Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Cổ đông Y Khoa Hoàn Mỹ và Phở 24 bị truy thu thuế tiền tỷ

Cục Thuế TP.HCM vừa quyết định truy thu và phạt một số cá nhân không kê khai và nộp đủ thuế trong vụ chuyển nhượng vốn tại Y khoa Hoàn Mỹ và Phở 24, với số tiền hơn 182 tỷ đồng.

Cụ thể, tại công ty cổ phần thương mại và dịch vụ Phở 24 có sáu cá nhân chuyển nhượng vốn trong tháng 9/2007 nhưng chưa kê khai thuế thu nhập doanh nghiệp, do năm 2007 Luật thuế thu nhập cá nhân (TNCN) chưa có hiệu lực, bị truy thu thuế thu nhập doanh nghiệp số thuế 16,17 tỷ đồng. Riêng một cổ đông lớn tại công ty cổ phần Y khoa Hoàn Mỹ kê khai không đầy đủ thuế TNCN của lần chuyển nhượng trong năm 2011, bị truy thu và phạt 166,2 tỷ đồng.

Chuyển hồ sơ cho cơ quan điều tra

Một lãnh đạo Cục Thuế TP.HCM cho biết, cổ đông của Y khoa Hoàn Mỹ đã có đơn xin được nộp phân kỳ do số tiền phải nộp khá lớn, nhưng không được chấp nhận. Trong sáu cá nhân có chuyển nhượng cổ phần của công ty Phở 24, một số người đã nộp thuế, số khác do định cư ở nước ngoài và vướng mắc về thủ tục đang trong quá trình tháo gỡ.

 

Không liên quan đến công ty

Ngày 18/4, đại diện Y khoa Hoàn Mỹ cho biết, một cá nhân bị ngành thuế truy thu và phạt thuế là cổ đông lớn của công ty, người đã bán 65% cổ phần do mình sở hữu cho Tập đoàn Fortis Healthcare (trị giá đến 64 triệu USD) trong năm 2011 nhưng không thông báo đầy đủ về lợi nhuận thu được, số tiền thuế nộp không đầy đủ. Tuy nhiên, đây chỉ là giao dịch cá nhân chứ không liên quan đến hoạt động của Y khoa Hoàn Mỹ.

Theo Cục Thuế TP.HCM, quá trình đấu tranh để đạt được kết quả trên rất gian nan, do nhiều cá nhân liên quan không thừa nhận. Cục Thuế TP.HCM phải trực tiếp vào cuộc, sau khi các chi cục thuế nơi doanh nghiệp đặt trụ sở tiến hành thanh tra nhưng không đạt kết quả. “Chúng tôi đã lập hai đoàn thanh tra, mỗi đoàn bốn người và phải tiến hành nhiều biện pháp nghiệp vụ, liên hệ nhiều cơ quan liên quan như Sở Kế hoạch - đầu tư TP.HCM, Sở Kế hoạch - đầu tư tỉnh Bình Dương, Cục Thuế Bình Dương... để kiểm tra các lần thay đổi thành viên nhằm làm cơ sở đấu tranh với người nộp thuế”, vị lãnh đạo này nói.

Việc thanh tra tiến hành từ tháng 12/2013 nhưng doanh nghiệp tìm cách trì hoãn, vì lý do chủ doanh nghiệp đi công tác nước ngoài, cận tết... nên đến nay việc thanh tra mới gần kết thúc. Sau khi có kết quả, Cục Thuế TP.HCM đã cung cấp thông tin các vụ việc này cho cơ quan điều tra. “Nhiều vụ chuyển nhượng vốn đã được tiến hành bí mật, thông tin không được công bố ra ngoài, không làm thủ tục sang tên nên cơ quan thuế không nắm hoặc kê khai giá chuyển nhượng bằng giá vốn, không phát sinh thuế. Để lần tìm manh mối, chúng tôi phải nhờ Ngân hàng Nhà nước TP.HCM hỗ trợ, bằng cách yêu cầu các tổ chức tín dụng cung cấp số tài khoản của các cá nhân có liên quan như một cách đánh động để những cá nhân này chịu hợp tác với cơ quan thuế”, đại diện Cục Thuế TP.HCM nói.

