Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Cô gái lai Thái - Việt làm tình nguyện viên chống dịch ở TP.HCM

Thường xuyên tiếp xúc với F0, mặc đồ bảo hộ nhiều giờ mà không được ăn uống, đi vệ sinh. Đó chỉ là một số khó khăn mà các tình nguyện viên như Võ Kim Shotika phải trải qua lúc này.

Khi được hỏi về cái tên khá đặc biệt, Võ Kim Shotika (sinh năm 2002) mỉm cười nói cô là con lai Thái - Việt, sinh ra và lớn lên tại TP.HCM.

Đầu năm 2020, gia đình Shotika hoàn thành giấy tờ đi Mỹ theo diện định cư. Tuy nhiên, dịch Covid-19 bùng phát khiến họ mắc kẹt lại.

“Tháng 6 vừa qua, cả nhà mình có visa nhưng Sài Gòn lại bùng dịch nên một lần nữa chưa đi được. Đợt dịch này phức tạp, mình quyết tâm phải làm điều gì đó cho quê hương. Đó là lý do mình đăng ký tham gia làm tình nguyện viên chống dịch”, cô gái 18 tuổi nói với Zing.

Tinh nguyen vien TP.HCM anh 1

Võ Kim Shotika trở thành tình nguyện viên chống dịch từ giữa tháng 6.

Xung phong vào tâm dịch

Đầu tháng trước, phường Thạnh Lộc (quận 12), nơi gia đình Shotika cư trú, thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16, chốt phong tỏa được dựng lên khắp nơi.

Thương lực lượng dân quân, tình nguyện viên phải làm việc dưới nắng nóng 12 tiếng/ngày, Shotika cùng một số đoàn viên của phường bỏ tiền túi và kêu gọi mạnh thường quân đóng góp, tự nấu 1.000 chai nước sâm tặng tận tay mọi người.

Giữa tháng 6, Shotika đăng ký trở thành tình nguyện viên và được giao nhiệm vụ hỗ trợ tiêm vaccine cho người dân ở quận 12. Ca làm việc của cô thường kéo dài từ 7h đến 19h. Đôi khi, do nhập liệu lượng thông tin lớn, 21h cô mới về nhà.

Thấy con gái đi sớm về khuya, xung phong vào nơi nguy hiểm, mẹ Shotika lo lắng, khuyên cô ở nhà. Tuy nhiên, với suy nghĩ “nếu ai cũng sợ thì ai sẽ tham gia chống dịch”, cô gái 18 tuổi trấn an người thân, tiếp tục làm việc.

Tinh nguyen vien TP.HCM anh 2

Shotika hỗ trợ tiêm vaccine cho người dân ở quận 12.

Hơn 2 tuần nay, Shotika chuyển sang hỗ trợ y, bác sĩ lấy mẫu xét nghiệm ở những khu có F0. Từ 12h30 đến 19h mỗi ngày, nhiệm vụ của cô là chuẩn bị dụng cụ test, báo cáo cơ quan y tế về các ca dương tính được phát hiện.

Shotika cùng nhóm tình nguyện viên trẻ của quận 12, nhiều trong số đó là học sinh, sinh viên, hợp thành team chống dịch, gọi vui là “biệt đội săn Covid”. Dù không thấy mặt, không biết nhau là ai vì mặc đồ bảo hộ kín mít, tất cả đều chung mục tiêu giúp TP.HCM sớm đẩy lùi dịch.

Những ngày khó quên

Theo Shotika, khó khăn lớn nhất khi làm việc là phải mặc đồ bảo hộ để tránh nguy cơ nhiễm bệnh.

“Đồ bảo hộ có 3 loại, số lượng hiện nay khá hạn hẹp. Chúng mình được phát loại bên trong có lớp nylon rất bí, gần như không thể thoát khí. Ở điểm mình làm việc, có 3 bạn từng ngất xỉu vì quá nóng. Mỗi khi tháo đồ ra là người ướt sũng, tay phồng rộp vì đeo 2-3 lớp găng, chân thì đứng lâu nên bị lên bọng nước”, cô kể.

Nhiều hôm mưa, các tình nguyện viên ướt hết người nhưng vẫn phải mặc quần áo bảo hộ. Đồ gặp nước rách ra, họ phải quấn thêm áo mưa, nylon để tạm thời khắc phục.

Để tiết kiệm đồ bảo hộ, Shotika và đồng đội cố gắng nhịn ăn, không uống nước hay đi vệ sinh cho đến khi ca làm việc kết thúc sau 12 tiếng.

