Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Có gì ở phiên đấu giá mọi thứ công nghệ thám hiểm vũ trụ của Mỹ?

Nhiều vật phẩm trong quá trình chinh phục vũ trụ của Mỹ được rao bán tấp nập trong phiên đấu giá RR, trong đó có cả động cơ tên lửa, đồng hồ và thìa của phi hành gia.

Theo CNN, hàng chục người tham gia phiên đấu giá đặc biệt đã rao bán những vật phẩm đắt giá trong lĩnh vực khám phá không gian vũ trụ của Mỹ. Tại phiên đấu giá RR Auction kết thúc hôm 17/7, người tham gia bất ngờ khi có sự xuất hiện của động cơ tên lửa từng đưa Neil Armstrong lên mặt trăng, cùng các thiên thạch vô cùng quý hiếm được thu thập từ khắp nơi đổ về.

Dong co ten lua,  thia cua phi hanh gia tau Apollo duoc ban dau gia anh 1

Một lá cờ nhỏ của Mỹ du hành lên mặt trăng cùng với các phi hành gia Apollo 15 được bán với giá 31.251 USD. Ảnh: CNN

Với hơn 45 nhà sưu tập công nghệ không gian tham gia, phiên đấu đã rao bán thành công hơn 288 mặt hàng hiếm với tổng giá trị 690.000 USD. Tham gia phiên đấu giá có cả nhà đầu tư Steve Jurvetson, thành viên hội đồng quản trị SpaceX và Tesla (TSLA).

Sản phẩm nổi bật trong đó là huy chương Robbins, được đúc riêng cho các phi hành gia và từng được Ed Gibson mang theo lên mặt trăng năm 1972. Huy hiệu được săn đón này có giá 50.907 USD, gấp 10 lần dự kiến. Một lá cờ nhỏ của Mỹ mà phi hành gia Dave Scott mang theo trong sứ mệnh Apollo 15 năm 1971 được bán với giá hơn 30.000 USD.

Các cuộc đấu giá RR đã trở thành điểm đến hấp dẫn cho các tín đồ giàu có và trung thành với việc bảo tồn vật lưu niệm trong lịch sử NASA. Nhiều vật phẩm trong lịch sử vũ trụ Mỹ đã được bán với mức giá khổng lồ. Chiếc đồng hồ mà phi hành gia Dave Scott mang theo trong cuộc đổ bộ Mặt trăng Apollo 15 vào năm 1971 được bán với giá 1,6 triệu USD vào năm 2015.

Cũng có nhiều vật phẩm được qua tay tại cuộc đấu giá đã được cất giấu bí mật suốt nhiều thập kỷ sau khi chương trình Apollo kết thúc vào năm 1972. Các phi hành gia đầu tiên của NASA thường bất chấp lệnh cấm và lưu giữ một số vật phẩm làm kỷ niệm. "NASA biết đến điều này và vụ việc có thể trở thành rắc rối lớn", Bobby Livingston, phó chủ tịch điều hành quan hệ công chúng của RR Auction cho hay.

NASA từng kiện phi hành gia Edgar Mitchell vào năm 2011 khi cố bán đấu giá máy quay cá nhân từng mang theo trong nhiệm vụ Mặt trăng năm 1971. Mitchell đã buộc phải giao lại chiếc máy cho chính phủ Mỹ.

Tuy nhiên, vào năm 2012, Quốc hội Mỹ đã thông qua một đạo luật cho phép các thành viên phi hành đoàn của Mercury, Gemini và Apollo có quyền sở hữu các vật kỷ niệm quý giá này. Quy định này đã tạo ra một thị trường sôi động về trao đổi vật phẩm trong không gian vũ trụ của Mỹ. Đối tượng tham gia là các phi hành gia, những người buôn bán và sưu tầm cổ vật. Livingston cho hay dù là một thị trường nhỏ, nhưng mức độ cạnh tranh và tinh vi khá cao. RR Auctions được tổ chức tập trung 2 năm một lần.

"Hầu hết người mua là các kỹ sư công nghệ, chuyên gia máy tính và Internet có thu nhập dư dả. Tất cả đều bị mê hoặc bởi hình ảnh con người bước chân trên mặt trăng”, Livingston cho biết thêm.

Jurvetson, nhà đầu tư giàu có và có chân trong hội đồng quản trị của SpaceX đã dày công gây dựng bộ sưu tập không gian của mình trong khoảng 11 năm. Văn phòng của ông tại Future Ventures trở thành bảo tàng cá nhân vô giá. Máy tính trong văn phòng được trang trí bằng rất nhiều mảnh từ tàu vũ trụ. Hàng ghế là phần mô-đun chỉ huy của tàu Apollo và phần đuôi tên lửa được biến tấu thành chiếc bàn tiếp khách. Jurvetson vô cùng tự hào về văn phòng mang xu hướng không gian của mình. Ông cho rằng nó tương đương với một bảo tàng không gian xếp thứ 10 về lượng người tham quan.

Dong co ten lua,  thia cua phi hanh gia tau Apollo duoc ban dau gia anh 2

Một góc trong không gian văn phòng riêng chứa đầy vật phẩm kỷ niệm từ tàu vũ trụ của Jurvetson, nhà đầu tư của SpaceX. Ảnh: Twitter.

Trong phiên đấu giá tuần này, ông đã bán bớt vài món đồ do căn phòng thiếu chỗ trống, như cờ Apollo 15 và một chiếc thìa mà phi hành gia Edgar Mitchell mang theo trong nhiệm vụ Apollo 14. Đồng thời, nhà sưu tập này vẫn mua thêm một vài món theo sở thích.

Tuy nhiên, Jurvetson tự nhận mình không phải là nhà sưu tập chuyên nghiệp hay người hâm mộ không gian cuồng nhiệt. Ông làm điều này vì ủng hộ mục tiêu của SpaceX, công ty khai thác thương mại vũ trụ hàng đầu thế giới hiện nay của tỷ phú Elon Musk. Bên cạnh đó, việc sưu tập các món đồ này còn là một khoản đầu tư. "Tôi cố gắng để mua đúng giá các đồ vật, và kỳ vọng chúng sẽ tăng giá vào 10 năm tới”, Jurvetson cho biết.

Bạn có thể quan tâm