Chưa có quy định để “bịt lỗ hổng”

Những năm gần đây, việc chuyển nhượng vốn góp của các tổ chức và cá nhân trong các doanh nghiệp diễn ra thường xuyên, nhưng công tác quản lý việc nộp thuế mới chỉ dừng lại ở việc ghi nhận theo kê khai, chủ yếu do doanh nghiệp tự khai hoặc đối tượng cần cơ quan thuế xác nhận để hoàn thành các thủ tục pháp lý. Số thuế thu được từ hoạt động này tập trung ở các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, trong khi các doanh nghiệp trong nước có nhiều chiêu để lách thuế.

Một cổ đông của Bệnh viện Hoàn Mỹ, người đã chuyển nhượng cổ phần của mình nhưng không nộp thuế đầy đủ, đã bị ngành thuế truy thu và phạt thuế.

“Thông qua UBND TP.HCM, chúng tôi đã kiến nghị Bộ Tài chính có các quy định nhằm bịt lỗ hổng này, đó là cần quy định doanh nghiệp có hoạt động chuyển nhượng vốn cho tổ chức, cá nhân khác bắt buộc phải lập hóa đơn giá trị gia tăng để kê khai nộp thuế giá trị gia tăng và nộp thuế thu nhập doanh nghiệp theo quy định”, một lãnh đạo Cục Thuế TP.HCM cho biết.

Ngoài ra, theo kiến nghị của ngành thuế TP.HCM, doanh nghiệp nhận chuyển nhượng vốn của các doanh nghiệp khác nếu không có hóa đơn hợp pháp thì không được tính vào chi phí được trừ khi tính thuế. Với doanh nghiệp có hoạt động chuyển nhượng vốn, phần giá trị vốn chuyển nhượng theo hợp đồng phải có chứng từ thanh toán không dùng tiền mặt, nếu không cơ quan thuế có quyền ấn định giá chuyển nhượng và giá vốn.

Đặc biệt, doanh nghiệp có phần vốn chuyển nhượng chỉ làm thủ tục thay đổi danh sách thành viên góp vốn phải có hóa đơn chuyển nhượng vốn, tờ khai kê khai nộp thuế TNCN và chứng từ khấu trừ thuế đối với cá nhân chuyển nhượng vốn. Trường hợp không có hóa đơn, chứng từ, doanh nghiệp nơi cá nhân chuyển nhượng vốn phải kê khai và nộp thuế thay...

Theo ông Nguyễn Thái Sơn - nguyên trưởng phòng thuế TNCN Cục Thuế TP.HCM, hai vụ truy thu thuế tại Y khoa Hoàn Mỹ và Phở 24 dù số tiền lên đến hàng trăm tỷ đồng nhưng chỉ là con số quá nhỏ so với thực tế. Bởi từ năm 2007 đến nay, các thương vụ chuyển nhượng vốn đã bị buông lỏng. Cũng theo ông Sơn, thay vì siết việc thu thuế TNCN của người làm công ăn lương, cơ quan thuế nên tập trung mạnh vào hoạt động chuyển nhượng vốn vì đây là mảng có thể thu được nhiều thuế.

“Không quá khó để rà soát do doanh nghiệp vẫn còn lưu các chứng từ chuyển nhượng. Tuy nhiên, điều quan trọng là cần hoàn thiện quy định pháp luật nhằm ngăn chặn triệt để tình trạng lách thuế, vừa tăng thu ngân sách vừa tạo công bằng đối với các đối tượng nộp thuế khác, nhất là những người làm công ăn lương ”, ông Sơn nói.

http://tuoitre.vn/Kinh-te/603501/bi-phat-va-truy-thu-thue-hang-tram-ti-dong.html

Theo Tuổi trẻ

(Znews đặt lại tiêu đề bài viết)

Bạn có thể quan tâm