Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Có cần mở rộng số CMND?

Số CMND hiện tại gồm 9 chữ số, trong đó 2 chữ số đầu là mã tỉnh, 7 chữ số sau là số thứ tự. Ví dụ: Số CMND ở Hà Nội bắt đầu bằng 2 chữ số 01, ở TP.HCM bắt đầu bằng 2 chữ số 02.

Chính cách giải thích cơ cấu này đã làm cho nhiều người hiểu nhầm rằng khi dân số TP.HCM lên tới 10 triệu thì sẽ xảy ra hiện tượng tràn số. Gần đây, dự án CMND mới đã đề xuất kéo dài cấu trúc số CMND lên 12 chữ số để khắc phục tình hình. Thực ra chưa cần phải như vậy.

Chấm dứt CMND 9 số

Bộ Công an không có chủ trương dừng cấp CMND 12 số mà việc này tiếp tục triển khai, đến năm 2020 sẽ cấp toàn bộ CMND mới trên cả nước.

Hai chữ số đầu của số CMND không nên coi một cách cứng nhắc là mã tỉnh (mỗi tỉnh chỉ có 1 mã duy nhất) mà linh hoạt hơn có thể coi là mã số serie của tỉnh (mỗi tỉnh có thể có nhiều mã). Mã số serie cho phép mỗi tỉnh được dùng nhiều mã khác nhau và từ mã serie vẫn xác định được mã số tỉnh.  

Chẳng hạn, TP.HCM có thể cấp các mã 02, 72, 82, 92, A2, B2... TP Hà Nội có thể cấp các mã serie: 01, 11, 71, 81, 91, A1, B1... Mỗi mã chứa được 10 triệu thì 6 mã trên đủ cho 60 triệu công dân trên mỗi thành phố. Về lý thuyết, bộ 9 số có thể đánh số được 1 tỉ công dân (bao giờ nước ta đạt 1 tỉ công dân?).

Cao hơn nữa, khi ta cho phép hai ký tự đầu được mở rộng sang dùng ký tự 0-9 và A-Z thì khi đó khả năng đánh số sẽ là: 35x35x10 triệu = 12,25 tỉ công dân (đủ cho cả hành tinh!).

Theo đề xuất của dự án CMND mới thì số CMND 12 chữ số có cấu trúc như sau: PPP-G-NS-NNN-NNN. Cấu trúc này có gì mới và hay hơn cấu trúc cũ? Với PPP là mã tỉnh thì nước ta chỉ có 63 tỉnh - thành, sao lại phải dùng đến 3 chữ số trong khi như đã nói ở trên chỉ cần 2 chữ số là đủ.

Việc đưa G-NN là kỹ thuật học của Hungary nhằm lồng thế kỷ sinh, giới tính và 2 chữ số cuối của năm sinh vào số căn cước là hoàn toàn không cần thiết. Kỹ thuật này trước đây, khi mã vạch chưa phổ biến, người ta dùng để tạo ra sự phụ thuộc lẫn nhau giữa các thông tin đưa lên thẻ nhằm hạn chế việc tẩy xóa làm giả (vì sửa chỗ này thì phải sửa cả chỗ kia nên dễ bị phát hiện).

Ngày nay, ta đã dùng mã vạch 2D hoặc chip điện tử, một phương pháp tiên tiến hơn để mã hóa tất cả các thông tin trên thẻ nhằm cho phép đọc tự động và ngăn ngừa tẩy xóa thay đổi đối với tất cả các thông tin trên thẻ thì cần gì phải bảo vệ thêm giới tính năm sinh? Rõ ràng, đây chỉ là cách học đòi cái lỗi thời của người khác.

Về mặt phương pháp luận, phương pháp cấp phát số theo mã serie là phương pháp cấp phát động, vì nó cho phép gia giảm rất linh hoạt: Tỉnh đông dân thì được cấp nhiều mã theo cách cần đến đâu cấp đến đấy, còn tỉnh ít dân thì được cấp ít mã và số dân trong một tỉnh không bị khống chế bởi cận trên.

Hơn nữa, khi tách nhập tỉnh thì dùng mã serie cũng rất tiện lợi, chỉ cần cấp thêm số serie mới là xong. Ngược lại, phương pháp cấp phát số theo mã tỉnh là cách cấp phát tĩnh, không linh hoạt, vì nó đánh đồng tỉnh nhiều dân cũng như tỉnh ít dân. Việc đưa những 6 chữ số NNN-NNN cho mỗi giới tính trong cùng một năm sinh, tức là đưa ra con số khống chế cận trên của số dân sinh ra trong 1 năm của 1 tỉnh là 2 triệu là quá nhiều.

Người thiết kế bị rơi vào tình trạng nếu để ít hơn thì sợ trong tương lai sẽ bị tràn đối với các tỉnh lớn, nhưng để nhiều chữ số thì lại quá dư thừa cho các tỉnh nhỏ. Hậu quả là số CMND của các tỉnh ít dân không dùng hết nên chứa nhiều số 0 dư thừa không cần thiết.

http://nld.com.vn/thoi-su-trong-nuoc/co-can-mo-rong-so-cmnd-20140708230225335.htm

Theo TS Nguyễn Ngọc Kỷ/Người Lao Động

Bạn có thể quan tâm