Zing.vn trích dịch South China Morning Post, đề cập câu chuyện cô gái Hàn Quốc mặc dù mất khả năng đi lại nhưng vẫn quyết tâm chu du thế giới. Điều này không chỉ khích lệ những người khuyết tật khác theo đuổi đam mê, mà còn làm thay đổi cả xứ sở kim chi.
Người khuyết tật dù bị khiếm thị, khiếm thính hay phải dùng xe lăn cũng có đam mê du lịch, ưa thích tham gia các môn thể thao mạo hiểm như nhảy dù, lướt sóng như người khỏe mạnh, Hong Seo-yoon (31 tuổi), chia sẻ về sở thích của mình.
“Bị khuyết tật không phải điều gì kỳ lạ hay đặc biệt. Khuyết tật hay không cũng có nhu cầu đi chơi như những người lành lặn”, cô nói thêm.
Thành phố Paris là điểm dừng chân không thể bỏ qua của Hong khi ghé thăm Pháp. Ảnh: SCMP.
|
Hong Seo-yoon là nhà sáng lập Tourism for All Korea - một tổ chức phi lợi nhuận Hàn Quốc ủng hộ phát triển ngành du lịch cho người khuyết tật, đồng thời đóng góp những kiến nghị để cải thiện chính sách du lịch của quốc gia này.
Ngoài ra, cô còn là tác giả của cuốn Europe, there’s no reason not to go (Tạm dịch: Chẳng có lý do nào để không ghé thăm Châu Âu). Đây là cuốn sách du lịch đầu tiên được viết bởi một người trên xe lăn tại xứ sở kim chi.
Nỗ lực biến Seoul trở nên thân thiện với mọi người
Những nỗ lực của Hong Seo-yoon đã làm thay đổi thành phố Seoul. Hiện nay, thành phố chủ trương nâng cấp cơ sở hạ tầng, bao gồm đường phố, giao thông công cộng và các trang web du lịch sao cho người dân và du khách khuyết tật dễ tiếp cận hơn.
Kể từ năm 2017, thủ đô của Hàn Quốc đã cài đặt hơn 9.000 thiết bị tiện lợi như thang máy, nhà vệ sinh dành cho người khuyết tật hay lát gạch tăng xúc giác cho những người thị lực kém.
Đầu năm nay, Thành phố đã mở Trung tâm Danurim - văn phòng chuyên cung cấp thông tin về du lịch, phương tiện giao thông cho khách du lịch trong nước và quốc tế.
Hong đã tới thành phố New York. Ảnh: SCMP. |
Bang Hye-min, một quản lý của Tổ chức Du lịch Seoul cho biết: “Mục tiêu cuối cùng của chúng tôi là biến Seoul trở thành một thành phố toàn cầu. Bất cứ ai cũng có thể tận hưởng du lịch tại đây một cách trọn vẹn mà không gặp bất kỳ bất tiện nào”.
Ông chia sẻ, những cải tiến này trùng hợp với sự phát triển của xu hướng bình đẳng với những người khuyết tật xuất hiện đầu những năm 2000 và câu chuyện của Hong Seo-yoon như tiếp thêm sức mạnh cho xu hướng đó.
“Cách đây một thế hệ, một người có vấn đề về thể lực hoặc trí tuệ có thể là nỗi xấu hổ của gia đình họ”, Hong Seo-yoon nói.
Khó khăn trở thành động lực tiến lên
Đối với Hong Seo-yoon, kinh nghiệm rút ra từ những trở ngại cả về sức khỏe và giao tiếp xã hội chính là động lực cho những gì cô đạt được hôm nay.
Sau một tai nạn trong bể bơi năm 10 tuổi, Hong gặp chấn thương cột sống khiến cô bị liệt từ thắt lưng trở xuống, hoàn toàn mất khả năng đi lại.
“Vào thời điểm đó, Hàn Quốc không hề 'tiện lợi' đối với những người sử dụng xe lăn”, cô chia sẻ.
Hong nhớ lại khoảng thời gian anh trai phải đẩy cô trên chiếc xe lăn ngay bên cạnh những ôtô trên đường vì đường phố lúc bấy giờ không có vỉa hè.
Bên cạnh đó, cô phải chịu sự phân biệt đối xử từ nhà trường. Họ yêu cầu cha mẹ Hong gửi cô đến một tổ chức xa xôi dành cho người khuyết tật thay vì tiếp tục học tại đây.
Không làm theo đề nghị từ phía nhà trường, gia đình cô đã chuyển đến Philippines. Tại đây, một người giáo viên đã nói với Hong: "Khuyết tật không phải là một khiếm khuyết bất bình thường".
Cô gái đã tới Căn cứ không quân Mỹ trên đảo Gunsam (Hàn Quốc). Ảnh: SCMP. |
Khi trở về Hàn Quốc để học đại học, Hong Seo-yoon đã đấu tranh với ban quản trị nhà trường khi họ từ chối chuyển một lớp học ở tầng trên xuống tầng trệt để cô có thể tham dự. Cô gái đã giành chiến thắng và bảo vệ được quyền lợi của mình. Đây cũng là tiền đề cho sự nghiệp sau này của Hong.
Ngoài ra, du lịch thế giới là đam mê của Hong Seo-yoon. Tính đến nay, cô đã đặt chân lên hơn 30 quốc gia. Những trải nghiệm từ chuyến đi đã được cô viết lại thành một cuốn sách.
Tuy nhiên, một lần nữa, Hong phải đối mặt với sự kỳ thị. Hai nhà xuất bản sách đều từ chối ý tưởng viết sách của cô. Cô chia sẻ: “Họ nói rằng sẽ chẳng ai đọc những câu chuyện về người khuyết tật đâu. Tôi thực sự cảm thấy bị tổn thương”.
Hong chơi dù lượn tại Thụy Sĩ. Ảnh: SCMP. |
Năm 2016, sau khi cam kết mua hết những cuốn sách thừa, Hon Seo-yoon thuyết phục thành công nhà xuất bản Saenggak Bi Haeng phát hành Europe, there’s no reason not to go.
Tuy nhiên, cô không phải mua lại bất cứ cuốn sách thừa nào vì tất cả 3.000 bản đã được bán hết. Hiện nay, cuốn sách đang được tái bản lần hai.
Một số người khuyết tật đã gửi tin nhắn hỏi cô, làm thế nào để có thể thực hiện các hoạt động mà cô làm trong các chuyến du lịch nước ngoài, chẳng hạn như chơi dù lượn ở Thụy Sĩ.
Đáp lại câu trả lời của những người khuyết tật, cô nói rằng, họ không cần phải đến tận Châu Âu để chơi dù lượn, vì hiện nay thành phố Seoul có trò đó.
“Họ không bao giờ nghĩ, một người khuyết tật có thể chơi môn thể thao mạo hiểm”, cô chia sẻ.