Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Cổ đông Sacombank phản đối sáp nhập

Phần lớn ý kiến cổ đông đều không đồng ý việc sáp nhập Southern Bank vào Sacombank. “Không sáp nhập thì tốt hơn, lúc đó Sacombank sẽ vững vàng và tốt hơn".

Sáng nay (25/3), Ngân hàng Thương mại Cổ phần Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) tổ chức phiên họp đại hội đồng cổ đông năm 2014. 

Ngày 26/5/2012, phiên họp đại hội đồng cổ đông thường niên 2011 đã đánh dấu những thay đổi quan trọng và căn bản trong cơ cấu quản trị, điều hành Sacombank. Một Sacombank “mới” đối với cổ đông và nhà đầu tư bắt đầu từ đó. Đến nay, những thay đổi tại ngân hàng này vẫn tiếp tục thu hút sự chú ý của thị trường. Phiên họp đại hội đồng cổ đông lần này gắn với những sự kiện và kế hoạch quan trọng.

Phiên họp đại hội đồng cổ đông Sacombank 2014.

Trước thềm đại hội, một loạt thông tin đáng chú ý đã được giới truyền thông đề cập. Đó là thay đổi quan trọng trong cơ cấu Hội đồng Quản trị, cụ thể là vị trí Chủ tịch; vai trò của ngân hàng Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank) và sự đồn đoán về khả năng thoái vốn tại Sacombank; chủ trương sáp nhập ngân hàng Phương Nam (Southern Bank).

Hôm qua (24/3), Sacombank đã chính thức công bố thông tin về việc ông Phạm Hữu Phú xin từ nhiệm vị trí Chủ tịch Hội đồng Quản trị “vì lý do cá nhân”. Hội đồng Quản trị cũng đã thống nhất bầu ông Kiều Hữu Dũng, Phó chủ tịch Hội đồng Quản trị (thành viên Hội đồng Quản trị độc lập) là người kế nhiệm. Với sự kiện trên, người của Eximbank - ông Phạm Hữu Phú - đã rút khỏi vị trí cao nhất trong cơ cấu quản trị Sacombank. Khả năng Eximbank thoái vốn, như một công ty chứng khoán đề cập mới đây, cũng có thể sẽ được cổ đông tìm hiểu thêm tại đại hội, ở phần thảo luận.

Trong khi đó, kế hoạch sáp nhập Southern Bank ở phiên họp này mới chỉ ở mức độ xin đại hội đồng cổ đông thuận chủ trương, nếu được sẽ đến bước xây dựng đề án để trình đại hội đồng cổ đông xem xét sau. Về hướng sáp nhập này, đến nay phía Southern Bank vẫn chưa có bất cứ một thông tin nào công bố.

Liên quan đến hoạt động của Sacombank, ngay trước thềm đại hội, một tờ báo phản ánh ngân hàng này đã cho vay một khoản tín chấp trị giá 660 tỷ đồng cho công ty Nhựa Tân Đại Hưng - công ty có thành viên sáng lập là ông Phạm Trung Cang, người đang có liên quan đến vụ án của ông Nguyễn Đức Kiên từng xảy ra tại ngân hàng Á Châu (ACB).

Về khoản vay trên, lãnh đạo Sacombank khẳng định là “hoạt động giao dịch ngân hàng bình thường”, cũng như đảm bảo các quy định pháp lý. Được biết, Sacombank đã thu hồi khoản vay này, và cũng không rõ vì sao thông tin trên lại “lọt” ra ngoài ngay trước thời điểm tổ chức đại hội đồng cổ đông năm 2014, dù khoản vay có từ gần hai năm trước (ngày 16/8/2012).

Những nội dung chính của phiên họp đại hội đồng cổ đông năm 2014 của Sacombank đang diễn ra tại trung tâm hội nghị White Palace (Tp.HCM):

Theo thông báo của ông Nguyễn Tấn Thành, Trưởng ban kiểm soát Sacombank, phiên họp sáng nay có tỷ lệ cổ đông tham gia đạt 77,25% tổng số cổ phần có quyền biểu quyết. Ở bàn chủ tọa, ông Kiều Hữu Dũng đã hiện diện ở vị trí Chủ tịch Hội đồng Quản trị, cùng ông Trầm Bê, ông Phan Huy Khang, ông Nguyễn Miên Tuấn và ông Nguyễn Tấn Thành.

Theo báo cáo tại đại hội, 2013 được đánh giá là năm có ý nghĩa quan trọng của Hội đồng Quản trị mới trong quá trình hai năm tiếp nhận và quản trị Sacombank. Đây cũng là năm được Hội đồng Quản trị nhấn mạnh ở kết quả hoàn thành xuất sắc chỉ tiêu lợi nhuận trước thuế với 2.838 tỷ đồng, tương đương 101,3% kế hoạch, tăng 115,9% so với năm 2012. Đáng chú ý, mức lợi nhuận trên được thực hiện trong điều kiện phải tất toán lỗ trạng thái vàng 524 tỷ đồng.

Trong năm 2013, ngoài một số chỉ tiêu chưa như kỳ vọng, có hai kế hoạch mà Sacombank chưa làm được là tìm đối tác chiến lược nước ngoài và chuyển đổi chi nhánh tại Lào thành ngân hàng con 100% vốn. Hội đồng Quản trị lý giải chủ yếu là do bối cảnh khó khăn khách quan.

