Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Cô giáo thực tập là hoa khôi trường sư phạm

Sau buổi đứng lớp đầu tiên, Trần Thị Minh Thư (hoa khôi ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM năm 2019) thở phào vì mọi chuyện thuận lợi hơn dự kiến.

Trước buổi dạy đầu tiên, Minh Thư rất lo lắng, hồi hộp. Nữ sinh nhẩm đi nhẩm lại lời giảng, tự tập đứng lớp ở nhà. Đêm hôm đó, Thư còn mất ngủ.

Ngày đầu tiên đến trường với tư cách giảng viên thực tập, Minh Thư và hai bạn cùng nhóm đến sớm trước cả tiếng đồng hồ để chuẩn bị phòng học, thiết bị.

“Em là người thực tập đầu tiên trong lớp nên càng run. Lúc mở đầu tiết, em sợ lắm. Nhưng một lúc sau, các bạn hợp tác nên em bắt đầu quen dần”, hoa khôi Nét đẹp sinh viên ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM năm 2019 chia sẻ.

Thở phào nhẹ nhõm sau buổi đầu tiên

Kỳ thực tập của Trần Thị Minh Thư, sinh viên năm cuối khoa Ngoại ngữ, ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM, diễn ra trong một tháng, từ tháng 4 đến tháng 5. Trong một tháng này, Minh Thư dạy Tiếng Anh đầu ra cho sinh viên năm cuối. Cô dạy xen kẽ 2 lớp trong 4 tuần, mỗi lớp khoảng 50 sinh viên.

Minh Thư từng làm gia sư cho những học sinh ít tuổi. Đây là lần đầu tiên Thư đứng lớp giảng bài cho nhiều người. Sinh viên phần lớn bằng tuổi hoặc có người nhiều tuổi hơn cả Thư.

“Lúc gia sư, em thoải mái vì thân thiết, hiểu rõ tính học sinh. Khi thực tập, dạy nhiều người, em không biết tính cách của họ, phải tùy cơ ứng biến nhiều hơn. Ngoài ra, tuổi tác của người học cũng là vấn đề. Sinh viên ngang tuổi, có cả anh chị nên rất khó để mọi người làm theo”, Minh Thư tâm sự.

Bố mẹ và bạn bè của Minh Thư cũng lo lắng không kém cho kỳ thực tập của cô. Họ lo Thư sẽ bị trêu chọc do tuổi còn trẻ, ngoại hình lại có nét hiền lành, dễ thương.

Cũng may, mọi lo lắng đó đều không xảy ra. Buổi đầu tiên diễn ra thuận lợi hơn Minh Thư và người thân tưởng. Sinh viên hợp tác và giảng viên hướng dẫn cũng có mặt ở lớp nên Thư bình tĩnh hơn.

“Sau buổi đầu tiên, em thở phào nhẹ nhõm. Dạy xong hôm đó, chiều, em rủ các bạn đi ăn xả stress liền”, hoa khôi kể.

Những buổi sau, Minh Thư tự tin hơn hẳn. Với cô, một tháng thực tập trở thành khoảng thời gian đáng nhớ nhất trong 4 năm học đại học. Đương nhiên, lần đầu tập làm giảng viên, Minh Thư cũng gặp một số sự cố.

Trong những ngày đầu, nữ sinh sư phạm chưa nhớ hết tên người học. Có lần, cô gọi tên một sinh viên nhưng nhớ nhầm, gọi người này mà cứ nhìn vào người khác khiến cả hai cùng đứng lên. Cả lớp cười ầm, Minh Thư mới biết mình nhầm. Lỡ gọi cả hai, Thư đành để mỗi người trả lời một câu.

Nhiều lần khác, sau khi giao bài, cô giáo thực tập xuống từng bàn hướng dẫn. Sinh viên năn nỉ “cô ơi, nói tiếng Việt đi cô”, xong mặt cúi xuống vì sợ.

“Em không hiểu sao các bạn sợ, có lẽ lúc đứng lớp, mặt em hơi dữ mà em không biết”, Thư vui vẻ nói.

Minh Thư hiểu tâm lý sinh viên vì hồi trước, cô cũng sợ giáo viên. Do đó, cô kiên nhẫn giải thích lại bằng cả tiếng Việt lẫn tiếng Anh.

Nỗ lực để theo đuổi nghề giáo

Minh Thư đã trải qua kỳ thực tập đáng nhớ và cảm thấy bản thân trưởng thành hơn. Sau mỗi buổi dạy, cô hướng dẫn luôn ngồi lại cùng nhóm Minh Thư, mọi người phân tích điểm yếu, điểm mạnh của nhau để rút kinh nghiệm.

Trải qua từng tiết dạy, nữ sinh năm cuối học cách bình tĩnh hơn, thẳng thắn chỉ ra lỗi sai của người học để học sửa chứ không né tránh. Cô cũng học được cách quản lý thời gian, lên giáo án hiệu quả.

Hiện tại, Trần Thị Minh Thư chưa biết kết quả kỳ thực tập. Dù vậy, giảng viên hướng dẫn đánh giá tích cực nên nhóm cô rất vui.

“Cô nói sau 4 tuần, cô thấy được sự trưởng thành của tụi em sau mỗi lần đứng lớp. Tụi em áp dụng lời khuyên của cô, biết cách dẫn dắt không khí lớp vui và nhiệt tình hơn chứ không chỉ truyền đạt kiến thức máy móc”, Minh Thư chia sẻ.

Minh Thư thực tập ngay trong trường, nơi nhiều sinh viên biết cô từng đạt danh hiệu hoa khôi. Cô cho rằng danh hiệu này giúp cô tạo thiện cảm và sự quý mến ban đầu. Dù vậy, cô cũng phải cố gắng nghiêm túc để làm tốt vai trò giảng viên thực tập.

“Em vui vì thỉnh thoảng, các bạn hay đùa là giáo viên thế này, học trò không bao giờ cúp tiết. Em thấy không chỉ giáo viên mà các ngành khác, ngoại hình là lợi thế, nhưng chỉ là bề nổi trong thời gian đầu. Về lâu dài, cách sống, kiến thức của nhà giáo là điều quan trọng hơn cả để thành công”, nữ sinh bày tỏ.

Hiện tại, Minh Thư đang sống tại quê nhà ở Đà Lạt. Mỗi ngày, cô dành thời gian để luyện thi IELTS, làm clip chia sẻ mẹo powerpoint và dạy tiếng Anh cho cháu đang học lớp 3. Sau khi dịch Covid-19 được kiểm soát, Thư sẽ xuống TP.HCM, thi IELTS để có thể tốt nghiệp.

“Em ước mơ làm giáo viên vì ngưỡng mộ cô chủ nhiệm lớp 12 của em. Cô rất tâm lý, dạy giỏi, vui tính, xem tụi em như con ruột. Em mong được như cô. Sau kỳ thực tập, em càng yêu nghề giáo. Em chưa biết chắc em sẽ được dạy học ở đâu, cũng sợ nói trước bước không qua nhưng em sẽ nỗ lực để theo đuổi nghề giáo”, hoa khôi chia sẻ về dự định tương lai.

4 học sinh Việt Nam đều giành huy chương Olympic Sinh học quốc tế

Trong số 4 học sinh Việt Nam dự thi Olympic Sinh học quốc tế, một em đoạt huy chương vàng. Ba em còn lại giành huy chương bạc và đồng.

Nguyễn Sương

Bạn có thể quan tâm