- Là một trong hai người tự ứng cử đại biểu quốc hội (ĐBQH) vượt qua vòng hiệp thương lần 3, chương trình hành động của cô như thế nào để thuyết phục cử tri của mình?
- Tôi có hơn 20 năm công tác trong ngành giáo dục, vì vậy, chương trình hành động của tôi sẽ tập trung vào lĩnh vực này. Thực ra, trong những năm qua, nhà nước đầu tư cho giáo dục rất mạnh. Tuy nhiên, với thực tế hiện nay, ngành giáo dục cần phải được quan tâm hơn nữa. Mặt khác, tôi cũng muốn hướng sự quan tâm của mình đến những học sinh nghèo, thúc đẩy xã hội hoá giáo dục.
Cô Nguyễn Thị Hồng Chương. Ảnh: Phước Tuần |
Có thể chương trình không hay về mặt lý thuyết nhưng quan trọng là những điều mình có thể làm. Đại biểu Quốc hội là cầu nối của nhà nước với người dân. Muốn hiểu được nguyện vọng của họ, phải tiếp xúc thường xuyên với cử tri, lắng nghe và đưa những kiến nghị của họ đến cơ quan có thẩm quyền.
Giáo dục để học sinh tiến bộ
- Những mục tiêu cụ thể nào bà muốn hướng tới?
- Mục tiêu của tôi là thúc đẩy giáo dục toàn diện, tạo sân chơi cho học sinh, làm cho nhà trường trở thành nơi học sinh muốn đến, muốn học. Theo tôi, học sinh hiện nay thiếu nhất là kỹ năng sống. Một ví dụ rất nhỏ thôi là các em được bao bọc nhiều quá nên đến chuyện cơm nước của bản thân mình cũng không lo nổi. Khi ra ngoài đời, các em cũng không đủ bản lĩnh để chống lại những cám dỗ và dễ dàng bị bạn bè lôi kéo.
Khi đã được cử tri tín nhiệm, là đại biểu thì phải cố gắng bày tỏ chính kiến của mình cũng như trăn trở của cử tri đến Quốc hội.
Ứng cử viên Nguyễn Thị Hồng Chương
Một vấn đề bức xúc nữa cần phải giải quyết là tình trạng bạo lực học đường. Thực tế, nhiều em xuất thân từ những hoàn cảnh rất khó khăn, bố mẹ ly hôn phải sống với ông bà nội ngoại, tự trưởng thành. Nên nhìn vào những hành động của các em, tôi thấy đáng thương hơn đáng trách.
Với những trường hợp như vậy, tôi tin rằng giáo dục là cần thiết, giáo dục để học sinh tiến bộ chứ không phải đẩy các em ra xa khỏi trường học.
- Bà suy nghĩ thế nào về khả năng thắng cử của mình?
- Có trở thành ĐBQH hay không tôi vẫn tiếp tục nhiệm vụ của mình. Chỉ có điều, nếu không trúng cử, tôi sẽ làm nhiệm vụ đó ở phạm vi nhỏ hơn là nhà trường hay nơi cư trú. Khi đó, mình là cử tri thì vẫn có thể kiến nghị lên các ĐBQH khác.
Còn ngược lại, với tư cách ĐBQH, tôi có thể đóng góp ở phạm vi rộng hơn, có nhiều ảnh hưởng hơn. Mình không phải là người cơ hội, người ham muốn quyền lực khi tham gia ứng cử ĐBQH nên dù được hay không đều rất nhẹ nhàng. Một cử trí nếu có trách nhiệm vẫn rất tốt.
Đại biểu cần phải đi thực tế nhiều để thấy rõ tình hình
- Bà đánh giá thế nào về những phát biểu của các ĐBQH trong nhiệm kì qua?
- Tôi ấn tượng về những phát ngôn của một số ĐBQH. Nhiều người phát biểu thẳng thắn, có trách nhiệm với đất nước, trong đó có ông Dương Trung Quốc. Nhưng nói thẳng thường dễ mất lòng, nên họ cần rất nhiều sự cổ vũ, động viên và ủng hộ của mọi người.
Cô Nguyễn Thị Hồng Chương hiện là hiệu trưởng Trường THPT Tân Túc, huyện Bình Chánh. Ảnh: Phước Tuần |
Không chỉ là lắng nghe, người ĐBQH cần phải đi thực tế nhiều để thấy rõ được tình hình. Nếu chỉ đến và nghe không thôi thì chưa chắc thông tin đã chính xác.
- Bà có lo sợ rằng, nếu phát ngôn thẳng thắn ở quốc hội vị trí của mình sẽ bị ảnh hưởng?
- Nếu sợ mất lòng, sợ ảnh hưởng đến vị trí của mình thì không nên ứng cử ĐBQH. Khi đã được cử tri tín nhiệm, là đại biểu phải cố gắng bày tỏ chính kiến của mình cũng như trăn trở của cử tri đến quốc hội.
Nguyễn Thị Hồng Chương là cái tên gây nhiều tò mò nhất trong danh sách 36 người đủ tiêu chuẩn ứng cử ĐBQH của TP HCM. Càng tò mò hơn khi cô là một trong hai người tự ứng cử vượt qua vòng hiệp thương lần 3.
Quê tại Quảng Trị, sinh năm 1970 ở Bình Thuận nhưng cô lại gắn bó với sự nghiệp giáo dục của huyện Bình Chánh gần 20 năm qua. Cô Nguyễn Thị Hồng Chương hiện nay là thạc sĩ giáo dục, bí thư chi bộ, hiệu trưởng trường THPT Tân Túc.