Buổi tọa đàm “Rủi ro & Thoát hiểm” vừa tổ chức tại đường sách TP.HCM được khởi nguồn từ cuốn sách với định dạng 2 trọng 1 Cẩm nang phòng tránh xâm hại cho con & Những bảo bối của Hiệp sĩ TANI.
Những người thực hiện cuốn sách cũng như buổi tọa đàm mong muốn cảnh tỉnh và đem đến những kiến thức cần thiết và quan trọng mà bất cứ cha mẹ nào, bất cứ trẻ em nào cũng cần biết để có được sự an toàn trước vấn nạn xâm hại tình dục (XHTD) trẻ em.
Bà Dương Ngọc Hân, Tổng biên tập Saigon Books chia sẻ về mục đích thực hiện cuốn sách: “Lý do thực hiện cuốn sách không nói ai cũng biết. Vấn nạn XHTD ở trẻ em hiện đang rất căng thẳng ở VN. Gần đây các vụ án liên tiếp được phát hiện, đặt ra cho chúng ta câu hỏi: Chúng ta phải làm gì đây?
Ở vai trò là những người làm sách, chúng tôi mong muốn đưa ra những kiến thức, kỹ năng để giúp các bé phòng vệ. Mong ước lớn lao nhất của chúng tôi là cuốn sách này sẽ đi xa đi rộng đến với các đối tượng có thể bị tổn hại, không chỉ những đứa trẻ mà cả những người lớn nếu không có kiến thức, kỹ năng cũng có thể trở thành nạn nhân của xâm hại”.
Vấn nạn XHTD ở trẻ em đang là vấn đề gây chú ý trong dư luận gần đây, khiến các bậc cha mẹ không khỏi hoang mang và lo lắng. Thạc sĩ Dương Thanh Sơn, Chuyên gia giáo dục gia đình đến từ “Quà của bố” đưa ra những nguyên tắc dành cho cha mẹ: “Với vai trò một người cha, với văn hóa của Việt Nam, tôi thấy có những thói quen mà chính bản thân tôi cũng phải thay đổi.
Không cho con ngủ chung với bất kỳ ai ngoài cha me. Khi khách tới nhà, mình thường tỏ ra hiếu khách, hay cho con ngủ chung với khách. Chuyện này tuyệt đối không.
Nguyên tắc thứ hai là luôn luôn trò chuyện với con về các nguyên tắc phòng tránh xâm hại. Bất cứ lúc nào chơi với con thì hãy đặt trọn vẹn tâm trí của mình và quan sát những thay đổi của con, và luôn nói với con rằng, cha mẹ luôn luôn yêu thương con vô điều kiện, cho dù bất kỳ chuyện gì khủng khiếp xảy ra với con”.
Cô bé Trần Lê Thảo Nhi trong vai Hiệp sĩ TANI. |
Cô bé Trần Lê Thảo Nhi là một trong ba thành viên tham gia biên soạn cuốn sách Cẩm nang phòng tránh xâm hại cho con & Những bảo bối của Hiệp sĩ TANI. Dù mới 9 tuổi nhưng Thảo Nhi đã biết nhận diện rủi ro của chính mình và biết cách thoát hiểm.
Không chỉ thế còn giúp cho các bạn của mình thoát khỏi nguy hiểm bằng cách về các trường học chia sẻ với các bạn kỹ năng phòng vệ về phòng chống xâm hại. Những kỹ năng này cũng được Thảo Nhi chia sẻ trong cuốn sách ở phần Những bảo bối của Hiệp sĩ TANI – Trẻ em bảo vệ trẻ em! trong vai Hiệp sĩ TANI.
Khi được hỏi về động lực tham gia viết sách cũng như về các trường học chia sẻ kỹ năng bảo vệ cơ thể cho các bạn đồng trang lứa, Thảo Nhi cho biết: “Bởi vì con nhìn thấy những rủi ro để lại những hậu quả rất nguy hiểm, nếu các bạn không biết cách phòng chống các bạn sẽ bị một hậu quả rất kinh khủng giống như là bị XHTD. Cho nên con mới trăn trở và con quyết định chia sẻ những kiến thức, kỹ năng mà mình đã được đọc trên báo để các bạn biết cách bảo vệ cơ thể mình”.
Cô gái khuyết tật Nguyễn Thị Thơm (trái) chia sẻ trong buổi tọa đàm. |
Buổi tọa đàm “Rủi ro & Thoát hiểm” đặc biệt hơn khi có sự xuất hiện của cô gái Nguyễn Thị Thơm, chính là người đã viết thư cho Tiến sĩ Phạm Thị Thúy kể lại những lần thoát hiểm của mình.
Nguyễn Thị Thơm là một người khuyết tật. Những đứa trẻ là nhóm cần bảo vệ thì những người khuyết tật có thể có gặp nhiều rủi ro và nguy hiểm hơn.
Nguyễn Thị Thơm tâm sự: “Khi cô Thúy mời đến chia sẻ, em cũng đấu tranh rất nhiều. Thực sự, khi đối diện với vấn đề thì em mới thấy việc chia sẻ những vấn đề về XHTD lại khó khăn đến như vậy.
Bản thân em sinh ra đã là người khuyết tật rồi. Thông thường, thái độ của mọi người nhìn vào thấy một người khuyết tật như em rất đáng thương, và nghĩ không ai làm gì nó đâu.
Sự thương hại dành cho em rất nhiều và không ai nghĩ rằng em có thể gặp những hiểm nguy như vậy. Em có may mắn thoát được mấy lần nhưng thực sự đến bây giờ tâm lý em vẫn còn bị ảnh hưởng”.
Nguyễn Thị Thơm nói thêm: “Người khuyết tật như em, và nhiều phụ nữ khuyết tật khác, có nguy cơ XHTD rất cao.
Từ trước tới nay, mọi người luôn nghĩ, những người khuyết tật không bị XHTD đâu nhưng mọi người cứ nhìn xung quanh mà xem, có những người phụ nữ mắc hội chứng tâm thần vẫn mang thai, sinh con. Chính những người đó cũng bị XHTD.
Bởi vì phụ nữ khuyết tật tụi em là những người yếu thế nên khi bị tấn công, tụi em không có khả năng phòng vệ. Em muốn góp phần tiếng nói của mình để cho mọi người hiểu, từ mọi người sẽ dẫn đến cả xã hội hiểu. Và để có thể làm một cái gì đó, góp phần để hiểu hơn về những người phụ nữ khuyết tật như em”.