. Em trò nhỏ nhất kém chi. Hăng say phát biểu mỗi khi hiểu bài", và đề tặng N.P.T., rồi gửi cho một người bạn.
Mãi sau này, cô mới biết bài thơ đã tới được "cậu học trò nhỏ" và ông cố gắng tìm kiếm mình suốt nhiều năm. Một ngày, cô Phúc nhận được điện thoại, đầu dây bên kia chính là ông Nguyễn Phú Trọng, thời điểm đó đang là Chủ tịch Quốc hội.
Người học trò năm xưa thông báo "Em sẽ đến thăm cô".
Bức ảnh chụp khi ông Nguyễn Phú Trọng tới thăm nhà cô Đặng Thị Phúc được treo tại phòng khách nhà cô. Ảnh: Quang Huy. |
Vẫn gương mặt để mái tóc chéo, làn da trắng, khuôn mặt và nụ cười hiền ấy. Nhưng thời điểm đó, tóc cô Phúc còn đen, thì trò Trọng mái đầu đã bạc trắng.
Hôm đó, người học trò được cô tặng một cuốn thơ. Bức ảnh hai cô trò chụp chung được ông Trọng in ra, nhờ người mang tới, hiện giờ vẫn đang treo trang trọng trên tường nhà cô Phúc.
Sau khi về hưu, hai vợ chồng cô chủ yếu ở nhà nghỉ ngơi, chăm lo cho gia đình. Cách đây 6 tháng, cô Phúc gặp một cơn đột quỵ, hôn mê. Bác sĩ thông báo cô có nguy cơ liệt nửa người.
"Sau cấp cứu, cô thoát chết, thoát liệt, nhưng biến chứng khiến mắt chỉ còn 1/10, một bên tai điếc hẳn, tai còn lại chỉ còn 40%", cô Phúc kể về cơn bạo bệnh.
Chồng cô cũng là giáo viên, từng làm ở Bộ Giáo dục. Ông cho biết mới đây, gia đình đã đưa cô Phúc đi thay thủy tinh thể.
"Vậy là vợ mắt tinh, tai yếu. Còn chồng lại mắt yếu, tai tinh. Thế là hai vợ chồng cứ ở vậy chăm nhau cho con cháu yên tâm đi làm", ông cười và chỉ lên bức ảnh đại gia đình với ba người con trai, gái, dâu, rể, cùng 6 đứa cháu, và một chắt ngoại mới ra đời.
Lá thư chúc Tết viết tay của Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng được cô Phúc gập cẩn thận, lưu giữ trong tủ kỷ niệm của gia đình, và chỉ mở ra khoe với khách quý.
"Năm trò Trọng được bầu làm Tổng bí thư, mùng 3 Tết vẫn gọi điện chúc Tết cô. Hôm đó đã là 10h đêm rồi, nghe bảo mới đi công tác trở về. Nói thế chứ, hôm nào tôi chẳng được gặp trò ấy, trên vô tuyến, ở chương trình thời sự", cô Phúc nói đùa, vẻ mặt tự hào.