Sáng 20/4, bác sĩ Nguyễn Khắc Vui – Phó giám đốc Bệnh viện Đa khoa Sài Gòn cho biết nơi đây vẫn đang tích cực điều trị cho 4 nạn nhân bị thương trong vụ xe tải gây tai nạn tại hầm Thủ Thiêm (TP HCM).
Nhiều người bị thương la hét, đồ đạc bị hất tung
Nằm ở khoa chấn thương chỉnh hình, anh Bùi Thế Bính (19 tuổi, ngụ quận 2, nạn nhân bị thương nhẹ nhất) cho biết vẫn còn nguyên cảm giác sợ hãi khi nhớ lại khung cảnh hỗn loạn, máu me chảy đầy đường.
Anh Bính kể: “Lúc đó, nhóm 16 người đang dọn dẹp, quét rửa đường hầm để phục vụ cho ngày 30/4. Khi đang lom khom làm thì nghe tiếng rầm từ phía sau. Tôi bị hất văng xa, choáng váng mặt mày. Nhiều người bị thương la hét, đồ đạc bị hất tung, xáo trộn, máu từ người anh Phong rơi vãi khắp nơi”.
Khi sự việc xảy ra, anh Bính đau đớn cố lết vào lề đường nằm, nhiều người phát hiện anh Phạm Thanh Phong (35 tuổi, ngụ Bình Thạnh) còn kẹt dưới gầm xe nên hô hoán nhau cùng hỗ trợ đưa anh Phong ra ngoài.
Cả 5 nhân viên gặp nạn là Bùi Thế Bính bị chấn thương vai; Trần Văn Hùng (51 tuổi, ngụ quận 9), Lê Minh Tiến (25 tuổi, ngụ Bình Thạnh), Châu Ngọc Hạnh (30 tuổi, ngụ Hóc Môn) bị đa chấn thương và Phạm Thanh Phong được di chuyển đến bệnh viện sau đó vài phút.
Theo bác sĩ Vui, vào khoảng hơn 23h đêm ngày 19/4, Bệnh viện tiếp nhận 5 bệnh nhân bị tai nạn giao thông được chuyển đến. Trong đó, anh Phạm Thanh Phong được đưa đến trong tình trạng tím tái, ngưng tim, ngưng thở, sau 30 phút hồi sức tích cực nạn nhân đã không qua khỏi.
Theo anh Bính, nạn nhân Phong chưa có gia đình, đang sống cùng mẹ ở Bình Thạnh. Phong là người vui vẻ, nhiệt tình, chịu cực chịu khó, chơi với anh em rất hòa đồng nên được mọi người yêu mến.
Nạn nhân bị thương nặng phần đốt sống cổ. Ảnh: Lê Trai |
Có mặt tại khoa ngoại tổng hợp, chị Huỳnh Thị Cẩm Yên (chị dâu Tiến) cho biết vẫn chưa hết bàng hoàng khi nghe tin đứa em chồng bị tai nạn. Chị kể, tối đó cả nhà đang ngủ thì chồng gọi về bảo Tiến bị tai nạn đang nguy kịch. Tôi liền gọi mẹ chồng là bà Phan Thị Tám (51 tuôi), tức tốc đưa bà vào Bệnh viện.
Chị Yên thông tin thêm, Tiến bị trầy xước ở mặt, chấn thương ở vùng cột sống cổ đã được bác sĩ băng bó. Hiện Tiến đã ăn được, nói chuyện thì còn đau, tuy nhiên đã không còn nguy hiểm đến tính mạng.
Bà Sanh đang lo cơm trưa cho ông Hạnh. Ảnh: Lê Trai |
Tai nạn đâm xe đầu tiên có người tử vong ở hầm Thủ Thiêm
Cũng có mặt tại đây, bà Lâm Thị Sanh (vợ nạn nhân Hùng) chia sẻ bà đã vô cùng lo lắng khi nghe tin chồng gặp nạn. Khi tới Bệnh viện bác sĩ thông báo chồng bị thương ở chân và phần đầu nên càng lo hơn. Sau khi làm tất cả các xét nghiệm, bác sĩ thông báo ông Hùng không còn nguy hiểm, lúc này bà mới bớt đi nỗi lo.
“Bình thường chồng đi làm từ 21h đến 3h sáng hôm sau thì về. Một tháng thu nhập của ổng cũng khoảng 6 triệu nhưng đi đêm về hôm khiến tôi rất lo. Ổng bảo vì cuộc sống phải chấp nhận thôi”, bà Sanh tâm sự.
Đang ngồi kế bên vợ, ăn vội mấy muỗng cơm hộp, ông Trần Văn Hùng cho biết mình đã khỏe, chỉ còn trầy xước vài nơi chứ không còn đau nhiều nữa. Hỏi về vụ việc, ông nói mọi thứ xảy ra rất nhanh, ông chỉ nhớ là mình đang làm việc thì đột nhiên bất tỉnh, đến khi tỉnh lại thì thấy đã nằm trong Bệnh viện rồi.
“Những người bị thương đã được Bệnh viện cấp cứu kịp thời, hiện sức khỏe đã ổn định, có thể xuất viện trong thời gian tới. Riêng nạn nhân Hạnh bị đa chấn thương vùng đốt sống cổ nên sẽ cần phải kiểm tra và chữa trị lâu hơn”, bác sĩ Vui đánh giá sức khỏe các nạn nhân.
Bính chưa hết bàng hoàng khi kể nhớ lại lúc xảy ra tai nạn. Ảnh: Lê Trai |
Ông Trần Chí Trung, Giám đốc Trung tâm quản lý đường hầm sông Sài Gòn, cho biết sau khi vụ tai nạn xảy ra đơn vị này đã đóng cửa hầm 2 giờ đồng hồ (chiều từ quận 2 qua quận 1) để phối hợp với lực lượng CSGT xử lý vụ tai nạn.
“Trước giờ chỉ có lật xe hoặc xảy ra va quẹt nhẹ trong hầm, đây là trường hợp tai nạn đâm xe nghiêm trọng đầu tiên có người tử vong. Do vụ tai nạn xảy ra chưa tới vị trí bắn tốc độ nên hiện tại chưa xác định được chiếc xe tải có chạy quá tốc độ quy định hay không. Chúng tôi sẽ trích xuất camera để điều tra, làm rõ nguyên nhân”, ông Trung thông tin.