Một ngày tháng 11/2021, anh chính thức ngỏ lời cầu hôn. Là fan cuồng của ẩm thực Việt, những suy nghĩ xung quanh chuyện khác biệt ăn uống và văn hóa bắt đầu hiện lên trong đầu tôi, vì anh là người đạo Hồi. Món bún đậu mắm tôm yêu thích, thịt kho tàu, những buổi nhậu,... hoặc chiếc khăn trùm đầu.
Tôi yêu anh 3 năm, nhưng chưa bao giờ suy nghĩ quá nhiều về chuyện cưới xin. Nhưng khi anh ngỏ lời, tôi hiểu rằng mình cần nghiêm túc suy xét.
Sự cảm thông từ hai phía
Ở Malaysia, nếu tôi muốn đăng ký kết hôn với người đạo Hồi thì bắt buộc phải theo đạo, trải qua các lớp học và có giấy chứng nhận.
Người đạo Hồi có các quy tắc nổi tiếng như không ăn thịt heo; không bia rượu; mỗi năm đều có một tháng nhịn ăn từ lúc mặt trời mọc đến lúc mặt trời lặn gọi là tháng Ramadan; phụ nữ phải trùm đầu khi ra ngoài... Thậm chí, người đạo Hồi ở Malaysia nếu bị phát hiện uống bia rượu ở ngoài có thể phải ngồi tù.
Từ khi bắt đầu mối quan hệ với anh, tôi chỉ đơn thuần yêu chứ không tính chuyện xa xôi, nên những khác biệt văn hóa kể trên trước đây không làm tôi bận tâm và suy nghĩ nhiều.
Ở Việt Nam, thịt heo có mặt trong hầu hết món ăn truyền thống, từ các loại bánh mặn như bánh chưng, bánh giò, bánh xèo, đến những món canh, hầm, kho, xào, cuốn… Có thể nói tôi ăn thịt heo mà lớn, thịt heo gắn liền với cuộc sống hàng ngày. Đến cả món ăn yêu thích nhất của tôi là bún đậu mắm tôm, thịt heo cũng có mặt trong nửa mâm - thịt heo luộc, chả cốm làm từ thịt heo, nem chua rán cũng làm từ thịt heo.
Chưa kể, tôi còn là một “bợm nhậu”. Các cuộc gặp gỡ, tụ họp đôi khi bớt vui nếu thiếu chút “men”.
Vì vậy, việc từ bỏ những điều mà từ xưa đến giờ tôi vẫn cho là điều hiển nhiên thật sự là một quyết định khó khăn.
Đông Nhi bên gia đình chồng sắp cưới. Ảnh: NVCC. |
Thế nhưng, sự ấm áp và cảm thông từ anh - cũng như gia đình anh - khiến tôi cảm thấy mình cũng cần có trách nhiệm suy nghĩ và cảm thông lại cho họ.
Thậm chí cả trước khi anh ngỏ lời, mẹ đã có ý muốn giữ tôi lại khi tôi định kết thúc công việc ở đây và trở về Việt Nam. Bà nói sẽ không ép buộc tôi phải tuân thủ 100% quy định của đạo Hồi, trừ những điều cấm kỵ. Bà thậm chí còn đề nghị tôi không cần trùm đầu nếu tôi cưới anh.
Về phần anh, tôi gần như không có gì để chê khi anh là một người rất hiền lành, yêu thương và “hợp cạ” với tôi về nhiều mặt.
Tôi quyết định thử thách bản thân, bắt đầu theo học đạo và tập hạn chế thịt heo cũng như bia rượu. Từ bỏ những thứ mà tôi xem là một phần cuộc sống của mình là điều khó, nhưng có lẽ từ bỏ anh và gia đình anh - những người đã cởi mở, gác lại một số truyền thống của họ để đón nhận tôi - lại càng khó hơn.
Đông Nhi và chồng sắp cưới ngày đám hỏi. Ảnh: NVCC. |
Biến tấu lại món Việt
Là người đam mê ẩm thực Việt và biết nấu ăn, tôi luôn có thể tự nấu những món mình yêu thích trong suốt hơn ba năm sống ở Malaysia, từ bún đậu mắm tôm, đến chả giò, gỏi cuốn, hay cơm tấm.
Tôi cũng hay nấu cho anh ăn thử các món truyền thống nhưng không dùng thịt heo. Tôi nghĩ đến chuyện biến tấu thêm nhiều món ăn khác để tập làm quen với việc không ăn thịt heo nhưng vẫn thỏa mãn được cơn thèm đồ Việt.
Chẳng hạn, khi làm bún đậu mắm tôm, tôi có thể thay thịt heo luộc bằng thịt bò luộc, và thay chả cốm thịt, nem chua rán bằng chả cá, cá viên, bò viên,... Dù không đúng điệu, nhưng về cơ bản mẹt bún đậu của tôi vẫn rất tuyệt vời, vì các thức ăn chính của món này vẫn là bún, đậu hũ, mắm tôm và rau sống.
Hoặc, khi làm chả giò, tôi thay thịt heo bằm bằng thịt gà trộn thịt bò bằm. Thịt gà mềm, trong khi bò dai hơn, khi trộn chung có độ dai mềm vừa phải, đủ để tôi có thể tự đánh lừa mình rằng chúng giống thịt heo.
Khi làm cơm tấm, tôi sử dụng thịt cừu thay cho sườn heo; cũng có khi tôi dùng thịt gà, ăn chung với nước mắm pha của món cơm đặc sản TP.HCM.
Đông Nhi biến tấu lại nấu các món ăn truyền thống Việt Nam để phù hợp với quy tắc ăn uống của người đạo Hồi. Ảnh: NVCC. |
May mắn thay, anh rất thích các món tôi nấu và tôi cảm nhận được khẩu vị chúng tôi rất hợp nhau. Vì vậy, tôi cũng không cần lo lắng về các "cuộc chiến mâm cơm". Thậm chí nhiều khi, anh tự đòi tôi nấu món Việt cho anh ăn, và món được đề nghị nhiều nhất là gà chiên nước mắm Việt Nam.
Về phần tôi, ban đầu mới sang Malaysia, tôi không thích đồ ăn ở đây lắm vì họ thường nấu khô và rất ít có rau xanh. Nhưng giờ đây, tôi cũng đã có cho mình một “bộ sưu tập” món Malaysia yêu thích như laksa (bún cá), asi karang (cơm ăn chung với sò huyết xào).
Trải qua giây phút quyết định khó khăn, giờ đây tôi đang rất lạc quan về tương lai cùng anh, về những bữa cơm chứa đựng sự cảm thông và chia sẻ lẫn nhau từ đôi vợ chồng đến từ hai nền văn hóa khác biệt lớn.
Món bún đậu mắm tôm ăn với thịt bò và chả cá có lẽ sẽ là món ăn đặc biệt, chứa đựng nhiều tầng ý nghĩa với tôi.