Theo South China Morning Post, hiện Thâm Quyến là một trong những thị trường bất động sản sôi động hàng đầu thế giới. Nền kinh tế Thâm Quyến đã phát triển lớn hơn Hong Kong.
Thâm Quyến cũng trở thành nhà của các tập đoàn hàng đầu Trung Quốc như Tencent Holdiings, Huawei Technologies, ngân hàng bảo hiểm Ping An và DJI, công ty sản xuất phương tiện không người lái (drone) lớn nhất thế giới.
"Thung lũng Silicon của Trung Quốc" trở thành trung tâm công nghệ cốt lõi tại Vịnh Lớn Quảng Đông, dẫn dắt tăng trưởng trong cụm 11 thành phố ở miền nam Trung Quốc, bao gồm cả Hong Kong và Macau.
Nhiều chuyên gia công nghệ đổ xô về Thâm Quyến từ những lời mời gọi công việc hấp dẫn. Kết quả là, giá nhà đất ở Thâm Quyến tăng vọt bởi nhu cầu ngày càng tăng và vòng xoáy đầu cơ khi ngày càng nhiều người đặt cược vào tương lai tại đây.
Toàn cảnh Thâm Quyến nhìn từ trên cao. Ảnh: SCMP. |
Giá tăng vùn vụt
Theo SCMP, Thâm Quyến là một trong số 5 thành phố đắt đỏ nhất toàn cầu trong hai năm liên tiếp. Dữ liệu chính phủ cho thấy giá các loại nhà thứ cấp ở thành phố này đã tăng 88,3% kể từ năm 2015, mức tăng cao nhất trong tất cả thành phố ở Trung Quốc. Bên cạnh đó, giá nhà mới cũng tăng 57,8%.
Năm ngoái, Thâm Quyến xếp hạng 4 trên toàn cầu về giá nhà ở đắt đỏ. Giá bất động sản trung bình ở đây là 783.855 USD, tương đương 8.428 USD/m2, theo CBRE. Tháng 4 năm ngoái, chính phủ Trung Quốc nới lỏng thanh khoản để giải cứu nền kinh tế, lập tức làn sóng mua nhà ở Thâm Quyến diễn ra rầm rộ.
Một dự án bất động sản 394 căn hộ mới ở quận Quảng Minh được khởi động vào tháng 6 năm ngoái đã thu hút 3.000 người xếp hàng từ lúc nửa đêm để tham gia bốc thăm giành quyền mua nhà.
Giá nhà trung bình tại Thâm Quyến lên đến 8.428 USD/m2
CBRE
Để giảm nhiệt và ngăn chặn tình trạng sốt nhà đất, chính quyền ở Thâm Quyến đã áp dụng nhiều biện pháp kiểm soát người mua. Trong đó, quy định bổ sung về cư trú và thuế dành cho người mua được kiểm soát chặt chẽ để ngăn tình trạng đầu cơ trên thị trường nhà ở.
Chỉ những cư dân có hộ khẩu ở Thâm Quyến trong hơn ba năm mới được phép mua nhà. Hơn nữa, các gia đình không được mua hơn hai căn nhà, trong khi người độc thân chỉ được sở hữu một căn.
Còn cư dân không có hộ khẩu Thâm Quyến phải đóng hơn 5 năm quỹ an sinh xã hội mới đủ điều kiện nhận quyền mua nhà trong thành phố. Mặt khác, để mua nhà trong một dự án khu dân cư mới, người mua phải đạt điểm cao trong hệ thống tính điểm để được ưu tiên.
Không hấp dẫn người mua Hong Kong
Nhiều năm trước, hàng loạt người giàu từ khu vực láng giềng Hong Kong đổ xô sang Thâm Quyến mua căn nhà thứ hai với mức giá rẻ hơn rất nhiều so với nhà ở Hong Kong lúc bấy giờ. Nhờ khoản chênh lệch giá, bất động sản ở Thâm Quyến ngày nay trở thành món hời cho những người biết nắm bắt thời cơ.
Với vị trí cận kề, người Hong Kong chú ý đến thị trường bất động sản ở Thâm Quyến khi giá nhà ở Hong Kong trở nên quá đắt đỏ. Theo khảo sát của Bloomberg, giá nhà ở trung bình tại Hong Kong trong năm 2020 cao gấp 20,7 lần thu nhập trung bình của một hộ gia đình. Hong Kong là thành phố có giá nhà ở đắt nhất thế giới trong 11 năm liền.
Người thường trú ở Hong Kong có thể mua nhà ở Thâm Quyến với khoản vay tới 70% giá trị căn nhà. Tuy nhiên, giá nhà cao và có xu hướng tăng nhanh khiến việc tìm kiếm một ngôi nhà rộng rãi với giá cả phải chăng ở Thâm Quyến hiện nay là một việc vô cùng khó.
Dù giá nhà trung bình ở Thâm Quyến có phần nhẹ nhõm hơn Hong Kong (21.388 USD/m2), giá bất động sản ở Thâm Quyến vẫn rơi vào khoảng 6 triệu đôla Hong Kong (770.000 USD)/căn, bởi nhà Thâm Quyến thường lớn hơn nhà ở Hong Kong.
Hong Kong và Thâm Quyến là hai khu vực có giá nhà đắt đỏ bậc nhất Trung Quốc. Ảnh: SCMP. |
Với giá này, người Hong Kong hoàn toàn có thể tìm được một căn hộ sơ cấp một phòng ngủ tại các dự án khu dân cư mới như Pavilia Farm phía trên ga Tai Wai hoặc một căn hộ hai phòng ngủ đã qua sử dụng ở khu Whampoa Estate bán đảo Cửu Long.
Trong khi đó, 770.000 USD chỉ có thể mua một căn hộ rộng 100 m2 ở quận Long Cương ở Thâm Quyến, cách ga cao tốc Futian hơn một giờ lái xe, hoặc một căn hộ 50 m2 ở quận Futian nội thành.
Fiona Kwan, một luật sư sống ở Hong Kong, cho biết: "Tôi thà sống ở Hong Kong vì nhà ở Thâm Quyến thật chất không quá hời. Mặt khác, ở Thâm Quyến sẽ phải mất nhiều thời gian để đi làm".