“Những ngày này, có bánh mì ăn là vui rồi, mà không có nhân đâu. Thật sự rất mệt nhưng chưa bao giờ mình nghĩ sẽ dừng lại”, cô gái 18 tuổi nói.

Giọng có chút nghẹn lại, Shotika kể vài hôm trước, khi lấy mẫu xét nghiệm Covid-19 cho một bé 4 tuổi, tất cả tình nguyện viên đều bật khóc.

“Mình ôm lấy bé để an ủi, tránh bé vùng vẫy khi lấy mẫu. Sau đó, bé không buông tay mình, bảo ‘Chị đừng đi’. Cả nhà chỉ có mình bé có kết quả dương tính, rất đau lòng”, cô nói.

Hôm khác, Shotika hỗ trợ một phụ nữ là F0, bị động thai trong khu cách ly thay đồ, lên xe cứu thương. Thai phụ sau đó nắm tay cô, rưng rưng nói lời cảm ơn và chúc bình an.

Với Shotika, những điều nhỏ nhé như vậy nhưng có ý nghĩa tinh thần rất lớn, tiếp thêm cho cô động lực mỗi ngày.

Sài Gòn sẽ sớm khỏe lại

Để đảm bảo an toàn cho người thân, mỗi hôm đi làm về, Shotika đi thẳng lên phòng, tự cách ly. Nhiều tuần nay, bố cô ở công ty không thể về vì dịch, nhà chỉ có 2 mẹ con nhưng không có bữa cơm chung.

Từ sáng 23/7, cô gái 18 tuổi trở lại với nhiệm vụ hỗ trợ tiêm vaccine cho người dân.

Vì không biết khi nào mới có thể sang Mỹ định cư, Shotika đăng ký học lớp 12 tại một trường tư để tránh lãng phí thời gian.

Trước đó, năm 2019, Shotika nghỉ học để ôn luyện và thi IELTS. Cô còn làm mẫu ảnh, hát phòng trà, biên đạo múa cho đến khi dịch bùng phát khiến mọi công việc cá nhân phải dừng lại.

Hiện, mỗi ngày, Shotika học online từ 7h đến 11h30. Tới 12h30, cô tất bật chuẩn bị đi hỗ trợ lấy mẫu xét nghiệm tới 20h mới trở về. Nhiều hôm, cô vừa đi làm tình nguyện, vừa đeo tai nghe để nghe thầy cô giảng bài.

Tinh nguyen vien TP.HCM anh 5

Shotika vừa học văn hóa, vừa làm tình nguyện viên trong hơn một tháng qua.

Dù vất vả vì làm nhiều việc cùng lúc, Shotika nói điều cô cảm thấy mình thu được nhiều nhất là sự tương trợ, tình cảm của người dân TP.HCM.

Đó là khi tặng nước sâm cho dân quân, tình nguyện viên đứng chốt phong tỏa, cô nhận về nụ cười, lời biết ơn.

Đó là khi một phụ nữ đi ngang qua chốt kiểm dịch, bất ngờ nói “Cảm ơn các con” và tặng cô chai nước suối.

Đó là tình thương của người mẹ, dù lo con gái không may thành F0, vẫn xem từng bức ảnh con gửi về, tự hào khoe mọi người “Con tôi đi chống dịch”.

“Mình vui vì bản thân làm điều có ích, có cơ hội trưởng thành hơn mỗi ngày. Chúng ta đều chỉ sống một lần, nên mỗi giây trôi qua phải thật hết mình”, Shotika nói.

Là người con Sài Gòn, Shotika nói rất yêu và mong thành phố sẽ trở lại những ngày tấp nập, hạnh phúc.

“Mình không quen Sài Gòn im lặng như vậy. Mình nhớ tiếng xe cộ, tiếng chợ đông đúc. Hy vọng dịch sớm qua để mọi người bớt vất vả, cuộc sống trở lại bình thường”, cô nói.

Shotika nhắn nhủ thêm: “Mình mong tuổi trẻ Sài Gòn những ngày này tích cực hỗ trợ, tiếp sức cho y, bác sĩ, lực lượng chống dịch để không ai bị bỏ lại phía sau. Mình tự nhủ cố gắng để 10-20 năm nữa nhìn lại thấy quãng thanh xuân tươi đẹp và không phải tiếc nuối một giây phút nào”.

Hành trình đi tìm nụ cười của cô gái không răng, không tóc bẩm sinh

Mắc căn bệnh hiếm gặp, Ngọc Hạnh gặp một số khó khăn trong cuộc sống nhưng vẫn thấy mình may mắn vì có gia đình kề bên.

Thiên Nhi

Bạn có thể quan tâm