Khởi nghiệp bằng những miếng vải vụn
Gặp Trần Phương Huyền (SN 1987) tại nhà riêng trên phố Vĩnh Phúc (Q. Ba Đình, TP. Hà Nội), người đối diện sẽ khó tin nổi cô gái mới 26 tuổi này là giám đốc Công ty TNHH Takeone nổi tiếng. Đặc biệt hơn, tỷ phú này lại có cách trò chuyện giản dị, chân thành đến vậy. Như những gì Huyền tâm sự, thì cô vốn là con gái út trong gia đình có truyền thống làm kinh doanh.
Bố Huyền là Giám đốc Hãng phim Giải phóng khu vực Miền Bắc. Mẹ cô là giáo viên gắn bó cuộc đời cùng sự nghiệp trồng người. Nhưng ngoài công việc ở trường, bà còn nhanh nhạy mở một xưởng may đồng phục học sinh để kiếm thêm thu nhập. Cũng chính từ cơ sở may bé nhỏ của gia đình, thuở còn ấu thơ, Huyền đã tự hun đúc trong đầu ý tưởng sẽ theo nghiệp kinh doanh. “Càng lớn, nó càng ám ảnh như một phần không thể thiếu trong đời, tự nhiên như duyên phận”, Huyền cho biết.
Tỷ phú 8x thành công nhờ những bài học quý giá từ mẹ. |
Xưởng may đồng phục đông khách, số lượng vải thừa thãi bỏ đi rất nhiều. Những lúc thơ thẩn một mình, Huyền thường lân la nhặt vải dưới đất làm đồ hàng chơi. Tuổi thơ của Huyền đã gắn liền với ước mơ bên những thớ vải vụn. Lớn hơn một chút, cô không còn chơi váy áo búp bê nữa mà nghĩ đến một hướng xa hơn để vải vụn không bị lãng phí. “Năm học lớp 7, tôi nảy ra ý tưởng gom vải thừa trong xưởng để riêng một góc, sau đó dùng vải lớn khâu thành chiếc gối nhỏ, chắp những miếng vải sặc sỡ thành các chữ cái ngộ nghĩnh mang tặng bạn thân”, Huyền nhớ lại.
Nhờ những chiếc gối đáng yêu ấy, tài năng và sự sáng tạo của Phương Huyền được nhiều bạn bè biết đến. Rồi cũng chính họ, thời gian sau đó trở thành những khách hàng đầu tiên đặt mua gối, giúp Huyền có được tiền tiết kiệm mà không phải xin bố mẹ. “Hồi đó, tôi đã có một lượng khách nhất định từ những người bạn cùng lứa. Tuy nhiên, việc học vẫn là quan trọng nên tôi không nhận làm nhiều ”, Huyền kể với giọng đầy khiêm tốn.
Những chiếc gối Take One được rất nhiều bạn trẻ yêu thích. |
Bước vào năm thứ nhất Đại học Ngoại thương, Huyền xác định “phải có cửa hàng riêng”. Bố mẹ cô rất ủng hộ. Số vốn Huyền được “hỗ trợ” chính là nguồn nguyên liệu sẵn có trong xưởng may của mẹ cùng khoản tiền tiết kiệm dành dụm bấy lâu. Ban đầu chưa có nhiều kinh nghiệm, Huyền không dám mạo hiểm. Những sản phẩm cô đưa ra thị trường khá hạn chế về số lượng, một phần để thăm dò thị hiếu khách hàng, phần khác để dễ quay vòng vốn.
Trải qua thời gian khá dài hoạt động nhỏ lẻ, năm 2005, Huyền mới đi đăng ký bản quyền thương hiệu Takeone tại Cục sở hữu trí tuệ Việt Nam. Đến năm 2008, Công ty TNHH Takeone chính thức thành lập. Huyền cũng kể thêm, giai đoạn mới thành lập công ty, cô cũng gặp nhiều khó khăn. Một mình phải đảm đương rất nhiều công việc, vừa phải tự tay làm sản phẩm vừa phải phân phối sản phẩm. Ngoài ra còn phải làm sao để xây dựng bộ máy sản xuất hài hòa, con người ưu việt. Những lúc gian nan thử thách ấy, Huyền lại được mẹ sát cánh, đưa ra lời khuyên giúp con gái định hướng: “Công ty nào mới thành lập cũng gặp nhiều khó khăn. Quan trọng nhất là con đứng vững, vượt qua điều đó như thế nào”.
Những lời chỉ dạy của mẹ như tiếp thêm động lực giúp Huyền lạc quan. “Khó khăn là không thể tránh khỏi, quan trọng là vượt qua điều đó như thế nào. Trăn trở cùng suy nghĩ ấy, tôi chợt thấy tầm nhìn của mình thoáng đãng hơn, bao âu lo cũng dần vơi đi”, tỷ phú vải vụn trẻ tâm sự. Khi trút bỏ bớt áp lực, sau buổi tối lang thang trên vỉa hè thủ đô, Huyền chợt nảy ra ý tưởng sẽ phát triển mặt hàng quà tặng. Cô lý giải: “Phần lớn những dòng sản phẩm quà tặng tôi nhìn thấy trên các cửa hàng, thậm chí vỉa hè là của nước ngoài. Trong khi đó, những sản phẩm do chính người Việt Nam sản xuất, mang đậm tinh thần, bản sắc văn hóa Việt thì còn rất hiếm. Tôi tin, nếu mình đánh trúng điểm này, thì sáng tạo của mình sẽ được các bạn trẻ đón nhận nồng nhiệt”.
