Trao đổi với phóng viên Zing.vn ngày 29/10, ông Võ Văn Măng - Trưởng Công an xã An Thạnh 1, huyện Cù Lao Dung (Sóc Trăng), cho biết đã tìm được người thân của cô dâu Việt đi lạc đường ở Trung Quốc. Người này là Yến, sinh ngày 14/10/1997, ngụ phường Châu Phú A, TP Châu Đốc (An Giang).
Yến sau khi về đến Việt Nam. Ảnh: C.N.
|
Theo ông Măng, chứng minh nhân dân mà Yến mang theo trong túi hành lý có tên Trà, sinh năm 1993, địa chỉ thường trú ở ấp An Thạnh, xã An Thạnh 1 là giấy tờ giả. Cô gái tên Trà thật sự sinh năm 1995, ngụ ấp An Thường (xã An Thạnh 1) đã lấy chồng Đài Loan hơn một năm và đang sống hạnh phúc.
"Chứng minh nhân dân Yến sử dụng trùng số và tên xã so với giấy tờ tùy thân của Trà, tên ấp thì sai. Gần một tháng trước, Trà đã đón cha mẹ qua Đài Loan chơi nên nhà đóng cửa", một cán bộ xã An Thạnh 1 nói.
Sáng cùng ngày, ông Trương (51 tuổi, ngụ phường Châu Phú A, TP Châu Đốc, An Giang) xác nhận Yến là con gái của ông với bà Lê (50 tuổi). Người đàn ông này chạy xe lôi, vợ mua bán nhỏ, cuộc sống khó khăn.
Gần hai năm trước, Yến phụ bán quán cà phê gần nhà thì được một cô bạn rủ lên TP.HCM cho nhiều người đàn ông Trung Quốc "xem mắt". Sau đó, thiếu nữ nhờ những người mai mối làm chứng minh nhân dân giả cho đủ 18 tuổi để kết hôn với thanh niên 27 tuổi.
Tháng 4/2015, cô dâu Việt này theo chồng sang Trung Quốc sinh sống. Gia đình Yến sống bằng nghề làm thuê và từ đó đến nay cô chưa về thăm cha mẹ ruột lần nào.
Chứng minh nhân dân giả được Yến sử dụng để làm các giấy tờ khác nhằm lấy chồng Trung Quốc. Ảnh: C.N. |
Theo bà Lê, Yến với chồng không tổ chức đám cưới vì gia đình hai bên đều nghèo. Trước khi trở về Trung Quốc, chồng của Yến cho gia đình vợ gần 20 triệu đồng và bà Lê đã dùng số tiền này để trả nợ.
"Vài ngày trước con gái tôi nhớ cha mẹ ruột nên xin gia đình chồng để về Việt Nam. Anh chị sui bên Trung Quốc cho một ít tiền để con dâu tự đón xe đò và Yến sau đó đã đi lạc đường", bà Lê kể.
Ngày 26/10, một phụ nữ quê Quảng Ninh có việc làm ăn ở Trung Quốc phát hiện Yến được người dân tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc) đưa vào trụ sở Công an Đông Hưng. Khi đó, trong túi cô dâu Việt này không còn tiền, tinh thần hoảng loạn. Yến sau đó được người phụ nữ tốt bụng này bảo lãnh, đưa về Việt Nam để tạm trú tại nhà bà ở Quảng Ninh.
Cùng ngày, thông tin về Yến và giấy tờ giả mang tên Trà của cô được những người tốt bụng đưa lên mạng xã hội Facebook. Hàng chục nghìn lượt chia sẻ suốt nhiều ngày nay vì mọi người muốn sớm tìm được người thân cho cô dâu Việt.
Sổ hộ khẩu và chứng minh nhân dân thật của Yến được làm vào năm 2011, tại Công an An Giang. Ảnh: C.N.
|
Trong lúc cộng đồng mạng xã hội chia sẻ hình ảnh tấm chứng minh nhân dân và giấy thông hành mang tên Trà có quê quán Sóc Trăng thì người phụ nữ giúp Ngọc phát hiện được vài số điện thoại trong hành lý của cô dâu Việt. Trong đó có một số điện thoại anh của Yến, đang làm thuê tại Tiền Giang.
"Con trai tôi nhận được thông tin em gái của nó đi lạc ở Trung Quốc khi tìm đường về Việt Nam nên gọi điện cho tôi. Dì của Yến đã dùng chứng minh nhân dân và sổ hộ khẩu thật của Yến để ra Quảng Ninh đón con tôi về", cha cô dâu Việt chia sẻ.
Theo người cha, do tinh thần của Yến chưa ổn định nên con gái ông không đi máy bay mà đi tàu hỏa. Dự kiến ngày 31/10, cô dâu Việt sử dụng giấy tờ giả để lấy chồng Trung Quốc này sẽ về đến An Giang.
Phát hiện nhiều người chia sẻ chứng minh nhân dân mang tên mình trên Facebook, những ngày qua chị Trà liên tục lên tiếng đính chính lại thông tin. Chị này mong muốn cô dâu Việt bị lạc đường sớm ổn định tâm lý, nhớ lại tên thật và địa chỉ của người thân để bình an trở về quê.
Người thân của chị Trà ở huyện Cù Lao Dung (Sóc Trăng) cho biết trước khi sang Đài Loan cùng chồng, chị Trà từng đánh mất chứng minh nhân dân. Có thể những người làm giấy tờ giả cho Yến nhặt được chứng minh nhân dân của chị Trà nên xảy ra chuyện hi hữu.
* Tên các nhân vật đã thay đổi.