'Có Bà mẹ Việt Nam anh hùng chỉ chưa đầy 30 tuổi'
Đó là chia sẻ của ông Tạ Văn Thiều - Phó cục trưởng cục Người có công, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội.
Pháp lệnh số 04 sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh ưu đãi người có công ban hành năm 2012 đã sửa đổi, mở rộng đối tượng có công.
Theo đó, liệt sĩ là bất cứ ai, không kể tuổi tác, không kể dân tộc, không kể nghề nghiệp, chỉ cần có hành động dũng cảm cứu người, cứu tài sản mà hy sinh thì có thể được công nhận là liệt sĩ. Và bà mẹ có 1 con là liệt sĩ thì bà mẹ được truy tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam anh hùng.
Như vậy, trên thực tế, các em bé chưa đến 10 tuổi có hành động dũng cảm cứu người, cứu tài sản mà hy sinh có thể được công nhận làm liệt sĩ. Trong các trường hợp này, nếu người mẹ sinh ra các em bé trên khi mới 18 tuổi thì nay mới chỉ có 28 tuổi, cũng có thể được truy tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam anh hùng. Vậy hoàn toàn có thể xảy ra trường hợp người mẹ chưa đầy 30 tuổi được truy tặng, phong tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam anh hùng.
Về những người tham gia cách mạng, trên thực tế có người tham gia cách mạng chưa đến 10 tuổi. Như vậy, đến nay họ khoảng 70, 80 tuổi. Trong khi đó, vài năm qua, vẫn có trường hợp những người 70,80 tuổi đi thi đại học.
Xã hội học tập là xã hội không giới hạn quy định về tuổi. Vì vậy, hoàn toàn có thể xảy ra trường hợp các Bà mẹ Việt Nam anh hùng, những người tham gia cách mạng đi thi đại học. Vì vậy, Thông tư 24 của Bộ Giáo dục và Đào tạo không hề trái khoáy.
Tuy nhiên, Thông tư này vẫn có điểm không thực tế. Cụ thể, đó là ưu tiên cho người con của người có công, con của người tham gia chiến đấu, bảo vệ Tổ quốc được Nhà nước khen tặng Huân chương, Huy chương.
Trên thực tế, chỉ cần hoạt động kháng chiến trên chiến trường trong vòng 2 năm là được Huân chương kháng chiến. Như vậy, những người thuộc diện này có đến mấy triệu người. Nếu ưu tiên nhiều người quá như vậy thì nền giáo dục của nước ta sẽ không đảm bảo chất lượng. Như vậy, theo tôi, Thông tư này mở rộng diện ưu tiên quá.
Theo Lao Động