Nghĩ là làm, sau những ngày tháng miệt mài lao động, Trần Phương Huyền đã đưa Takeone trở thành một thương hiệu quà tặng được nhiều người ưa chuộng. Đơn hàng được gửi đến nhiều hơn, nhân viên cũng tăng lên dần. Sau hơn 3 năm công ty chính thức đi vào hoạt động, từ một cửa hàng giới thiệu sản phẩm nhỏ bé, đến nay Huyền đã mở thêm chuỗi 20 cửa hàng bán lẻ khác ở cả ba miền Bắc - Trung - Nam. Năm 2010, gối Take One đã có những chuyến hàng đầu tiên sang Đông Âu và được bạn hàng quốc tế đánh giá rất cao.
Con đường thành công “in” bóng hình cha mẹ
Trong quan niệm của tỷ phú vải vụn trẻ tuổi, mỗi sản phẩm đều là tâm huyết. Bởi vậy, cô vẫn luôn làm với niềm say mê thực thụ. Huyền tận dụng internet để tung lên những sản phẩm độc đáo, qua đó giữ sự tương tác giữa khách hàng với doanh nghiệp. Cô cũng thường dạo qua các diễn đàn để xem mọi người nhận xét thế nào về sản phẩm của mình, từ đó giúp cô hoàn thiện hơn các sản phẩm của mình. Toàn bộ bí quyết ấy, Huyền chia sẻ: “Tôi học được từ gia đình, đặc biệt là mẹ của mình”. Theo Huyền, ngay từ nhỏ, mẹ đã giúp cô rèn luyện sự khéo léo và khả năng sắp xếp công việc một cách hợp lý. Sau này, những kỹ năng ấy lại được cô vận dụng vào quản lý, xây dựng phương châm kinh doanh nhất quán, hiệu quả.
Trong mắt Huyền, mẹ cô khi tự tay vào xưởng may vá là tỉ mỉ và cẩn thận trọng đến từng đường kim mũi chỉ. Bà luôn tìm cách sáng tạo để những bộ quần áo có điểm nhấn. Cô kể: “Ban đầu, mẹ tôi đã hướng dẫn tôi may các vật dụng trong gia đình như: Khăn trải bàn, túi đi học, may quần áo cho búp bê rồi dần dần mới tự mày mò làm. Cho đến nay, những sản phẩm của Takeone đã có một vị trí riêng trong lòng khách hàng. Để làm được điều đó, tôi luôn đặt ra yêu cầu cho mỗi sản phẩm phải mang đặc tính riềng giống như cách mẹ tôi làm. Mỗi chiếc gối được tạo ra qua đôi bàn tay khéo léo, sự tỉ mỉ và đầy sáng tạo nghệ thuật của người làm”.
Điều làm Huyền nể phục ở mẹ mình nhất là mặc dù kinh tế gia đình dư giả nhưng mỗi khi có đơn đặt hàng, bà sẵn sàng lao động miệt mài, thậm chí thức đêm để làm cho chỉn chu và giao hàng đùng hẹn. Cô chủ trẻ này cho biết: “Từ những công việc của mẹ rồi những lúc ngồi may vá với mẹ, tôi học được tính kiên trì và nhẫn nại của bà. Nhiều người hỏi tôi, “khi công nghệ phát triển, máy móc có thể thay thế nhiều khâu cho con người, cô nên nghĩ đến việc ấy (?)”. Lúc ấy, tôi chỉ cười và nói, “đơn hàng về ngày càng nhiều nhưng tôi không có ý định thay đổi thương hiệu gối Handmade (làm bằng tay), bởi theo tôi mỗi sản phẩm là tất cả tâm huyết của người sáng tạo, nếu thay đổi, nó sẽ không còn độc đáo nữa”.
Trên hành trình trở thành tỷ phú vải vụn nổi tiếng, trở thành hình mẫu thành công cho giới trẻ Việt, Phương Huyền chia sẻ, cô cũng bị ảnh hưởng rất lớn từ cha mình. “Bố tôi vốn là người kinh doanh rất nghiêm khắc. Ông luôn luôn dặn con gái điều quan trọng nhất trong kinh doanh là đạo đức nghề nghiệp, không được chạy theo đồng tiền, lợi nhuận. Nếu mất đi đạo đức nghề nghiệp, thì việc kinh doanh không bao giờ lâu bền được. Những điều răn ấy của bố, tôi vẫn luôn khắc ghi và soi vào mỗi hoạt động kinh doanh mỗi sản phẩm mà mình làm ra, nên trước khi xuất hàng ra thị trường, tôi đều đích thân kiểm tra kỹ lưỡng từng sản phẩm để tránh sai sót”, Huyền tâm niệm.
Với những gì đạt được, ngoài những nỗ lực cố gắng của bản thân Huyền thì đó còn là sự thừa hưởng “gia tài” quý báu của bố mẹ. Đến thời điểm này, khi mà Huyền đã đạt được những thành công nhất định, Huyền vẫn tự nhủ sẽ khắc ghi lời dạy của bậc sinh thành trên con đường đưa Takeone vươn xa…