"Đại tiệc" ánh sáng trên sông Hàn
Chỉ còn ít giờ nữa, lần lượt các đội Nam Phi - Hoa Kỳ - Đà Nẵng (Việt Nam) sẽ trình diễn pháo hoa.
Theo giới thiệu của BTC, trong 2 đêm 28 và 29/4, 50.000 hoa đăng được thả cùng 12 thuyền hoa diễu hành từ phía đông cầu Rồng đến cầu Thuận Phước. Các chương trình văn nghệ với chủ đề Khúc ca khải hoàn (đêm 28/4), bài ca thống nhất (đêm 29/4) do nhà hát Trưng Vương thực hiện.
Tối nay, Nam Phi sẽ là đội khai màn cho cuộc thi DIFC 2015. Lần đầu tiên đến với DIFC, đội Nam Phi sẽ có màn trình diễn mang tên “Bầu trời xanh châu Phi”.
Theo giới thiệu, màn biểu diễn sẽ là một hành trình đầy màu sắc đưa khán giả vào chuyến du ngoạn ngắn, trở về vài thập kỷ trước của đất nước Nam Phi.
Các đội đã sẵn sàng cho màn trình diễn pháo hoa quốc tế Đà Nẵng. Ảnh: Đoàn Nguyên. |
Trở lại Đà Nẵng lần này, màn trình diễn mang tên “Trọn vẹn tình yêu” của đội Pyrotecnico - Mỹ là những bản tình ca thể hiện qua các thể loại âm nhạc khác nhau. Các tiết mục này được dàn dựng để mang lại sự đổi mới với những hình ảnh sáng tạo và các hiệu ứng đặc biệt.
Trong khi đó, màn trình diễn của đội chủ nhà Đà Nẵng - Việt Nam có tên “Bản giao hưởng sắc màu”. Phần một thể hiện đất nước Việt Nam con Rồng cháu Tiên, tái hiện khung cảnh lịch sử 4.000 năm dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam. Những người con anh dũng đứng lên chiến đấu bảo vệ quê hương, đất nước sẽ được tái hiện trong những màn pháo hoa lung linh màu sắc.
Phần hai là tình yêu quê hương, đất nước, biển, đảo. Phần ba giới thiệu về TP Đà Nẵng, nơi tổ chức DIFC, một thành phố đang ngày càng mở rộng quan hệ và hòa nhập với bạn bè năm châu.
Tối 29/4, đội Australia sẽ mở màn và chốt lại cuộc thi là phần trình diễn của đội Ba Lan.
Các khâu chuẩn bị đã hoàn tất
Chiều 28/4, ông Huỳnh Đức Thơ, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng cho biết, công tác tổ chức đã được thành phố quan tâm đầu tư, chuyên nghiệp từ khâu chuẩn bị, vận động tài trợ đến đầu tư xây dựng cơ sở vật chất.
Theo ông Thơ, DIFC 2015 hứa hẹn sẽ có nhiều bất ngờ và thú vị đến từ 5 đội thi đại diện cho 5 châu lục khác nhau.
Để đảm bảo an toàn cho người dân và du khách xem pháo hoa, UBND TP Đà Nẵng chỉ đạo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với Sở Thông tin Truyền thông cùng các sở, ban, ngành khác tăng cường thông tin rộng rãi trên các phương tiện truyền thông.
Về hệ thống khán đài, năm nay được Đà Nẵng mở rộng, tăng quy mô so với các cuộc thi trước. Trong đó, khán đài A, B với sân khấu chính có sức chứa 17.650 chỗ ngồi/đêm, khán đài C với sức chứa 14.350 chỗ ngồi/đêm.
Dự kiến Ban tổ chức bán khoảng 10.300 vé/đêm tại các khán đài B3, B4 và C1 với mức giá lần lượt 500.000 đồng, 400.000 đồng và 300.000 đồng/người/đêm.
Thượng tá Nguyễn Hải Thuận, Trưởng phòng Tham mưu (Công an TP Đà Nẵng), cho biết, nhiều tháng qua, công an, lực lượng quân sự đã triển khai các phương án và lực lượng, phương tiện để đảm bảo an toàn cho người dân và du khách. Ngoài việc huy động 100% cán bộ chiến sĩ tham gia bảo vệ các điểm trọng yếu ở góc đường Bạch Đằng - Trần Phú, khán đài, cầu Sông Hàn, cầu Rồng, cầu Thuận Phước, các điểm cầu khác do công an phường, địa phương phụ trách.
Lực lượng Cảnh sát 113 ứng trực 24/24 giờ. Dịp này, hơn 300 chiến sĩ của Trung đoàn Cảnh sát cơ động cũng tham gia phối hợp bảo vệ lễ hội pháo hoa...
"Nếu xảy ra cháy nổ hoặc sự cố thì du khách, người dân không nên hoảng loạn mà bình tĩnh làm theo sự hướng dẫn của lực lượng an ninh, cảnh sát tại chỗ. Ai tung tin thất thiệt sẽ bị bắt giữ để đảm bảo an ninh trật tự. Người dân cũng cảnh giác, báo ngay cho công an nếu phát hiện người nào có ý đồ xấu để kịp thời xử lý”, thượng tá Thuận nhấn mạnh.
Đến chiều 28/4, cả 5 đội dự thi đã hoàn thành các công đoạn. Tại khu vực cảng Sông Hàn, hàng nghìn quả pháo hoa các loại đã đưa vào bệ phóng.
Lực lượng công an và Bộ chỉ huy Quân sự TP Đà Nẵng đã cử người canh giữ nghiêm ngặt, để đảm bảo an toàn tuyệt đối cho pháo hoa.
Ngày hôm nay, nhiều hoạt động phụ trợ khác đã diễn ra như: liên hoan giao lưu ẩm thực, trang trí ánh sáng nghệ thuật, các hoạt động thể thao biển...