Ngày 17/2, Bộ Công an giao ban tổ công tác của Chính phủ thực hiện Đề án 06 về phát triển ứng dụng dữ liệu dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia năm 2022-2025, tầm nhìn đến 2030.
Trung tướng Tô Văn Huệ (Cục trưởng Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội - C06) cho biết hiện có hơn 3.500 thủ tục hành chính đã cung cấp dịch vụ công trực tuyến trên cổng dịch vụ công quốc gia. Trong đó, 1.900 thủ tục hành chính cung cấp cho công dân và 1.800 hồ sơ thủ tục hành chính cung cấp cho doanh nghiệp. Những đơn vị có số dịch vụ công nhiều nhất là: Bộ Tài chính, Bộ GTVT và Bộ Y tế.
Từ 1/7/2021 đến 15/2, tổng số hồ sơ tiếp nhận là hơn 196.000 bộ. Qua đó, trên 191.000 hồ sơ đã được trả cho công dân. Một số thủ tục được giao dịch nhiều như đăng ký thường trú (7.800 hồ sơ), đăng ký tạm trú (4.300 hồ sơ), khai báo tạm vắng (502 hồ sơ).
Bên cạnh đó, nhiều dịch vụ như xác nhận số chứng minh thư khi đã cấp thẻ gắn chip; cấp lại, đổi căn cước công dân (CCCD); khai báo tạm vắng; thông báo lưu trú đã được triển khai cung cấp dịch vụ công. Bộ Công an cũng tích hợp, sẵn sàng thu tiền nộp phạt vi phạm giao thông đường bộ trên cổng dịch vụ quốc gia.
Cục trưởng C06 đánh giá tỷ lệ người dân sử dụng dịch vụ công còn hạn chế. Ảnh: N.H. |
Cục C06 đánh giá tỷ lệ người dân sử dụng dịch vụ công về cư trú và cấp, quản lý căn cước công dân chưa tương xứng với thực tế. Nguyên nhân do họ chưa biết, chưa được tuyên truyền về các thuận lợi, tiện ích khi sử dụng tiện ích. Ngoài ra, một số đơn vị vẫn còn thói quen yêu cầu công dân xuất trình giấy tờ, thủ tục bản giấy, chưa chấp nhận các bản điện tử.
Việc tích hợp thẻ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế vào thẻ gắn chíp và ứng dụng VNEID đã xong nhưng Bộ Y tế chưa có quy trình, hướng dẫn sử dụng căn cước công dân khi khám chữa bệnh. Một số địa phương, trong đó có TP.HCM, vẫn ban hành thẻ bảo hiểm y tế, nguy cơ lãng phí.
Chủ trì hội nghị, Bộ trưởng Công an Tô Lâm nhấn mạnh những tiện ích từ cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư rất lớn. Mỗi ngày có hàng triệu lượt giao dịch trên cổng dịch vụ công, cho thấy nhu cầu xử lý giấy tờ trực tuyến, cắt giảm thời gian đi lại của người dân đang cấp thiết.
Theo Bộ trưởng Công an, căn cước công dân gắn chip là giấy tờ chứng minh thông tin, nhân thân cao nhất, chính xác nhất. Tuy nhiên, nhiều cơ quan, đơn vị vẫn yêu cầu người dân phải chứng thực, chứng nhận rất nhiều loại giấy tờ.
Bộ trưởng Công an đề nghị các cơ quan chức năng nghiên cứu, thống nhất quan điểm để cắt giảm yêu cầu chứng thực, chứng nhận, nhất là đối với các thủ tục người dân thường xuyên thực hiện như đăng ký khai sinh, hộ khẩu, kết hôn.
Trong các yêu cầu đặt ra, đại tướng Tô Lâm đề nghị phía Bộ Y tế khẩn trương phối hợp kết nối đến sổ sức khỏe điện tử, ban hành quy trình sử dụng CCCD phục vụ người dân khám chữa bệnh dần thay thế thẻ BHYT, BHXH. Thành viên tổ công tác thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo khẩn trương chỉ đạo kết nối với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, chuyển dữ liệu học sinh, giáo viên để phục vụ kỳ thi đại học sắp tới và phục vụ kiểm soát học sinh đi học bảo đảm điều kiện phòng, chống dịch.