Clip Nga bắt sống 'gián điệp' Mỹ
Nga vừa ra lệnh trục xuất một công dân Mỹ bị cáo buộc là điệp viên Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) hoạt động tại nước này dưới vỏ bọc nhân viên ngoại giao.
Cơ quan An ninh Liên bang Nga (FSB) xác định danh tính đối tượng trên là Ryan C.Fogle, Bí thư thứ 3 Đại sứ quán Mỹ tại Nga. Thông báo của Bộ Ngoại giao Nga khẳng định ông Fogle là một nhà ngoại giao "không được hoan nghênh" và phải trở về Mỹ "càng sớm càng tốt".
Bí thư thứ 3 Đại sứ quán Mỹ tại Nga, Ryan C.Fogle (bên phải) bị áp giải về trụ sở của Cơ quan An ninh Liên bang Nga để điều tra. |
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Patrick Ventrell cũng xác nhận, một nhân viên Đại sứ quán Mỹ tại Nga bị giới chức nước sở tại giam giữ nhưng sau đó đã được trả tự do, và từ chối bình luận về cáo buộc từ phía Nga cho rằng nhân viên này là điệp viên CIA. Ông Ventren cũng không tiết lộ liệu Washington có động thái đáp trả hay không.
Trong khi đó, một quan chức Mỹ giấu tên cho biết, Washington chấp nhận yêu cầu của Moscow về việc trục xuất nhân viên ngoại giao của mình. Ông Fogle bị bắt giữ đêm 13/5 khi đang tìm cách mua chuộc một sĩ quan tình báo Nga làm việc cho CIA.
Lúc đó, Fogle định trao một khoản tiền lớn và các tài liệu cho người sĩ quan. Khi bị bắt giữ, ông Fogle còn mang theo một số "thiết bị kỹ thuật đặc biệt" và "dụng cụ cải trang" như tóc giả, la bàn, đèn pin...
Vụ việc xảy ra vào thời điểm nhạy cảm khi Mỹ và Nga đang tìm cách cải thiện quan hệ sau chuyến thăm Nga mới đây của Ngoại trưởng Mỹ John Kerry, trong đó hai nên nhất trí thúc đẩy nỗ lực tìm kiếm giải pháp chấm dứt cuộc khủng hoảng tại Syria mà cụ thể nhất là tổ chức hội nghị quốc tế về vấn đề này vào cuối tháng. Vụ việc cũng gợi lại hình ảnh cách đây hơn hai năm, Mỹ bắt giữ cô gái Nga Anna Chapman cùng 10 người khác với cáo buộc hoạt động gián điệp trên đất Mỹ.
Ý đồ của Nga sau vụ bắt giữ
Trong thông báo của mình, Bộ Ngoại giao Nga tỏ ra khá gay gắt khi tuyên bố: “Những hành động khiêu khích với tinh thần của thời kỳ Chiến Tranh Lạnh sẽ không có ích gì trong việc củng cố niềm tin của hai bên”.
Fogle chính là nhân viên ngoại giao Mỹ đầu tiên trong khoảng một thập kỷ gần đây bị cáo buộc một cách công khai làm gián điệp tại Nga.
Mặc dù Chiến Tranh Lạnh đã kết thúc từ lâu, Nga và Mỹ vẫn tiếp tục duy trì hoạt động do thám nhau. Năm ngoái, một số người Nga đã bị khép tội làm gián điệp tại Mỹ và bị kết án nhiều năm tù.
Hiếm điệp viên nào bị bắt với quá nhiều bằng chứng rõ ràng. |
Theo phân tích của các chuyên gia, việc một điệp viên CIA bị bắt với những bằng chứng rõ ràng như tiền mặt số lượng lớn, thư tuyển mộ, bản hướng dẫn tuyển người, tóc giả… sẽ khiến CIA bị mất mặt.
“Nếu thông tin là chính xác, thì vụ việc sẽ tạo ra một ấn tượng xấu kinh hoàng khi bị bắt với một tài liệu hướng dẫn kiểu như “101 cách trở thành điệp viên”. Anh ta chắc hẳn phải rất khờ khạo”, Mark Galeotti một giảng viên tại Đại học New York, người chuyên nghiên cứu về các cơ quan mật vụ Nga, khẳng định.
Samuel Greene, Giám đốc viện Nga tại Đại học Nhà Vua tại London thì gọi các bằng chứng của vụ án là kỳ lạ. “Tôi chưa bao giờ nghĩ rằng các điệp viên sẽ đưa cho nhau chỉ dẫn bằng văn bản”, ông Greene nói và cho biết thêm rằng FSB đã thu được cả thẻ nhân viên ngoại giao của Fogle. Điều đó cho thấy anh ta đã mang cả các đồ dùng cá nhân trong lúc làm nhiệm vụ và bị bắt.
“Có thể đó là những gì CIA vẫn làm, cũng có thể là các cơ quan truyền thông tại Kremlin nghĩ rằng chúng ta ngu ngốc đến độ đó, hoặc có thể là cả hai”, ông Greene nói tiếp.
Trong một đoạn video dài 5 phút do FSB cung cấp cho truyền hình Nga, một sĩ quan Nga đã nói chuyện với 3 người có vẻ là các nhà ngoại giao Mỹ tới đón Fogle tại văn phòng của FSB. Vị sĩ quan Nga nói rằng Fogle đã gọi điện cho một sĩ quan phản gián của FSB phụ trách khu vực Caucasus vào lúc 23h30 ngày thứ 2. Sau khi bị từ chối gặp mặt, Fogle gọi điện lần 2 và chào giá 100.000 euro nếu người này chịu cung cấp thông tin cho Mỹ.
Theo ông Galeotti, việc Nga công khai vụ bắt Fogle cho thấy một ý đồ chính trị sau vụ bắt giữ. Ông cho biết các vụ việc kiểu này không phải hiếm nhưng việc làm to chuyện như vậy thì ít gặp.
“Thường thì, theo thông lệ những vụ việc như thế này được giải quyết một cách kín đáo, trừ khi họ muốn đưa ra thông điệp nào đó”, Galeotti nhận định. “Nếu một nhân viên sứ quán bị phát hiện là gián điệp, người ta sẽ cứ để anh ta tự do, bởi sau khi xác định được danh tính, họ có thể theo dõi xem anh ta nói chuyện với ai, làm gì. Không có lý do gì để làm rùm beng lên, bắt giữ và trục xuất họ”.
Do đó ông nhận định có thể Kremlin đang muốn dùng vụ việc như là một cách để đối phó với phe đối lập hơn là với Washington. Và vụ bắt giữ sẽ không ảnh hưởng nhiều tới quan hệ Nga - Mỹ.
Theo Báo Tin Tức, Dân Trí