Định hướng năm 2014, Hội đồng Quản trị Sacombank trình đại hội các chỉ tiêu kế hoạch: tổng tài sản tăng 14% (ước đạt 183.000 tỷ đồng), tổng huy động tăng 14% (ước đạt 160.500 tỷ đồng), tổng dư nợ tăng 13% (ước đạt 124.600 tỷ đồng), lợi nhuận trước thuế đạt 3.000 tỷ đồng (+/-10% tùy tình hình kinh tế vĩ mô), tỷ lệ nợ xấu dưới 3% và tỷ lệ cổ tức khoảng 10-12%.

Có thể thấy, các mục tiêu tăng trưởng nói trên là khá thận trọng, đặc biệt là ở chỉ tiêu nợ xấu, khi cuối năm 2013 của Sacombank chỉ 1,44%. Tuy nhiên, nếu kế hoạch sáp nhập Southern Bank được thông qua và thực hiện trong năm nay, những chỉ tiêu trên sẽ hoàn toàn thay đổi.

Kế hoạch sáp nhập Southern Bank cũng được nhấn mạnh trong báo cáo của Hội đồng Quản trị và Ban điều hành Sacombank trước đại hội, theo hướng “tập trung triển khai” để tăng quy mô hoạt động, hoàn thành chương trình tái cấu trúc trong chiến lược phát triển giai đoạn 2011-2020.

Với chức danh mới, ông Kiều Hữu Dũng, Chủ tịch Hội đồng Quản trị đã đọc đơn xin từ nhiệm của người tiền nhiệm - ông Phạm Hữu Phú; tờ trình xin chủ trương sáp nhập Southern Bank với lộ trình thực hiện trong năm 2014; tờ trình giải tỏa trước hạn 32 triệu cổ phiếu phát hành ưu đãi cho cán bộ chủ chốt năm 2013 nhằm khích lệ tinh thần cán bộ nhân viên (số cổ phiếu này bị hạn chế chuyển nhượng trong vòng 1 năm sau khi phát hành, đến 3/7/2014); tờ trình cơ chế trích thưởng 20% vượt chỉ tiêu kế hoạch được giao 2014...

Ông Kiều Hữu Dũng (người ngồi giữa) trả lời chất vấn của cổ đông với tư cách là Chủ tịch Hội đồng Quản trị.

Đến phần thảo luận, phiên họp bắt đầu nóng lên khi một số ý kiến cổ đông lên tiếng phản đối kế hoạch sáp nhập Southern Bank. Trong khi Chủ tọa yêu cầu đóng góp ý kiến bằng văn bản thì một cổ đông đứng lên cầm micro hỏi trực tiếp: “Tại sao phải sáp nhập ngân hàng Phương Nam vào Sacombank?”. Trước câu hỏi trên, ông Kiều Hữu Dũng trả lời, vì ngân hàng cần phải mở rộng quy mô hoạt động nên cần sáp nhập. Đây cũng là ý chính và gần như duy nhất được Sacombank đưa ra trong suốt quá trình thông tin về kế hoạch sáp nhập, cho đến nay.

Phần lớn ý kiến phát biểu từ cổ đông đều không đồng ý việc sáp nhập Southern Bank vào Sacombank. “Không sáp nhập thì tốt hơn, lúc đó Sacombank sẽ vững vàng và tốt hơn khi phải níu kéo một ngân hàng yếu kém hơn”, một cổ đông nói. Trong khi đó, một cổ đông khác cho biết, không đồng ý việc ủy quyền cho Hội đồng Quản trị thực hiện các tờ trình “vì chúng tôi không biết Hội đồng Quản trị sẽ thực hiện vấn đề gì”.

Trước chất vấn liên tiếp từ cổ đông, ông Nguyễn Miên Tuấn, Phó chủ tịch Hội đồng Quản trị Sacombank cho rằng, việc sáp nhập Southern Bank sẽ xin ý kiến cổ đông cụ thể bằng văn bản, để đảm bảo thời lượng cho chương trình đại hội. Tuy nhiên, trước những nội dung quan trọng và có ảnh hưởng lớn tới hoạt động ngân hàng, đến lợi ích của cổ đông Sacombank, có ý kiến đề nghị bỏ qua khâu trình bày các tờ trình để dành thêm thời gian cho phần thảo luận. Về ý kiến trên, ông Tuấn nói rằng, việc đọc các tờ trình là hình thức bắt buộc. Và về các ý kiến tại tại hội, do giới hạn thời gian nên không thể cho phép tất cả các cổ đông có ý kiến, mà xin thực hiện ý kiến bằng văn bản.

Ông Kiều Hữu Dũng cũng trấn an thêm: Về vấn đề cổ đông quan tâm nhất là việc sáp nhập Southern Bank vào Sacombank, Hội đồng Quản trị đã nghiên cứu kỹ lưỡng, điểm lợi và hại trong thời gian sắp tới nên mới đề nghị sáp nhập. “Việc sáp nhập này, theo chúng tôi là rất có lợi cho Sacombank. Xin các cổ đông an tâm và chấp thuận đề nghị này. Chúng tôi mong muốn cổ đông đưa ý kiến bằng văn bản, chúng tôi sẽ trả lời qua website. Chúng tôi đảm bảo thông tin được minh bạch”, tân Chủ tịch Sacombank nói.

Phần thảo luận tại đại hội kết thúc chóng vánh sau những ý kiến phản đối và hoài nghi của cổ đông về kế hoạch sáp nhập. Giờ giải lao, báo giới tập trung về bàn chủ tọa để tìm hiểu thêm thông tin, song lực lượng bảo vệ đã ngăn lại...

http://vneconomy.vn/20140324110541513P0C6/truc-tiep-co-dong-sacombank-phan-doi-sap-nhap.htm

Theo VnEconomy

(Znews đặt lại tiêu đề bài viết)

Bạn có thể quan tâm